Các chuyên gia Na Uy đã đưa ra cảnh báo hạt nhân khi nhận thấy dấu vết đặc trưng của hoạt động liên quan đến việc khởi động hoặc bảo trì lò phản ứng, cũng như sự xuất hiện của vũ khí nguyên tử.
Mặc dù mức độ phóng xạ được ghi nhận chưa gây ra mối đe dọa ngay lập tức đối với sức khỏe con người hoặc môi trường, nhưng các nhà phân tích lưu ý rằng chỉ số này đang "cao hơn mức bình thường".
Cơ quan khoa học Na Uy bắt đầu nghiên cứu kỹ lưỡng nguồn gốc của sự gia tăng bức xạ. Theo dữ liệu sơ bộ, dấu vết của chất phóng xạ Caesium-137 đã được phát hiện dọc biên giới với Nga.
Một trong những vấn đề chính khiến cả các nhà khoa học Na Uy và quốc tế lo lắng đó là khả năng có mối liên hệ với địa điểm thử nghiệm vũ khí của Nga trên quần đảo Novaya Zemlya.
Theo tờ Daily Mail, cơ sở này được sử dụng để thử nghiệm tên lửa hành trình hoạt động bằng bằng năng lượng hạt nhân với mã định danh 9M730 Burevestnik. Địa điểm nằm ở khu vực Pankovo đã thu hút sự chú ý do hoạt động gia tăng mạnh trong những tuần gần đây.
Người phát ngôn Cơ quan An toàn Bức xạ và Hạt nhân Na Uy (DSA) - ông Bredo Möller xác nhận rằng bức xạ gần biên giới đã tăng lên trong thời gian qua, nhưng nhấn mạnh rằng chỉ số hiện tại vẫn “rất thấp” và không gây ra mối đe dọa cho người dân.
Bên cạnh đó, trang Barents Observer cũng lưu ý về việc có hoạt động gia tăng trên quần đảo Novaya Zemlya. Hình ảnh vệ tinh cho thấy sự di chuyển của các tàu chuyên dùng trong vùng biển gần địa điểm thử nghiệm cùng với máy bay vận tải Il-76.
Những phương tiện nói trên được cho là đang thực hiện các hoạt động liên quan đến thử nghiệm tên lửa hành trình Burevestnik. Mặc dù vậy, hiện tại chưa có tuyên bố chính thức nào từ phía Nga.
Phương Tây rất lo ngại lượng phóng xạ là sản phẩm của quá trình vận hành lò phản ứng cỡ nhỏ trên tên lửa hành trình động cơ hạt nhân Burevestnik sẽ được thải qua động cơ ra ngoài môi trường và gây ô nhiễm cả một vùng rộng lớn mà nó bay qua,
Cho đến thời điểm hiện tại, phía Nga nhiều lần khẳng định rằng các cuộc thử nghiệm đối với tên lửa Burevesnik đều thành công, nhưng không có dữ liệu khách quan nào chứng minh.
Trên thực tế, do thiếu dữ liệu đầy đủ nên không thể đưa ra một cái nhìn thực sự chính xác, chẳng hạn như về những đặc điểm mà tên lửa hành trình động cơ hạt nhân 9M730 Burevestnik của Nga sở hữu.
Moskva khẳng định tên lửa này có tầm bay dường như "không giới hạn", trong khi quá trình phóng diễn ra bằng động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn và lò phản ứng hạt nhân phải được bật ngay lập tức khi đang bay.
Ngược lại, các nhà phân tích phương Tây cho rằng loại tên lửa trên dường như chỉ có tầm bay tối đa 3.000 km, nhưng tuyên bố này dựa trên cơ sở gì cũng không hoàn toàn rõ ràng.
Theo đánh giá từ tình báo quân sự NATO, tiến độ phát triển tên lửa hành trình Burevestnik của Nga chưa có nhiều tiến triển trong thời gian qua, và Moskva còn phải tiến hành nhiều vụ thử nghiệm nữa để hoàn thành vũ khí này.
Một trường hợp cần lưu ý đó là một vũ khí chiến lược khác của Nga - tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat vừa phóng thử thất bại lần thứ 5, trong khi mới chỉ có duy nhất 1 vụ thành công, gây lo ngại tình trạng tương tự sẽ xảy ra với 9M730 Burevestnik.
Việt Dũng