Cảnh báo nhập khẩu khí đốt của châu Á sắp chạm đáy
Việc nhập khẩu LNG tại châu Á giảm mạnh cho thấy các bên mua đang né tránh các lô hàng giao ngay có giá cao hơn ít nhất 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một cảng nhập khẩu LNG ở Ấn Độ. Ảnh AFP
Theo AFP, nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của châu Á dự kiến sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai năm vào tháng 2, trong khi châu Âu lại đang trên đà tăng lên mức cao thứ hai trong lịch sử.
Việc nhập khẩu giảm sút ở châu Á phản ánh thực tế rằng người mua không mặn mà với các lô hàng giao ngay có giá quá cao – hiện đang cao hơn ít nhất 50% so với thời điểm này năm ngoái.
Thời tiết mùa đông ôn hòa hơn bình thường tại phần lớn khu vực Bắc Á cũng khiến nhu cầu giảm sút, mở ra cơ hội cho các nhà nhập khẩu châu Âu tranh mua hàng để bổ sung kho dự trữ đang cạn kiệt của lục địa này.
Theo dữ liệu từ công ty phân tích hàng hóa Kpler, tổng lượng LNG nhập khẩu vào châu Á – khu vực tiêu thụ LNG lớn nhất thế giới – dự kiến đạt 20,7 triệu tấn trong tháng 2, giảm từ mức 24,59 triệu tấn của tháng 1 và 22,67 triệu tấn của tháng 2 năm ngoái. Đây cũng là mức nhập khẩu theo tháng thấp nhất kể từ tháng 4/2023.
Ngược lại, nhập khẩu LNG của châu Âu trong tháng 2 ước tính đạt 11,81 triệu tấn, tương đương với mức 11,84 triệu tấn của tháng 1. Hai tháng đầu năm nay là giai đoạn có lượng nhập khẩu LNG cao thứ 3 và thứ 4 trong lịch sử, nhưng nếu tính theo trung bình ngày, lượng nhập khẩu trong tháng 2 sẽ là mức cao thứ 2, chỉ xếp sau tháng 4/2023.
Châu Âu ngày càng phụ thuộc vào LNG sau khi nguồn cung khí đốt từ Nga qua đường ống trung chuyển qua Ukraine chấm dứt vào đầu tháng 1. Điều này càng làm trầm trọng thêm sự sụt giảm nguồn cung khí đốt từ Nga kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022.
Phần lớn nhu cầu LNG gia tăng của châu Âu đang được đáp ứng bởi Mỹ. Năm 2023, Mỹ đã vượt qua Úc để trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới.
Dự kiến, nhập khẩu LNG từ Mỹ vào châu Âu sẽ đạt 6,53 triệu tấn trong tháng 2, giảm nhẹ so với kỷ lục 6,84 triệu tấn của tháng 1. Tuy nhiên, nếu tính theo trung bình ngày, đây vẫn là mức cao kỷ lục và gần gấp 3 lần so với mức 2,30 triệu tấn mà châu Âu nhập từ Mỹ vào tháng 7 năm ngoái.
Việc châu Âu ngày càng phụ thuộc vào LNG của Mỹ có thể giúp khu vực này có lợi thế hơn khi đàm phán với Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đang đẩy mạnh chính sách áp thuế để buộc các đối tác thương mại mua nhiều hàng hóa hơn từ Mỹ.
Giá cao
Nhu cầu LNG của châu Âu cũng đang đẩy giá nhiên liệu này lên gần bằng mức giá tham chiếu của thị trường châu Âu. Chỉ số khí đốt TTF của châu Âu chốt phiên ngày 21/2 ở mức 46,06 euro/MWh, tương đương 14,12 USD/mmBtu.
Mức này chỉ nhỉnh hơn một chút so với giá LNG giao ngay tại châu Á, chốt ở mức 14,00 USD/mmBtu trong tuần kết thúc vào ngày 21/2, giảm so với mức đỉnh 16,10 USD/mmBtu của 14 tháng trước đó.
Giá LNG giao ngay tại châu Á đang giảm khi nhu cầu mùa đông đạt đỉnh, nhưng đồng thời mức giá cao kéo dài từ tháng 11 cũng đã khiến nhu cầu suy giảm.
Trung Quốc, nước nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới, là minh chứng rõ nhất cho xu hướng này. Lượng nhập khẩu LNG của Trung Quốc trong tháng 2 dự kiến giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm, với ước tính khoảng 4,99 triệu tấn, giảm từ 6,05 triệu tấn của tháng 1 và 5,82 triệu tấn của tháng 2 năm ngoái.
Giá LNG giao ngay tại châu Á đã duy trì quanh mức 14 USD/mmBtu từ giữa tháng 11 – một mức giá khiến các công ty tiện ích của Trung Quốc gặp khó khăn trong việc bán lại với lợi nhuận.
Nhật Bản, nước nhập khẩu LNG lớn thứ hai thế giới, cũng chịu ảnh hưởng từ mùa đông ôn hòa. Lượng nhập khẩu trong tháng 2 dự kiến đạt 5,79 triệu tấn, giảm từ 6,74 triệu tấn của tháng 1 và thấp hơn mức 6,07 triệu tấn của tháng 2 năm ngoái.
Khi nhu cầu mùa đông qua đi, có khả năng nhu cầu LNG tại Bắc Á sẽ tiếp tục giảm, và sự sụt giảm có thể lớn hơn bình thường, do giá vẫn ở mức cao.
Nếu nhu cầu LNG của châu Âu vẫn duy trì ở mức cao khi khu vực này tiếp tục tích trữ khí đốt, giá LNG giao ngay có thể sẽ giữ ở mức đủ cao để khiến người mua ở châu Á e dè.