Cảnh báo lừa đảo liên quan đến đất đai

Đất đai là tài sản có giá trị lớn, lợi dụng điều này, một số đối tượng đã dùng nhiều thủ đoạn để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân cần thận trọng trước khi quyết định ký hợp đồng liên quan đến đất đai để tránh bị lừa đảo.

Nhiều thủ đoạn

Tuy không có chức năng, thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa đất nhưng Giang Văn Việt, nguyên Giám đốc Công ty Đo đạc Giang Gia và Nguyễn Mạnh Hùng, công chức Địa chính - Xây dựng xã Quý Sơn (Lục Ngạn) vẫn nhận mình làm được công việc trên, từ đó chiếm đoạt của 11 người dân gần 1,9 tỷ đồng.

Thủ đoạn của hai đối tượng là nhận bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của những người có nhu cầu rồi dùng máy tính để soạn thảo và in thông tin sai lệch (về diện tích chuyển mục đích sử dụng sang đất ở) lên phần chỉnh lý theo yêu cầu của chủ sử dụng đất. Sau đó giả chữ ký của Giám đốc và Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Lục Ngạn ký vào phần xác nhận của cơ quan có thẩm quyền, lấy dấu của đơn vị này đóng vào phần đã ký giả.

 Đối tượng làm giả phiếu thu để chiếm đoạt tiền của anh N.T.Đ ở thôn Phúc Hạ, xã Song Mai (TP Bắc Giang).

Đối tượng làm giả phiếu thu để chiếm đoạt tiền của anh N.T.Đ ở thôn Phúc Hạ, xã Song Mai (TP Bắc Giang).

Hay như ngày 24/1/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Dương Văn Sự (SN 1970), trú tại thôn My Xuyên, xã Mỹ Hương, huyện Lương Tài (Bắc Ninh) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sự giới thiệu có mở văn phòng kinh doanh bất động sản tại thị trấn Chũ (Lục Ngạn), rồi lừa đảo chiếm đoạt đất và tiền của 2 người bạn với số tiền nhiều tỷ đồng.

Ở một vụ việc khác, đối tượng Nguyễn Thị Huế (SN 1983), giáo viên một trường mầm non trên địa bàn huyện Lạng Giang đã huy động vốn của người dân để mua đất. Bằng thủ đoạn bán đi bán lại một lô đất cho nhiều người chỉ dựa trên những bản hợp đồng viết tay không có giá trị pháp lý, Huế đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 24 bị hại.

Một thủ đoạn lừa đảo mới vừa xuất hiện trên địa bàn vừa được Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Bắc Giang cảnh báo. Cụ thể, lợi dụng tình hình mua bán đất, nhà ở và nhu cầu làm giấy tờ, hợp thức đất ruộng vườn làm sổ đỏ, nhà ở của người dân tại nhiều địa phương, các đối tượng đã giả danh là cán bộ cơ quan nhà nước hoặc có mối quan hệ với lãnh đạo các cơ quan có thẩm quyền để làm dịch vụ chuyển đổi mục đích sử dụng đất, một số người dân tin tưởng đã chuyển tiền và bị chiếm đoạt. Trường hợp anh N.T.Đ trú tại thôn Phúc Hạ, xã Song Mai (TP Bắc Giang) là điển hình.

Ngày 15/5/2024, anh Đ mang các giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất và căn cước công dân của mình đến nhờ đối tượng tự nói làm được qua dịch vụ “Văn phòng đăng ký đất đai TP Bắc Giang, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả” để làm thủ tục khai báo. Sau khi nhận tiền, đối tượng đặt làm giả các giấy tờ “Phiếu tiếp nhận và trả kết quả đăng ký cấp giấy Chứng nhận”, “Giấy cam kết-thỏa thuận”, “Phiếu thu” và làm giả dấu mực đỏ hình chữ nhật có chữ “Văn phòng đăng ký đất đai TP Bắc Giang, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, địa chỉ 85 Lê Duẩn, Tân Tiến, TP Bắc Giang”.

