Cảnh báo những hậu quả tiềm tàng do bất ổn ở Syria

Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 11 của Tổ chức hợp tác kinh tế D-8, gồm Ai Cập, Bangladesh, Indonesia, Iran, Malaysia, Nigeria, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống nước chủ nhà Abdel Fattah El-Sisi nhấn mạnh, hội nghị diễn ra vào thời điểm thế giới, nhất là Trung Đông, đang phải đối mặt những thách thức và khủng hoảng chưa từng có.

Người tị nạn Syria bị kẹt ở khu vực biên giới giáp Liban. (Ảnh TÂN HOA XÃ)

Người tị nạn Syria bị kẹt ở khu vực biên giới giáp Liban. (Ảnh TÂN HOA XÃ)

Tổng thống Ai Cập nêu rõ, xung đột là thách thức hàng đầu, cùng với chủ nghĩa bảo hộ và rào cản thương mại. Bày tỏ lo ngại nguy cơ xung đột lan rộng trong khu vực, ông El-Sisi cảnh báo về những hậu quả chính trị và kinh tế tiềm tàng từ những diễn biến hiện nay ở Syria.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh D-8, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian đề cập những căng thẳng ở khu vực, nhất là xung đột tại Liban, Syria và Dải Gaza; nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên D-8 nhằm đạt được lợi ích chung.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến tại Syria; mong muốn Syria được xây dựng lại và người dân nước này được sống trong hòa bình, ổn định. Ông Erdogan cho rằng, Syria cần các giải pháp cả về chính trị và kinh tế để phục hồi sau khủng hoảng.

Tại một cuộc họp báo, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, các cuộc không kích của Israel vào Syria là vi phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước này và phải chấm dứt ngay lập tức. Ông Guterres cho biết, Liên hợp quốc đang thúc đẩy một quá trình chuyển tiếp chính trị toàn diện, đáng tin cậy và hòa bình tại Syria, cũng như nỗ lực viện trợ. Nhận định tình hình đã ổn định ở một số khu vực, song ông Guterres cho rằng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tiến trình chuyển tiếp bị phá vỡ.

Trên kênh truyền hình Al Arabiya, quyền Bộ trưởng Thương mại nội địa Syria Maher Khalil al-Hassan cho biết, chính quyền lâm thời nước này đang xem xét một loạt cải cách, bao gồm tăng lương và loại bỏ trợ giá đối với một số hàng hóa nhằm tự do hóa nền kinh tế và hạn chế tình trạng trục lợi. Ông Hassan cũng đề cập sự cần thiết phải sửa đổi luật thương mại và giảm thuế nhập khẩu nhằm giảm bớt áp lực lạm phát.

Người phát ngôn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, IMF chưa có bất kỳ liên lạc sâu rộng nào với chính quyền Syria kể từ sau cuộc tham vấn kinh tế năm 2009 và hiện còn quá sớm để đưa ra đánh giá về tình hình kinh tế nước này. IMF đang theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến và sẵn sàng hỗ trợ các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm giúp tái thiết Syria khi cần thiết và với điều kiện cho phép.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/canh-bao-nhung-hau-qua-tiem-tang-do-bat-on-o-syria-post851742.html
Zalo