'Canh bạc' UpCOM khi nào kết thúc?

Gọi tên sàn giao dịch UpCOM thời điểm này là 'canh bạc' không sai bởi giao dịch của nhà đầu tư chẳng dựa vào bất cứ giá trị nội tại nào của doanh nghiệp, dòng tiền đánh theo niềm tin, không ai biết chắc chắn khi nào cơn sóng thần chấm dứt nhưng người cầm hòn than cuối cùng sẽ là người 'bỏng tay' nhất...

Sức nóng ở các cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn tiếp tục tăng độ trong phiên đầu tuần với 162 cổ phiếu đóng cửa ở giá kịch trần trên cả 3 sàn, riêng UpCoM có 56 mã. Thực tế, không phải đến lúc này cổ phiếu penny mới dậy sóng, mà từ trước đấy, hầu hết cổ phiếu trên sàn HNX cũng đã có độ tăng đáng kể. Đáng nói là ở chỗ, đà tăng của các mã penny thời gian này bất chấp giá trị nội tại của doanh nghiệp. Mua cổ phiếu chẳng khác gì đánh bạc khi kinh doanh càng thua lỗ, giá cổ phiếu càng tăng cao.

Đánh bạc với penny

Ví dụ như trường hợp của HUT - "ông trùm" BOT Tasco. Công ty Cổ phần Tasco (mã HUT) có kết quả kinh doanh bết bát, liên tục thua lỗ, cụ thể quý 3 công ty lỗ 72 tỷ đồng, quý 2 lỗ 49 tỷ đồng, quý 1 lỗ 24 tỷ đồng. HUT đã có 7 quý liên tiếp lỗ lớn, quý 4/2020 công ty lỗ tới 153 tỷ đồng, quý 3/2020 lỗ 80 tỷ đồng, quý 2/2020 lỗ 12 tỷ đồng. Song, cổ phiếu HUT vẫn tăng giá từ 4.200 đồng đầu năm 2021 lên mức 14.200 đồng/cổ phiếu đóng cửa phiên 12/11, tương ứng tăng tăng gấp 3,2 lần.

Sức nóng ở các cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn tiếp tục tăng độ trong phiên đầu tuần với 162 cổ phiếu đóng cửa ở giá kịch trần trên cả 3 sàn.

Sức nóng ở các cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn tiếp tục tăng độ trong phiên đầu tuần với 162 cổ phiếu đóng cửa ở giá kịch trần trên cả 3 sàn.

Một trường hợp khác tương tự là CEO của Tập đoàn C.E.O. Mã CEO "tím" liên tiếp 5 phiên liền, thị giá tăng chóng mặt hơn 50%, tức từ 12.500 đồng lên mức 19.900 đồng/cổ phiếu trong vòng một tuần. Trong khi đó, công ty này đã có 3 quý lỗ liên tiếp, quý 1 lỗ 38 tỷ đồng, quý 2 lỗ 126 tỷ đồng, quý 3 lỗ 58 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu CEO đạt 406 tỷ đồng, giảm 40,5%. Khấu trừ chi phí, CEO lỗ sau thuế 224 tỷ đồng sau 9 tháng, tăng gấp đôi con số lỗ cùng kỳ năm ngoái. Dòng tiền kinh doanh của CEO đã âm gần 144 tỷ đồng.

Thậm chí, nhiều trường hợp gần như chẳng có bất cứ một thông tin gì về doanh nghiệp nhưng cổ phiếu vẫn cứ bốc đầu tăng vô cớ. Đơn cử như L12 của Licogi 12 (UpCOM), chỉ trong vòng 2 tuần giao dịch, thị giá L12 tăng gấp 4 lần từ vùng giá 6.000 đồng/cổ phiếu lên 24.700 đồng/cổ phiếu, thanh khoản cải thiện đáng kể cá biệt có phiên gần 200.000 cổ phiếu được sang tay trong khi trước đó hầu như không có giao dịch. Đến thời điểm này, L12 cũng chưa công bố bất kỳ kết quả kinh doanh nào của năm 2021.

Tương tự, CMT của Công nghệ mạng và Truyền thông (UpCOM) cũng tăng gấp đôi từ vùng giá 20.000 đồng lên 40.000 đồng trong vòng 2 tuần giao dịch, trong khi đó, những thông tin về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng bặt âm vô tín.

Hãy biết kiềm chế lòng tham khi hòn than đang nóng!

