Cảnh báo 5 hình thức lừa đảo trực tuyến nhiều người Việt thường mắc phải
Google vừa công bố 5 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến mà nhiều người Việt thường xuyên mắc phải, đồng thời đưa ra một số lời khuyên để giúp người dùng sử dụng Internet an toàn hơn.
Google cho biết hãng đã hợp tác với Cục An toàn thông tin Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông) để phát hiện và ngăn chặn nhiều hình thức lừa đảo và ứng dụng độc hại tại Việt Nam.
Tính riêng trong tháng 1, Google đã phát hiện và bảo vệ hơn 360.000 thiết bị tránh khỏi 8.000 ứng dụng độc hại tại Việt Nam.
Cùng với đó, Google cũng đã chỉ ra 5 hình thức lừa đảo trực tuyến mà nhiều người dùng tại Việt Nam thường mắc phải, như một lời cảnh báo.
![Ảnh minh họa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_59_51465306/812cce0ffe41171f4e50.jpg)
Ảnh minh họa
Mạo danh người nổi tiếng kêu gọi đầu tư
Những kẻ lừa đảo sử dụng AI để tạo video và hình ảnh giả mạo, trong đó mạo danh người nổi tiếng để quảng bá cho các chiêu trò lừa đảo.
Các deepfake này kết hợp với các bài báo và bài đăng bịa đặt trên mạng xã hội, thường được sử dụng để giới thiệu các khoản đầu tư bất hợp pháp, đặc biệt trong lĩnh vực tiền điện tử và nền tảng giao dịch.
Sự kết hợp giữa những gương mặt có sức ảnh hưởng, nội dung trông chuyên nghiệp và lời hứa hẹn về lợi nhuận cao khiến các vụ lừa đảo này trở nên đặc biệt thuyết phục.
Google khuyến cáo người dùng cảnh giác với lời khuyên đầu tư từ người nổi tiếng, đặc biệt là trên mạng xã hội. Quan sát kỹ những biểu cảm khuôn mặt không tự nhiên trong các video. Nếu một khoản đầu tư nghe có vẻ quá hấp dẫn, thì rất có thể đó là một chiêu trò lừa đảo.
Lợi dụng sự kiện lớn để lừa đảo
Kẻ lừa đảo lợi dụng các sự kiện lớn, tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra các thủ đoạn lừa đảo mới và nâng cấp độ tinh vi của các thủ đoạn hiện có.
Các đối tượng này nhanh chóng nắm bắt các sự kiện nổi bật để thực hiện chiêu trò lừa đảo như bán vé giả hoặc mạo danh tổ chức từ thiện, những buổi hòa nhạc, sự kiện thể thao, các lễ hội văn hóa cho đến các thảm họa thiên nhiên.
Google khuyến cáo người dùng chỉ nên mua vé và quyên góp thông qua các kênh chính thức. Xác minh các tổ chức từ thiện và kiểm tra URL trước khi nhấp chuột.
Lừa đảo việc làm
Chiêu trò lừa đảo này thường nhắm đến những người đang tìm kiếm công việc từ xa và cơ hội việc làm tại môi trường quốc tế với mức thu nhập hấp dẫn. Những kẻ lừa đảo sẽ đăng tin tuyển dụng giả trên các trang web tuyển dụng uy tín và mạng xã hội, sau đó, tiến hành các buổi phỏng vấn video chuyên nghiệp.
Chúng thường giả mạo công ty quốc tế trong lĩnh vực Giao dịch tiền điện tử hoặc Tiếp thị kỹ thuật số. Các hợp đồng và tài liệu giả mạo cũng được sử dụng nhằm tăng độ tin cậy. Những kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu các khoản phí trả trước, đồng thời lấy cắp thông tin cá nhân của người dùng. Ngoài ra, cách thức lừa đảo này còn lôi kéo nạn nhân tham gia vào các hoạt động rửa tiền hoặc các hành vi phạm pháp khác.
Nạn nhân có thể vô tình bị cuốn vào các giao dịch tài chính hoặc chuyển tiền điện tử, dẫn đến các hậu quả pháp lý nghiêm trọng do dính líu đến hoạt động bất hợp pháp.
Theo Google, người dùng cần thận trọng với các đề xuất "việc nhẹ lương cao" nhất là những lời mời liên quan đến chuyển tiền. Nhà tuyển dụng thường không bao giờ yêu cầu thanh toán chi phí trong quá trình tuyển dụng hoặc dùng tài khoản cá nhân cho công việc kinh doanh. Do đó, người dùng cần xác minh thông tin qua các kênh chính thức trước khi bắt tay làm việc.
Lừa đảo du lịch và thương mại điện tử giả mạo
Đối tượng lừa đảo thường tạo ra các website "giả" trang mua sắm, du lịch và bán lẻ hợp pháp, dụ dỗ nạn nhân bằng mức giá hấp dẫn cho mặt hàng phổ biến, hàng hóa xa xỉ, vé hòa nhạc hoặc ưu đãi du lịch.
Những website này được sao chép một cách tinh vi, từ giao diện đến các dịch vụ khách hàng, khiến gần như không thể phân biệt được với các trang chính thức.
Để tránh bị phát hiện, kẻ lừa đảo sử dụng kỹ thuật như "cloaking" (che đậy) và tạo cảm giác cấp bách bằng cách đưa ra "ưu đãi có thời hạn" nhằm buộc người dùng quyết định nhanh chóng. Hậu quả là nạn nhân thường không nhận được gì, nhận phải hàng giả, hoặc đối mặt với các khoản phí bất hợp pháp và dữ liệu cá nhân bị xâm phạm.
Theo Google, người dùng cần xác minh trang web trước khi mua hàng, đặc biệt trong các đợt giảm giá. Kiểm tra liên kết, các tính năng bảo mật, cảnh giác với mức giá thấp và lời hối thúc mua nhanh chóng.
Giả mạo dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật từ xa
Đối tượng lừa đảo thường mạo danh nhân viên hỗ trợ kỹ thuật của các công ty, ngân hàng và cơ quan nhà nước. Chúng tạo ra những tình huống khẩn cấp, chẳng hạn như thông báo thiết bị, tài khoản hoặc bảo mật của nạn nhân đang gặp vấn đề.
Phương thức tiếp cận của chúng cũng rất linh hoạt: nhắm vào người cao tuổi bằng cách giả danh các công ty công nghệ danh tiếng, hoặc tiếp cận giới trẻ thông qua các nền tảng trò chơi.
Mục đích cuối cùng là dụ dỗ nạn nhân cài đặt phần mềm truy cập từ xa, từ đó chúng có thể kiểm soát thiết bị, truy cập vào dữ liệu cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, thực hiện các giao dịch trái phép.
Google cảnh báo người dùng không cấp quyền truy cập từ xa cho các tài khoản lạ. Các công ty hợp pháp sẽ không chủ động thực hiện cuộc gọi hỗ trợ kỹ thuật nên có vấn đề gì người dùng có thể liên hệ trực tiếp với công ty qua kênh chính thức, đồng thời tăng cường bảo mật với tính năng xác minh hai bước, khóa truy cập hoặc trình quản lý mật khẩu.