Cảnh báo: giả mạo website để lừa đảo
Trong tuần qua, Cục An toàn thông tin lưu ý người dân cảnh giác trước các hình thức lừa đảo game online, lừa đảo việc làm và lừa đảo mạo danh.
Theo các chuyên gia, lợi dụng sự hỗ trợ của công nghệ AI, các tội phạm mạng tìm các hình ảnh, nội dung... sao chép từ chính thương hiệu cần giả mạo, sau đó chèn thêm các mã độc để khai thác thông tin, chiếm đoạt tài khoản, thiết bị của người dùng.
Theo thống kê từ Cục An toàn thông tin, trong 6 tháng gần đây phát hiện gần 500 địa chỉ website giả mạo thương hiệu với mục đích lừa đảo; mỗi tuần có từ 400-500 phản ánh của người dùng về các trường hợp lừa đaoe trong đó nhiều trường hợp giả mạo website của ngân hàng, trang thương mại điện tử.
Giám đốc Kỹ thuật Công ty cổ phần Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam (NCS)- Vũ Ngọc Sơn cho biết: hiện nay, việc tạo ra 1 trang web hay một ứng dụng mạo danh có thể chỉ tính bằng đơn vị phút. Chính vì thế các ứng dụng mạo danh cũng như website giả mạo xuất hiện ngày càng nhiều trên không gian mạng.
Trong tuần từ ngày 16/9 đến 22/9 ghi nhận các hình thức lừa đảo trực tuyến nổi bật:
- Lập website giả, mạo danh người nổi tiếng lừa người chơi game: các đối tượng tạo lập website giả mạo, lấy hình ảnh những người nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực game để gây chú ý. Sau đó, các đối tượng quảng cáo về vật phẩm giới hạn có giá trị cao nhưng chỉ bán trong thời gian ngắn.
Để sở hữu vật phẩm, người chơi cần bỏ một số tiền cũng như cung cấp thông tin cá nhân.
Có trường hợp, các đối tượng sử dụng vỏ bọc của trò chơi để dụ nạn nhân tải phần mềm, ứng dụng giả mạo với mục đích gia tăng trải nghiệm như cải thiện hiệu năng, giảm độ trễ. Sau khi tải về, toàn bộ thông tin và dữ liệu trong thiết bị người dùng sẽ bị đánh cắp.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, không truy cập trang web với đường dẫn lạ; không cung cấp thông tin khi chưa xác thực tính chính thống của website.
- Mạo danh cảnh sát giao thông thông báo phạt nguội: các đối tượng mạo danh là cảnh sát giao thông gọi điện thông báo cho người dân về hành vi vi phạm giao thông; đồng thời cho biết quá thời hạn xử lý và đề nghị người vi phạm cung cấp số biên bản.
Nếu người vi phạm chưa nhận được biên bản thì các đối tượng yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân để lực lượng chức năng cung cấp số biên bản, hành vi vi phạm, hình thức xử lý, số tiền nộp phạt và yêu cầu chuyển số tiền đó vào một tài khoản do chúng gửi tới.
Cục An toàn thông tin cho biết, các trường hợp bị phạt nguội, người dân đều được yêu cầu tới trụ sở cơ quan công an (nơi xảy ra vi phạm) để làm việc. Do đó, người dân cần hết sức tỉnh táo, cần kiểm tra, xác minh danh tính đối tượng và tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân của bản thân.
- Lừa đảo làm nhiệm vụ online: đây là hình thức đã được cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn có người dân bị sập bẫy. Theo đó, các đối tượng thường tạo lập tài khoản mạng xã hội giả mạo, tự xưng là nhân viên hỗ trợ, mạo danh các công ty uy tín dẫn dụ nạn nhân tham gia vào các dự án, nhiệm vụ nạp tiền nhận hoa hồng không có thật. Sau khi nạn nhan tin tưởng và chuyển tiền, đối tượng sẽ đưa ra một số lý do khiến tiền chưa rút được và sau đó chặn toàn bộ liên lạc.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước những lời hứa hẹn về thu nhập, việc nhẹ lương cao, cần xác minh thông tin từ các nguồn chính thống, không cung cấp thông tin cá nhân cũng như chuyển khoản cho bất kỳ đối tượng lạ, không rõ danh tính.