Cảnh báo nguy cơ đột tử từ hội chứng QT liên quan sử dụng thuốc

Gần đây, BV Thống Nhất (TP.HCM) tiếp nhận cấp cứu nhiều ca rối loạn nhịp, suýt đột tử do hội chứng QT dài (một rối loạn hoạt động điện của tim) liên quan đến sử dụng thuốc.

Ca bệnh trẻ nhất bệnh viện (BV) vừa tiếp nhận là một nữ sinh, 18 tuổi, nhập viện vào ngày 23-1 trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở.

Suýt đột tử vì uống thuốc tăng cân

Khai thác bệnh sử được biết khi đang tập văn nghệ tại trường, bệnh nhân cảm thấy chóng mặt, hoa mắt, té gồng người, sau đó mất ý thức hoàn toàn. Bệnh nhân được sơ cứu tại chỗ và chuyển đến BV Thống Nhất.

Tại BV, đồng tử của bệnh nhân đã giãn hết, khả năng cứu sống rất thấp. Bệnh nhân được hồi sinh tim phổi nâng cao, gắn điện tim và sốc điện, được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực - Chống độc trong trạng thái hôn mê, được dùng kỹ thuật hạ thân nhiệt để cứu sống não.

 Bác sĩ BV Thống Nhất đang thăm khám cho một bệnh nhân mắc hội chứng QT dài tại khoa Nhịp tim của bệnh viện. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bác sĩ BV Thống Nhất đang thăm khám cho một bệnh nhân mắc hội chứng QT dài tại khoa Nhịp tim của bệnh viện. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Hai ngày sau thì bệnh nhân tỉnh, được chuyển đến khoa Nhịp tim để tìm nguyên nhân gây hội chứng QT dài. Kết quả xét nghiệm gen bình thường, khảo sát điện sinh lý không có cơn nhịp nhanh, bác sĩ (BS) kết luận không phải hội chứng QT dài bẩm sinh.

Tuy nhiên, sau đó bệnh nhân cho BS biết do bản thân quá gầy nên đã dùng thực phẩm chức năng để tăng cân. Trong thời gian theo dõi tại BV, BS cho ngưng thuốc, ghi nhận QT của bệnh nhân ngắn lại. Một tuần sau thì bệnh nhân ổn định, được xuất viện.

Ca bệnh tiếp theo là một bệnh nhân nam, 42 tuổi, nhập BV Thống Nhất vào ngày 15-2 vì những cơn mất ý thức khoảng 1-2 phút. Do bệnh nhân có co giật, dễ nhầm lẫn với động kinh nên được chuyển đến khoa Nội thần kinh nhưng bệnh tình không giảm.

Nghi ngờ có vấn đề về rối loạn nhịp, các BS chuyên khoa hội chẩn và chuyển bệnh nhân đến khoa Nhịp tim để điều trị.

Tỉ lệ tử vong hằng năm của hội chứng QT dài chiếm dưới 0,5% đối với người không có triệu chứng. Tuy nhiên, nếu những bệnh nhân này có tiền căn ngất trước đó thì tỉ lệ này tăng lên khoảng 5%.

Sau khi hội chẩn, các BS phát hiện bệnh nhân có sử dụng thuốc Methadone gây QT dài, đồng thời ion đồ có nồng độ kali rất thấp. Đây là hai điều kiện thuận lợi gây ra QT dài, dẫn đến có những ngày bệnh nhân xuất hiện những cơn ngất ngắn.

Bệnh nhân có tiền sử nghiện heroin, đang điều trị thuốc chống cai nghiện Methadone. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị HIV, đang điều trị thuốc ARV dự phòng lây nhiễm; bị viêm gan, xơ gan do rượu và di chứng tai biến mạch máu não (đều là các nguy cơ gây hội chứng QT dài).

Chủ động tầm soát, tránh nguy hiểm

TS-BS Trương Quang Khanh, Trưởng khoa Nhịp tim BV Thống Nhất, cho hay gần đây số ca mắc hội chứng QT dài nhập viện tăng so với trước. Nhiều bệnh nhân có diễn biến triệu chứng đột tử.

“Hội chứng QT dài có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải. Trước giờ BV tập trung nhiều vào nguyên nhân bẩm sinh, liên quan đến gen, có tiền căn của gia đình (dễ phát hiện hơn). Tuy nhiên, những ca gần đây lại là hội chứng QT dài mắc phải” - BS Khanh thông tin.

Cũng theo BS Khanh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có liên quan đến sử dụng thuốc, rối loạn điện giải, khiến bệnh nhân rơi vào những cơn loạn nhịp nguy hiểm, có thể đột tử. Những loại thuốc thường gây ra hội chứng QT dài mắc phải là những loại thuốc điều trị rối loạn nhịp, bao tử, kháng sinh, kháng histamin, thuốc hướng thần…

“Hội chứng QT dài mắc phải có thể phát hiện sớm, phòng ngừa bằng cách đo điện tim đồ thường xuyên. Khi sử dụng thuốc nên theo hướng dẫn của BS, nếu bị choáng, ngất thì nên ngưng, sau đó đến chuyên khoa nhịp tim để tầm soát, đánh giá nguy cơ” - BS Khanh khuyến cáo.

Theo ThS-BS Trương Quốc Cường, Phó khoa Nhịp tim BV Thống Nhất, hội chứng QT dài là một trong những nguyên nhân cao gây đột tử, thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn ở nam giới.

Biểu hiện lâm sàng của hội chứng này rất đa dạng, từ không có triệu chứng cho đến có nguy cơ đột tử. Triệu chứng thường gặp là hồi hộp, đánh trống ngực, ngất, mất ý thức, nặng hơn sẽ gây tử vong. Đôi khi bệnh nhân có biểu hiện co giật khiến việc chẩn đoán có thể nhầm lẫn với các bệnh lý về thần kinh.

“Khi phát hiện bệnh nhân có các triệu chứng trên, nếu người xung quanh có khả năng sơ cứu cơ bản như hồi tim, xoa bóp tim, hồi sức và chuyển ngay đến BV sẽ góp phần tăng khả năng cứu sống bệnh nhân” - BS Cường chia sẻ.

Các bệnh nhân điều trị bệnh mạn tính cần để ý theo dõi, điều chỉnh thuốc có nguy cơ gây rối loạn nhịp. Những người này cần theo dõi điện tim, triệu chứng bất thường để kịp thời phát hiện sớm rối loạn nhịp, tránh gây biến chứng dẫn đến đột tử.

Những trường hợp đã nghi ngờ, phát hiện hội chứng QT dài nên liên hệ với các trung tâm lớn có chuyên khoa rối loạn nhịp để điều trị một cách phù hợp, toàn vẹn.

Nếu trong gia đình có người mắc hội chứng QT dài, các thành viên nên tầm soát, phát hiện sớm bệnh lý để có giải pháp điều trị, tránh nguy hiểm đến tính mạng.

ThS-BS TRƯƠNG QUỐC CƯỜNG, Phó khoa Nhịp tim BV Thống Nhất (TP.HCM)

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/canh-bao-nguy-co-dot-tu-tu-hoi-chung-qt-lien-quan-su-dung-thuoc-post779159.html
Zalo