Cảnh báo rút khỏi đàm phán về xung đột Ukraine, Mỹ trao cơ hội vàng cho Nga?

Ngay sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết sẽ làm trung gian hòa giải, giúp Nga và Ukraine đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong vòng '24 giờ'. Nhưng 3 tháng đã trôi qua, cuộc chiến vẫn diễn ra ác liệt và viễn cảnh về một lệnh ngừng bắn toàn diện ngày càng xa vời.

Ông Trump cảnh báo rút khỏi đàm phán về xung đột Ukraine

Tổng thống Mỹ không thể đạt được bất kỳ nhượng bộ lớn nào từ Moscow, mặc dù chính quyền của ông và các quan chức Nga đã có nhiều cuộc đàm phán. Động thái của ông Trump nhằm làm tan băng quan hệ với Nga đã khiến Ukraine lo ngại, đồng thời gây chia rẽ quan hệ giữa Washington và châu Âu. Nhiều người Nga đang hân hoan trước viễn cảnh quan hệ ngày càng cải thiện hơn với Nhà Trắng. Còn tại Ukraine, ý tưởng về một nền hòa bình lâu dài đã phai nhạt.

Mỹ dần mất kiên nhẫn với các cuộc đàm phán chấm dứt xung đột Nga-Ukraine. Ảnh minh họa: Getty

Mỹ dần mất kiên nhẫn với các cuộc đàm phán chấm dứt xung đột Nga-Ukraine. Ảnh minh họa: Getty

"Không có gì xảy ra. Trên thực tế, mọi người vẫn nghe thấy tiếng còi báo động mỗi ngày. Bom đạn vẫn rơi xuống", hiệu trưởng Trường Kinh tế Kiev, ông Tymofiy Mylovanov cho biết. Quân đội Ukraine cũng đã mất quyền kiểm soát lãnh thổ ở khu vực Kursk, phía tây của Nga. Trước đó, Kiev từng xem việc chiếm vùng lãnh thổ này làm con bài mặc cả.

"Cho đến nay, vẫn chưa có thay đổi nào. Tình hình ở các thành phố của chúng tôi đang trở nên tồi tệ hơn", Anna Klyshkina, một nhiếp ảnh gia 29 tuổi tại Sumy nhấn mạnh.

Có rất ít tiến triển liên quan đến các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn bất chấp nỗ lực của Tổng thống Trump. Trong khi đó, Quân đội Nga tiếp tục tiến quân mạnh mẽ trên khắp chiến trường miền đông Ukraine, dù tốc độ chậm hơn so với cuối năm 2024. Các lực lượng Nga cũng đã đẩy hầu như toàn bộ lực lượng đối phương ra khỏi khu vực Kursk và tiến vào các khu vực biên giới của tỉnh Sumy, Đông Bắc Ukraine.

Thất vọng trước tình hình thực tế, Tổng thống Trump cho biết Mỹ sẽ tạm dừng các nỗ lực đàm phán chấm dứt xung đột ở Ukraine nếu không sớm đạt được tiến triển trong việc gây sức ép buộc Nga và Ukraine phải thỏa hiệp.

Phát biểu tại Phòng Bầu dục ngày 19/4, ông Trump cảnh báo, sự kiên nhẫn của ông đối với tiến trình ngoại giao có thể kết thúc "rất sớm": "Nếu vì lý do nào đó, một trong hai bên khiến mọi việc trở nên rất khó khăn, chúng tôi sẽ bỏ qua mọi nỗ lực đàm phán, nhưng hy vọng chúng tôi sẽ không phải làm như vậy".

Theo giới phân tích, khoảng một tháng sau khi Tổng thống Putin từ chối lệnh ngừng bắn vô điều kiện do Mỹ đề xuất và chỉ chấp nhận lệnh ngừng tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng, ông Trump dường như thấy rằng, việc các bên đạt được thỏa thuận hòa bình là không khả thi.

