Cảnh báo rủi ro của một thế giới phân mảnh
Nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu phân mảnh – xu hướng rủi ro lớn nhất đối với thị trường hiện nay, khi kéo theo tăng trưởng thấp và lạm phát cao hơn.

Cảng hàng hóa ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Giám đốc điều hành (CEO) Quỹ đầu tư quốc gia Na Uy (NBIM) - quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới - Nicolai Tangen ngày 28/4 nhận định, nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu phân mảnh – xu hướng mà ông cho là rủi ro lớn nhất đối với thị trường hiện nay, khi kéo theo tăng trưởng thấp và lạm phát cao hơn.
Ông Tangen cho biết kịch bản kinh tế phân tách đã được đưa vào các bài kiểm tra sức chịu đựng rủi ro (stress-test) của NBIM. Kết quả cho thấy đây “là một kịch bản rất tiêu cực". Ông mô tả hiện trạng thế giới đang đối mặt “chiến tranh nóng, chiến tranh lạnh, chiến tranh thương mại và chiến tranh công nghệ”, với mức độ căng thẳng giữa các cường quốc ngày càng lớn, dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm lại, áp lực lạm phát gia tăng và môi trường đầu tư nhiều bất ổn.
Trả lời câu hỏi liệu thế giới đã bước vào kịch bản phân mảnh hay chưa, ông Tangen cho rằng “có vẻ như vậy”. Theo kết quả kiểm tra, trong trường hợp thế giới phân mảnh, NBIM có thể mất tới hơn 30% tổng giá trị tài sản.
Nhận định về tình hình thị trường toàn cầu, ông Tangen chỉ ra xu hướng đi ngang khiến ông bất ngờ, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đầy biến động trong những tuần qua.
Tuy nhiên, ông cho rằng chưa thể đoán được tình trạng ít dao động này sẽ kéo dài bao lâu, nhất là khi các doanh nghiệp ngày càng dè dặt trong việc đưa ra dự báo kinh doanh, trong đó nhấn mạnh việc gia tăng các công ty không công bố dự báo trong báo cáo kết quả kinh doanh.
Ông Tangen nhận định những doanh nghiệp có khả năng trụ vững trong môi trường hiện tại là những đơn vị có thể chống chịu tốt áp lực giá – hoặc bằng cách tăng giá bán mà không làm tổn hại tài chính khi các đối thủ cũng buộc phải tăng giá, hoặc nhờ có chuỗi cung ứng linh hoạt. Tuy nhiên, ông không nêu rõ những ngành hoặc doanh nghiệp cụ thể chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ chiến tranh thương mại.
Trong năm qua, quỹ NBIM đã duy trì tỷ trọng cổ phiếu, đặc biệt là cổ phiếu công nghệ, ở mức thấp hơn trung bình. Theo ông Tangen, các điều chỉnh này chỉ ở mức nhỏ do quỹ phải tuân thủ nhiệm vụ đầu tư được Quốc hội Na Uy quy định.
Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo ở vị trí CEO của NBIM, ông Tangen cho biết trọng tâm sẽ là tiếp tục tối ưu hóa mọi khía cạnh vận hành của quỹ, trong đó cải thiện thêm 1% ở mọi lĩnh vực. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động, không chỉ với NBIM mà còn với khoảng 9.000 công ty mà quỹ đầu tư.
Quỹ NBIM, quản lý 1.800 tỷ USD doanh thu từ dầu khí của Na Uy, hiện là quỹ đầu tư lớn nhất trong mô hình quỹ đầu tư quốc gia, sở hữu trung bình khoảng 1,5% cổ phiếu niêm yết toàn cầu tại hơn 9.000 doanh nghiệp. Bên cạnh cổ phiếu, quỹ còn đầu tư lớn vào trái phiếu, bất động sản và năng lượng tái tạo.