Cảnh báo chất lượng không khí ở Hà Nội ở mức xấu

Trên địa bàn Hà Nội và nhiều tỉnh lân cận trong nhiều ngày qua có chất lượng không khí ở mức xấu, thậm chí nhiều điểm đo vào sáng ở mức kém, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Sáng hôm nay (ngày 11/11), theo Cổng thông tin quan trắc chất lượng không khí của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ TN-MT, các điểm quan trắc tại đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) và đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai) lúc 9h sáng chất lượng không khí đều rất kém - ở ngưỡng cảnh báo tím.

Điểm quan trắc tại đường Nguyễn Văn Linh (TP Hưng Yên, Hưng Yên) và đường Trần Thái Tông (TP Thái Bình, Thái Bình) chất lượng không khí cũng ở ngưỡng rất kém.

Chất lượng không khí tại Hà Nội nhiều ngày qua rất xấu

Chất lượng không khí tại Hà Nội nhiều ngày qua rất xấu

Một số nơi khác tại Hà Nội, Thanh Hóa, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nam, Thái Nguyên cũng có chất lượng không khí xấu (cảnh báo đỏ).

Đến 13h hôm nay, nhiều điểm quan trắc vẫn cảnh báo chất lượng không khí ở mức xấu như điểm đo 556 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên; điểm đo ở Đại học Bách khoa Hà Nội…

Đáng chú ý, nhiều ngày qua, người dân trên địa bàn Thủ đô Hà Nội luôn cảm nhận được bầu không khí ô nhiễm, khó chịu vào lúc sáng và chiều muộn.

Đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết, phát thải ô nhiễm không khí ở Hà Nội đến từ hoạt động giao thông vận tải bao gồm cả bụi đường, khí thải từ số lượng lớn các xe cơ giới sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Cùng với đó, các hoạt động xây dựng nhà ở, công trình giao thông, công ích chưa nghiêm túc thực hiện các giải pháp kỹ thuật, quản lý như che chắn, rửa xe, vệ sinh... làm phát sinh bụi.

Tại các khu vực quanh Hà Nội người dân vẫn đốt rơm rạ tại cánh đồng khá phổ biến. Và các yếu tố khác như điều kiện khí hậu, thời tiết cũng là nguyên nhân khách quan tác động không nhỏ đến chất lượng không khí, nhất là tại các tỉnh thành ở phía Bắc.

Thí điểm hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm tại quận Hoàn Kiếm

Dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp (LEZ) trên địa bàn Hà Nội dự kiến sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp HĐND Thành phố vào tháng 12/2024 và có hiệu lực từ 1/1/2025.

Dự thảo Nghị quyết đã đưa ra lộ trình cụ thể để thực hiện LEZ. Hà Nội sẽ lựa chọn một khu vực ở quận Hoàn Kiếm để thí điểm, sau đó đánh giá hiệu quả và nhân rộng ở các quận huyện.

Theo dự kiến, quận Hoàn Kiếm áp dụng LEZ ở khu vực Hồ Gươm, vùng phụ cận và phố cổ với tổng diện tích hơn 145 ha.

Vùng LEZ áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế giao thông và kinh tế để giảm ô nhiễm, trong đó cấm lưu thông xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel, ưu tiên ôtô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và xe máy đáp ứng tiêu chuẩn mức 2.

Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng tại LEZ đạt 45 - 50%, xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.

Những cá nhân, tổ chức sinh sống và làm việc tại vùng LEZ sẽ được ưu tiên lộ trình 12 tháng để chuyển đổi phương tiện đạt tiêu chuẩn khí thải cho phép lưu thông.

Giai đoạn tiếp theo từ năm 2031 - 2035, Thành phố khuyến khích các quận huyện xác lập vùng LEZ và từ năm 2036 trở đi bắt buộc các vùng ô nhiễm không khí phải đầu tư nguồn lực, đảm bảo điều kiện để thực hiện vùng LEZ.

Quận Hoàn Kiếm có diện tích nhỏ nhất trên địa bàn TP Hà Nội nhưng lại có bề dày về truyền thống văn hóa, di tích lịch sử, là địa phương với lợi thế lớn để phát triển kinh tế, nhất là thương mại, dịch vụ và du lịch.

Tuy nhiên, bên cạnh những điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, quận Hoàn Kiếm cũng đang phải đối mặt với những thách thức trong vấn đề môi trường, quá tải hạ tầng.

Báo cáo của Trung tâm Công nghệ tích hợp liên ngành giám sát hiện trường (FIMO) - thuộc Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) cho thấy, khu vực có nồng độ bụi PM2.5 cao nhất tập trung ở đồng bằng sông Hồng, chỉ số này dao động trong khoảng 37,1 - 38,4 g/m3, cao nhất là tại quận Hoàn Kiếm.

Bụi mịn PM2.5 hình thành từ các công trình xây dựng, khí thải giao thông dễ dàng xâm nhập vào cơ thể con người thông qua đường hô hấp gây nên một số bệnh nguy hiểm như đột quỵ, tim mạch, ung thư.

Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, hiện nay trên địa bàn có hơn 8 triệu phương tiện giao thông, trong đó có hơn 1,1 triệu ôtô và hơn 6,9 triệu xe máy với gần 73% phương tiện đã sử dụng trên 10 năm.

Bích Ngọc

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/canh-bao-chat-luong-khong-khi-o-ha-noi-o-muc-xau-94759.html
Zalo