Nhà lãnh đạo Mỹ dường như đang xem xét cho các quan chức trong chính quyền ông rút khỏi các cuộc đàm phán. Trước đó hôm 12/4, Tổng thống Trump nói một cách ẩn ý rằng chính quyền của ông sẽ không theo đuổi các cuộc đàm phán dài vô tận: “Sẽ có lúc bạn phải chấp nhận hoặc im lặng”.

Sau khi kết thúc chuyến thăm Paris vào ngày 18/4, nơi các nhà đàm phán Mỹ gặp gỡ với các đại diện châu Âu và Ukraine, Ngoại trưởng Marco Rubio cho biết, ông Trump có khả năng chỉ tiếp tục nỗ lực trong vài ngày tới nếu không có tiến triển thực sự nào hướng tới hòa bình.

"Chúng tôi đã dành gần như toàn bộ 100 ngày đầu tiên của tổng thống tại nhiệm để cố gắng thúc đẩy thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine. Nếu thỏa thuận đạt được, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ. Nhưng nếu điều đó không xảy ra, chúng tôi sẽ từ bỏ vì còn nhiều vấn đề khác phải giải quyết".

Một quan chức Nhà Trắng nói rằng, ưu tiên trong nước sẽ là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của ông Trump và tổng thống nhiều khả năng sẽ rút các nhóm đàm phán nếu ông cảm thấy các cuộc đàm phán liên quan đến xung đột Nga- Ukraine đang cản trở chương trình nghị sự trong nước.

Còn Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết, Washington sẽ chuyển sang các ưu tiên ngoại giao khác nếu xác định rằng thỏa thuận “không thể đạt được trong vài tuần tới".

Mỹ trao cơ hội vàng cho Nga?

Tổng thống Trump đã đe dọa sẽ áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với Nga, đặc biệt xem xét đánh thuế quan thứ cấp đối với dầu xuất khẩu của nước này nếu Moscow từ chối tham gia vào tiến trình hòa bình, nhưng ông Trump đã trì hoãn thực hiện sau cuộc gặp giữa Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff và Tổng thống Putin.

Ông Mark Montgomery, Cựu giám đốc phụ trách các mối đe dọa xuyên quốc gia tại Hội đồng An ninh Quốc gia cho rằng, sở dĩ Nga chưa chấp nhận lệnh ngừng bắn vô điều kiện là bởi họ vẫn có khả năng chống chịu áp lực từ phía Mỹ.

Bằng cách thu hẹp phạm vi ngừng bắn, Tổng thống Putin đã có thể bảo vệ hoạt động sản xuất năng lượng của Nga – vốn là trụ cột của nền kinh tế nước này. Một chiến thuật khác của Nga là tận dụng mọi cơ hội để đưa ra danh sách các yêu cầu mà Ukraine phải nhượng bộ bao gồm Ukraine phải công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với những vùng lãnh thổ Moscow chiếm giữ, từ bỏ mục tiêu gia nhập NATO và cắt giảm đáng kể lực lượng vũ trang. Giới quan sát cho rằng, nếu Mỹ rút khỏi đàm phán hòa bình, Nga sẽ có thêm cơ hội gia tăng lợi thế trên chiến trường và có thể tiến tới giành thêm nhiều vùng lãnh thổ mới.

Trong bối cảnh triển vọng đạt được ngừng bắn đang mờ nhạt, Mỹ cho biết đã trình một thỏa thuận hòa bình khung trong tuần này cho Nga, Ukraine và Châu Âu. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ không công khai tài liệu này.

Đặc phái viên của Mỹ tại Ukraine Keith Kellogg cho biết, theo thỏa thuận quân đội Ukraine có thể tuần tra một khu phi quân sự dài gần 29km. Khu vực này sẽ tách biệt phần phía tây - nơi nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine, với các vùng lãnh thổ ở phía đông mà Nga chiếm giữ. Phát biểu với báo chí, Ngoại trưởng Mỹ Rubio cho biết, bản dự thảo mà Mỹ đưa ra không đi sâu vào chi tiết đảm bảo an ninh tiềm năng cho Ukraine.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo USA Today, Economic Times

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/canh-bao-rut-khoi-dam-phan-ve-xung-dot-ukraine-my-trao-co-hoi-vang-cho-nga-post1193733.vov
Zalo