Cảnh báo bẫy lừa đảo xuất khẩu lao động
Ngày 19-2, Công an thành phố Hà Nội thông tin về vụ án 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản' liên quan đến đối tượng Phạm Thị Huyền Chang (sinh năm 1993; ở huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) là Phó Giám đốc Công ty IEC ở quận Hà Đông.
Hiện tại, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) đang điều tra vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" liên quan đến đối tượng Phạm Thị Huyền Chang (sinh năm 1993; ở huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) là Phó Giám đốc Công ty TNHH Hợp tác và làm việc quốc tế IEC (Công ty IEC) ở quận Hà Đông; nguyên là Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Hợp tác lao động quốc tế Vĩnh Thịnh (Công ty Vĩnh Thịnh), địa chỉ văn phòng tại đường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông.

Đối tượng Huyền Chang. Ảnh: Chu Dũng
Mặc dù không có chức năng đưa người đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài, không có đơn hàng và chương trình xuất khẩu lao động nhưng từ năm 2019 đến tháng 12-2024, Phạm Thị Huyền Chang vẫn thông báo cho các lao động đến Công ty Vĩnh Thịnh và Công ty IEC nhận hồ sơ và thu tiền của người lao động với hứa hẹn đưa đi làm việc tại nước ngoài.
Sau khi nhận tiền, Phạm Thị Huyền Chang đã không nộp hồ sơ, không làm thủ tục như đã hứa hẹn mà sử dụng vào chi phí hoạt động của Công ty Vĩnh Thịnh, Công ty IEC như trả lương nhân viên, thanh toán tiền thuê văn phòng công ty, phần còn lại Chang sử dụng vào việc chi tiêu cá nhân.
Ngày 20-12-2024, Công an quận Hà Đông đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Phạm Thị Huyền Chang để điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Qua vụ việc trên, cơ quan chức năng cho biết, thực tế đã có không ít trường hợp bỏ ra hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để đi làm việc tại nước ngoài. Tuy nhiên sau nhiều năm chờ đợi, công việc vẫn bặt vô âm tín, công ty môi giới đóng cửa, còn người nhận tiền không thể liên lạc được và người lao động rơi vào tình cảnh "tiền mất mà việc chẳng thấy đâu".
Các đối tượng lừa đảo thường chú ý đến người lao động ở vùng sâu, vùng xa đang có nhu cầu về tìm kiếm việc làm lao động thời vụ ở nước ngoài với mức lương cao, thủ tục nhanh, chi phí thấp. Khi tiếp cận, các đối tượng đưa ra lời chào mời hấp dẫn và hứa hẹn "nếu không đi được sẽ hoàn lại tiền cọc, khách hàng không mất tiền", đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho người lao động để dẫn dụ khiến họ "sập bẫy".
Ngoài ra, tội phạm còn lợi dụng mối quan hệ quen biết với người địa phương nhằm tạo niềm tin cho người lao động, thông qua đó hướng dẫn những người địa phương trên thành cộng tác viên để nhận hồ sơ, thu tiền thay và chia "hoa hồng" theo thỏa thuận.
Trước thực trạng nêu trên, cơ quan công an khuyến cáo, người dân khi có nhu cầu đăng ký tham gia các chương trình xuất khẩu lao động với hình thức lao động hợp đồng dài hạn hoặc thời vụ, liên hệ trực tiếp với trung tâm dịch vụ việc làm, các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các đơn vị có uy tín.