Trên các giấy tờ này có dấu đóng tên “Nhân viên dịch vụ”. Khi thực hiện hành vi, các đối tượng này tự định giá đất, yêu cầu người dân nộp tiền trước theo tỷ lệ % số tiền thuế đã định giá để làm dịch vụ và có cam kết không làm được sổ đỏ sẽ hoàn trả lại tiền. Đánh vào lòng tin này, anh N.T.Đ đã giao 288 triệu đồng “khoán gọn” cho đối tượng làm giúp. Sau khi cơ quan chức năng cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo này, anh mới biết mình bị lừa và làm đơn trình báo lên cơ quan chức năng.

Tìm hiểu kỹ thông tin, nguồn gốc nhà đất

Theo thống kê, năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, TAND tỉnh xét xử 36 vụ án với 47 bị cáo phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có 18 vụ lừa đảo liên quan đến đất đai. Đối tượng đánh vào tâm lý “không mua là mất” của nhiều khách hàng để họ sẵn sàng mua thửa đất không đủ cơ sở pháp lý. Ngoài thủ đoạn mua bán bằng sổ giả hoặc giấy tờ giả còn có hàng loạt các hành vi lừa đảo phổ biến khác như: Lập dự án “ma” nhằm lôi kéo người dân “xuống tiền”.

 Vợ chồng bị cáo Phạm Xuân Thảo và Trần Thị Tuyết bị TAND tỉnh xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vợ chồng bị cáo Phạm Xuân Thảo và Trần Thị Tuyết bị TAND tỉnh xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đơn cử như Phạm Xuân Thảo (SN 1967), nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Tổng hợp Kim Sơn (gọi tắt là Công ty Kim Sơn) và vợ là Trần Thị Tuyết (SN 1973) cùng trú tại đường Châu Xuyên, tổ dân phố Đồng Cửa, phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) bị TAND tỉnh tuyên phạt tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Được biết, Công ty Kim Sơn đăng ký và được cấp phép kinh doanh 58 ngành nghề nhưng không có ngành nghề kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên hai vợ chồng đã đưa thông tin và giới thiệu đến người khác rằng mình có mối quan hệ với chủ đầu tư của Dự án Khu dân cư mới xã Tam Dị (Lục Nam) nên lấy được các lô đất tại dự án này.

Để người có nhu cầu mua đất tin tưởng đưa tiền, Thảo lấy danh nghĩa đại diện Công ty Kim Sơn ký các hợp đồng nhận tiền đặt cọc, hứa hẹn sẽ đưa người có nhu cầu mua đất vào ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư. Bằng thủ đoạn này, từ tháng 3 đến tháng 4/2021, Thảo và Tuyết đã chiếm đoạt của 5 người với tổng số tiền hơn 14,8 tỷ đồng. Đáng chú ý một số đối tượng lừa đảo nguyên là cán bộ cơ quan nhà nước nên nhiều người đã tin tưởng góp vốn. Vũ Thị Hạnh (SN 1995), nguyên hiệu trưởng một trường mầm non trú tại tổ dân phố Thanh Lương, phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) nhiều lần lừa đảo và phải trả giá bằng bản án hơn 13 năm tù. Thủ đoạn của Hạnh là nhận tiền đặt cọc để bán một thửa đất cho hai người; nhận tiền đặt cọc mua đất hoặc đặt chỗ mua đất dự án.

Theo các chuyên gia về bất động sản, việc không ít người dân bị lừa đảo đất đai là do nhận thức còn hạn chế. Trong mọi trường hợp, tính pháp lý của thửa đất là rất quan trọng, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cần phải lập thành văn bản có công chứng nhưng rất nhiều trường hợp chỉ ký hợp đồng viết tay. Bên cạnh đó, nhiều người ham rẻ, chưa chủ động tìm hiểu về giá trị thực tế của thửa đất so với giá trị do đối tượng đưa ra. Cơ quan công an cảnh báo người dân phải luôn cảnh giác, khi mua, bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất... cần tìm hiểu kỹ thông tin, liên hệ với cơ quan chức năng khi cần thiết để tránh những rủi ro, bị lừa đảo.

Thu Phong

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/canh-bao-lua-dao-lien-quan-den-dat-dai-085659.bbg
Zalo