Cảnh báo những người phụ nữ gầy: Nguy cơ 'ra đi' còn cao hơn người béo

Đừng để vẻ ngoài đánh lừa: Khám phá phương pháp dĩa ăn 2-1-1 giúp người gầy thoát khỏi nguy cơ béo nội tạng.

Bạn nghĩ chỉ cần giữ được thân hình mảnh mai, chỉ số BMI trong mức bình thường là đã khỏe mạnh? Thực tế, nhiều người có vẻ ngoài gầy nhưng bên trong lại tiềm ẩn hàng loạt nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng. Bác sĩ giảm cân Trần Uy Long chia sẻ trường hợp một nữ quản lý ngành tài chính, 45 tuổi, cao 1m60, nặng khoảng 51–52kg, BMI 20 – thuộc ngưỡng bình thường. Thế nhưng kết quả khám sức khỏe tổng quát lại khiến cô “ngã ngửa”.

Dù trông mảnh mai, nhưng cô có tỷ lệ mỡ cơ thể lên đến 35%, kèm theo triglyceride (mỡ máu) cao, đường huyết HbA1c bất thường và gan nhiễm mỡ mức độ trung bình. Bác sĩ kết luận đây là trường hợp điển hình của nhóm người "gầy mà vẫn béo" – tức là Metabolically Obese Normal Weight (MONW): những người có cân nặng bình thường nhưng chỉ số chuyển hóa xấu.

“Gầy béo” nguy hiểm hơn thừa cân

Theo một nghiên cứu đăng trên JAMA, nhóm MONW có nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch cao hơn 52% so với cả người thừa cân hoặc béo phì. Nguy cơ này tăng lên theo độ tuổi – ở nhóm 50-64 tuổi, rủi ro gấp 3 lần người trẻ; trên 65 tuổi thậm chí gấp 4 lần.

Nguyên nhân đến từ việc tích tụ mỡ nội tạng, ít vận động, ăn nhiều thực phẩm tinh chế, đề kháng insulin cao và thiếu khối lượng cơ – yếu tố quan trọng giúp ổn định đường huyết.

Làm sao để không trở thành “gầy mà không khỏe”?

Bác sĩ Trần Uy Long khuyến nghị 4 điều sau:

Điều chỉnh chế độ ăn: Giảm đường tinh luyện và đồ chế biến sẵn, ưu tiên thực phẩm nguyên bản. Áp dụng phương pháp “dĩa ăn 2-1-1”: nửa dĩa là rau, 1/4 là tinh bột nguyên hạt, 1/4 là đạm chất lượng cao.

Tập thể dục đều đặn: Kết hợp aerobic như đi bộ nhanh, bơi lội và rèn luyện sức mạnh như squat, nâng tạ nhẹ để tăng cơ và cải thiện độ nhạy insulin.

Ngủ đủ giấc: Duy trì nhịp sinh học ổn định, ngủ từ 6–8 tiếng mỗi đêm giúp cân bằng hormone.

Khám sức khỏe định kỳ: Ngoài đo huyết áp, mỡ máu, đường huyết, nên kiểm tra chỉ số kháng insulin để sớm phát hiện nguy cơ tiểu đường và hội chứng chuyển hóa.

Đừng để vẻ ngoài “mi nhon” đánh lừa bạn về sức khỏe thật sự. Một cơ thể khỏe mạnh không chỉ nằm ở con số trên cân, mà là sự cân bằng về mỡ, cơ và các chỉ số chuyển hóa bên trong. “Gầy mà không khỏe” là một thực trạng đáng báo động, đặc biệt ở người làm việc văn phòng, ít vận động. Việc duy trì lối sống khoa học là cách tốt nhất để phòng bệnh và sống thọ.

Mia

Nguồn SaoStar: https://www.saostar.vn/thoi-trang/canh-bao-nhung-nguoi-phu-nu-gay-nguy-co-ra-di-con-cao-hon-nguoi-beo-202504011126452851.html
Zalo