Cảnh báo đỏ về nắng nóng khắc nghiệt ở châu Âu

Giới chức trách châu Âu đã cảnh báo về hiện tượng cháy rừng và nguy cơ nhựa đường tan chảy do nắng nóng khi nhiệt độ tiếp tục tăng cao lên tới 40 độ C (104 độ F) ở một số nơi.

Theo hãng AP, từ Italy đến Romania, giới chức trách đã cảnh báo người dân nên chú ý tới sức khỏe, lái xe cẩn thận, uống nhiều nước và tránh ra ngoài vào thời điểm nóng nhất trong ngày.

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Chính quyền Italy đã đưa ra cảnh báo đỏ ở 7 thành phố vào ngày 11/7, chủ yếu ở các khu vực miền trung của đất nước cũng như thủ đô Rome và Trieste ở phía đông bắc.

Trong khi đó, chính quyền thành phố Rome cũng cung cấp ứng dụng kỹ thuật số giúp người dân tìm đến vị trí các đài nước uống công cộng khi nhiệt độ lên tới 38 độ C (100 độ F) hôm 11/7.

Dennis Mix, một du khách đến từ Mỹ, cho biết anh đã bỏ qua chuyến tham quan theo kế hoạch ở Rome, thay vào đó quyết định ở lại trên xe để tránh nắng nóng.

Chính quyền Italy cũng cảnh báo tình trạng nắng nóng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn do độ ẩm và có thể ảnh hưởng đến những người khỏe mạnh cũng như những người có tiền sử bệnh lý nền.

Cảnh báo tương tự cũng đưa ra ở nước láng giềng Croatia và xa hơn về phía đông và phía nam châu Âu. Khu du lịch nổi tiếng của Croatia thuộc thị trấn Dubrovnik ở phía nam Biển Adriatic ghi nhận nhiệt độ 28 độ C (82,4 độ F) vào lúc bình minh và dự báo sẽ không có dấu hiệu giảm nhiệt khi mặt trời lặn.

Các vụ cháy rừng cũng được báo cáo trong tuần này ở Albania, gần biên giới với Hy Lạp, cũng như ở Bosnia và Italy. Một số đám cháy bùng phát hôm 11/7 tại khu vực Corinth phía nam Hy Lạp và trên đảo Lesbos phía đông Biển Aegean.

Cảnh báo cũng đưa ra trong khu vực xung quanh thủ đô Athens và các khu vực khác ở miền trung Hy Lạp vào ngày 11/7, trong đó ghi nhận hiện tượng tương tự đã xảy ra ở vùng đông bắc của đất nước vào ngày 12/7.

Chính phủ Hy Lạp cho biết nước này phải đối mặt với nguy cơ cháy rừng nghiêm trọng nhất trong hai thập kỷ vào mùa hè này sau một mùa đông và mùa xuân ôn hòa không có mưa khiến thảm thực vật khô héo.

Các nhà khí tượng học cũng cho biết nhiệt độ thậm chí còn cao hơn dự báo ở các thành phố lớn, nơi bê tông nóng hổi tỏa nhiệt trên mặt đất và nhựa đường mềm ra dưới chân người đi bộ.

"Nhiệt độ hôm qua thật không thể thở được. Thành phố vắng vẻ vì nhiều cư dân ở trong nhà hoặc tìm đến bờ biển Adriatic hay những ngọn núi", Antonela Spičanović đến từ thủ đô Podgorica của Montenegro, nơi nhiệt độ lên tới 39 độ C (102 F) vào ngày 10/7 nói.

Giới chức trách Hy Lạp đã nhiều lần cảnh báo du khách đừng coi thường nắng nóng gay gắt, đặc biệt là vào giữa trưa. Đi bộ đường dài ở nhiệt độ cao là nguyên nhân phổ biến liên quan đến tình trạng tử vong gần đây ở quốc gia này.

"Bên ngoài là địa ngục"

Nắng nóng khắc nghiệt là một trong những hậu quả của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến các điểm nóng du lịch trên khắp châu Âu. Theo Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC), điều kiện ấm hơn do biến đổi khí hậu đã gia tăng các ca bệnh liên quan đến thời tiết.

Đorđe Stanišić, một kỹ sư điện đến từ thủ đô Podgorica (Montenegro) khẳng định anh dành cả ngày trong căn hộ và sử dụng điều hòa nhiệt độ.

"Bên ngoài giống như là địa ngục", Đorđe Stanišić nói.

Trong khi đó, Mendim Rugova, một nhà khí tượng học đến từ Kosovo ở miền trung Bán đảo Balkan nói rằng nhiệt độ ở nước này đã tăng trung bình 2,5 độ kể từ những năm 1980. Đợt nắng nóng hiện tại có thể kéo dài đến cuối tháng 7.

"Nhiệt độ vẫn duy trì trên 40 độ C ở một số vùng của Albania, Bắc Macedonia, Hy Lạp và cả một số vùng của Serbia", ông Mendim Rugova dự đoán.

Tại thủ đô Praha của Cộng hòa Séc, nhiệt độ đã lên tới 34 độ C vào ngày 10/7 trước khi giảm nhẹ vào ngày 11/7. Vườn thú thành phố phải chuyển thêm 10 tấn đá để hỗ trợ làm mát cho các loài động vật. Lớp đá lạnh được đặt xung quanh sở thú hôm 10/7, mang đến không khí mát mẻ để động vật để tìm nơi ẩn náu ở nhiệt độ cao bất thường.

Tại thủ đô Bucharest của Romania, nhiệt kế đường phố ghi nhận nhiệt độ 42 độ C (107 độ F) vào hôm 10-11/7.

Serbia cũng báo cáo nhiệt độ cao kỷ lục vào mùa hè này, lên tới 35 độ C (95 F) vào sáng 11/7 ở phía bắc đất nước. Tại thủ đô Belgrade, các bác sĩ đã tham gia điều trị liên tục cho những bệnh nhân say nắng, cảm thấy chóng mặt hoặc đau đầu do nắng nóng.

Chính phủ Serbia lưu ý nhu cầu sử dụng điều hòa không khí cao đã dẫn đến mức tiêu thụ điện năng khổng lồ - tương tự mức thường thấy khi sử dụng điện để sưởi ấm vào mùa đông.

Đáng chú ý, vào đợt nắng nóng tháng trước, các quốc gia trong khu vực bán đảo Balkan gồm Montenegro, Bosnia, Croatia và Albania đã trải qua tình trạng mất điện dài ngày khi đường dây cung cấp điện cho khu vực bị sập. Đầu tháng 7, một cơn bão mạnh đã quét qua khu vực sau nhiều ngày nắng nóng, đã khiến hai người thiệt mạng và làm hư hại nhiều ngôi nhà.

Các chuyên gia cho biết biến đổi khí hậu đã gây ra hiện tượng thời tiết thất thường, những cơn bão và đợt nắng nóng ngày càng trở nên khó lường./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/canh-bao-do-ve-nang-nong-khac-nghiet-o-chau-au-202407121600198.htm
Zalo