Cảnh báo bệnh sởi ở trẻ trong mùa đông xuân

Hai tuần đầu tiên của năm 2025, số ca mắc sởi trên địa bàn Hà Nội tăng nhanh, trong đó nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch do biến chứng của bệnh.

Trước bối cảnh Tết Nguyên đán cận kề với nhiều hoạt động thăm hỏi, vui chơi, tụ họp đông người… cùng thời tiết giao mùa đông xuân tạo thuận lợi cho bệnh sởi lây lan và bùng phát, các chuyên gia y tế khuyến cáo, tiêm phòng là biện pháp chủ động, hiệu quả, an toàn để phòng, chống dịch bệnh sởi ở trẻ.

Chăm sóc bệnh nhi mắc sởi tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.

Chăm sóc bệnh nhi mắc sởi tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.

Nhiều trẻ biến chứng nặng

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, bước vào đầu năm 2025, trên địa bàn thành phố ghi nhận 100-120 ca bệnh sởi/tuần; trong khi cùng kỳ năm 2023 và năm 2024 không có ca bệnh. Ghi nhận tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, số ca mắc sởi đang có xu hướng gia tăng, trong đó chủ yếu là ở trẻ chưa tiêm vắc xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ.

Bế con nhỏ 19 tháng tuổi trên tay, chị Nguyễn Thị Hà (ở quận Hoàng Mai) chia sẻ: "Con tôi mắc sởi với biến chứng viêm phổi và phải điều trị nội trú tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn hơn 1 tuần nay. Trước đó, cháu chưa được tiêm phòng bệnh sởi. Bởi cứ đến thời điểm phải tiêm vắc xin thì cháu lại ốm".

Tương tự, bé gái 3 tháng tuổi (ở huyện Thanh Trì) cũng điều trị biến chứng viêm phổi của bệnh sởi. Mẹ bé kể: "Ban đầu, khi thấy con xuất hiện các triệu chứng ho, sốt, nổi ban, tôi nghĩ cháu bị sốt phát ban. Tiếp đến, các ban bắt đầu xuất hiện nhiều hơn ở mặt và mấy ngày sau lan ra toàn thân. Khi đó, gia đình mới đưa cháu vào Bệnh viện Nhi Hà Nội thì bệnh đã trở nặng".

Kể từ tháng 10-2024 đến nay, Bệnh viện Nhi Hà Nội đã tiếp nhận và điều trị cho gần 70 trẻ mắc bệnh sởi, trong đó khoảng 30% trẻ nhập viện trong tình trạng nặng, phải can thiệp thở ô xy hoặc thở máy. Bác sĩ Nguyễn Sỹ Đức, Khoa Truyền nhiễm của bệnh viện cho biết, bệnh sởi có mức độ lây lan rất nhanh. Đặc biệt, lúc giao mùa đông xuân là thời điểm thuận lợi cho dịch này bùng phát. Những bệnh nhi mắc sởi nặng điều trị tại đây đều chưa được tiêm phòng.

Thời gian gần đây, số trẻ mắc sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương cũng gia tăng. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện khám cho hơn 20 bệnh nhi mắc sởi, với khoảng 40% ca nặng phải nhập viện điều trị nội trú. Đáng nói là có nhiều trẻ bị biến chứng nặng, trong đó, biến chứng phổ biến là viêm phổi, viêm phế quản, bị bội nhiễm, viêm não…

Tránh những sai lầm đáng tiếc

Để giúp các bậc phụ huynh nhận biết bệnh sởi ở trẻ, Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, Khoa Nhi (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) chia sẻ, bệnh sởi thường diễn tiến qua ba giai đoạn rõ rệt. Trong giai đoạn khởi phát, trẻ có các triệu chứng tương tự cảm cúm như: Sốt, ho, ngạt mũi, mắt đỏ và tiêu chảy. Đây là giai đoạn dễ lây lan nhưng khó nhận biết do chưa xuất hiện ban sởi. Tiếp theo, giai đoạn phát ban với biểu hiện đặc trưng là các nốt ban đỏ xuất hiện từ sau chân tóc, lan xuống mặt, cổ, thân mình và các chi. Ở giai đoạn này, trẻ thường sốt cao và rất mệt mỏi. Cuối cùng là giai đoạn ban "bay", khi các ban mờ dần, để lại các vết loang lổ trên da trước khi trẻ hồi phục hoàn toàn…

Thế nhưng, khi chăm sóc trẻ nhỏ mắc sởi, nhiều phụ huynh đã có những cách làm sai lầm khiến biến chứng bệnh nặng thêm. Các chuyên gia y tế dẫn chứng, việc giữ con ở nhà điều trị quá lâu mà không theo dõi sát diễn biến tình trạng trẻ; việc kiêng gió, kiêng nước, không tắm cho trẻ nhiễm bệnh cũng làm trẻ bị bội nhiễm trên da, viêm kết mạc… Hay như một số phụ huynh nhầm lẫn giữa sởi và sốt phát ban dẫn đến điều trị sai cách, khiến tình trạng bệnh của trẻ càng trầm trọng.

Theo các bác sĩ, với trường hợp bị sốt phát ban thông thường, triệu chứng hay gặp là nổi đồng loạt nốt đỏ, hồng khắp cơ thể, ẩn dưới bề mặt da. Khi nốt ban "bay" hết, da bệnh nhân sẽ trở về bình thường, không để lại vết thâm hoặc sẹo. Còn với trường hợp bị bệnh sởi, nốt ban xuất hiện ở từng bộ phận, sau đó vài ngày mới lan xuống toàn thân. Đặc điểm ban sởi là ban gồ lên mặt da, khi "bay" sẽ để lại những vết thâm. Trẻ bị sởi còn có thêm dấu hiệu đặc trưng đi kèm là chảy nước mũi, ho và mắt đỏ.

Để phòng tránh bệnh sởi trong mùa đông xuân, bác sĩ Nguyễn Sỹ Đức khuyến cáo, các gia đình có con đến tuổi tiêm phòng vắc xin sởi cần đưa trẻ đi tiêm phòng. Đặc biệt, trẻ cần phải tiêm nhắc lại đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của cán bộ y tế tại các cơ sở tiêm chủng. Ngoài ra, người dân cần áp dụng các biện pháp dự phòng chung như đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người hoặc bệnh viện, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ.

Cùng với đó, phụ huynh cần cho trẻ ăn uống đủ chất, bảo đảm dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để tăng sức đề kháng. Khi thấy trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cha mẹ không nên tự ý điều trị tại nhà mà phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Gia đình cũng cần thực hiện biện pháp cách ly trẻ mắc sởi, thực hiện vệ sinh môi trường sống, rửa tay thường xuyên, giúp giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Thu Trang

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/canh-bao-benh-soi-o-tre-trong-mua-dong-xuan-690493.html
Zalo