Lý giải cơn điên ở cổ phiếu penny, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích CTCK BIDV (BSC) cho rằng có 3 lý do chính. Thứ nhất là cổ phiếu của những doanh nghiệp lớn, những ngành mà đang có lợi nhuận tăng trưởng tốt hơn so với thị trường, thì từ năm 2020 cho đến nay, cổ phiếu đã có mức tăng giá vượt trội hơn so với mức chung của thị trường rồi. Thứ hai đó là nhà đầu tư đang có sự lan tỏa về dòng tiền và tìm kiếm cơ hội mới, những ngành đang chưa có sự phục hồi nhưng họ đang kỳ vọng là sau khi dịch bệnh được kiểm soát thì sẽ phục hồi mạnh hơn vào năm 2022.

Và cuối cùng là những cổ phiếu có quy mô vừa và nhỏ là midcap và penny thì có những giao dịch hàng ngày, thanh khoản không lớn lắm do vậy khi dòng tiền chuyển sang dễ có sự biến động giá mạnh hơn. Tuy nhiên, ông Long cũng lưu ý các nhà đầu tư rằng, cuối cùng thị trường cũng sẽ quay lại phản ánh những yếu tố cơ bản của các doanh nghiệp, phản ánh nền kinh tế, do vậy nên cần thận trọng với những cổ phiếu quy mô vừa và nhỏ.

Đồng quan điểm, ông Lê Anh Minh, CFA, Phó Giám đốc Đầu tư CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng, ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư nên chọn những ngành thực sự được hỗ trợ từ những chính sách để hồi phục kinh tế sau dịch Covid 19 cũng như những ngành đã tăng trưởng tốt trước đó, theo tôi đó chính là một chiến lược rất tốt trong thời điểm hiện tại.

"Sẽ rất nguy hiểm nếu các nhà đầu tư bị mù quáng bởi tốc độ tăng giá của dòng cổ phiếu này và phiêu theo những lời hô hào trên các diễn đàn mà quên đi mất chất lượng tài sản và lợi nhuận của dòng cổ phiếu này có rất nhiều vấn đề. Hãy kiềm chế bớt lòng tham của mình trước khi tất cả đều phải chạy ào thoát thân qua một cánh cửa hẹp", ông Linh, một nhà đầu tư chuyên nghiệp khuyến cáo.

Ở góc nhìn lạc quan hơn, theo ông Phan Linh, Founder của Công Ty Tư vấn và đầu tư Take Profit Việt Nam, quan sát cho thấy sóng penny chạy thường là tín hiệu của cuối sóng nhưng thực sự ở giai đoạn này mọi thứ đã khác. Lượng tiền liên tục đổ vào thị trường khiến cho các cổ phiếu penny nói riêng và thị trường nói chung liên tục lập những đỉnh mới. Nên việc dự đoán sóng này kéo dài được bao lâu là rất khó.

Cũng theo ông Linh, penny là cổ phiếu có vốn hóa nhỏ và thị giá thấp. Tuy nhiên nó cũng được chia làm 2 loại: Cổ phiếu rác và cổ phiếu tái cấu trúc. Nhà đầu tư hoàn toàn có thể kiếm lời từ cổ phiếu penny nếu chọn được doanh nghiệp tái cấu trúc, khi đó hiểu được mô hình kinh doanh và câu chuyện tăng trưởng của nó trong tương lai. Nhưng sẽ rất rủi ro nếu không có kiến thức và lựa chọn nhầm vào những cổ phiếu rác không có nền tảng cơ bản. “Do đó, trước khi tham gia nên tìm hiểu kỹ về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, lựa chọn những điểm mua tối ưu và có một phương án quản trị rủi ro chặt chẽ để tránh rơi vào bẫy của những cổ phiếu rác”, ông Linh nhấn mạnh.

Nhà đầu tư say sưa với bữa tiệc penny, nhiều sếp lớn đã nhanh tay chốt lời

Trong khi nhà đầu tư cá nhân vẫn đang say sưa với bữa tiệc penny thì ngược lại, lãnh đạo, cổ đông lớn của nhiều doanh nghiệp đã kịp thời chốt lời đúng vùng đỉnh, thu về tiền tỷ. Tại Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (UPCoM: SBS), bà Lưu Thị Lợi vừa bán ra tổng cộng hơn 15 triệu cổ phiếu trong 2 ngày 08-09/11. Ước tính bà Lợi đã thu về khoảng 244 tỷ đồng. Cổ phiếu SBS tăng liên tục trong thời gian gần đây, chỉ trong vòng 2 tuần giao dịch, SBS tăng 36%.

Một cổ đông tổ chức của Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (UPCoM: HHV) là CTCP Tập đoàn Hải Thạch mới đây cũng đã đăng ký bán thỏa thuận toàn bộ 12,2 triệu cổ phiếu HHV từ ngày 15-17/11. Cổ phiếu HHV đã tăng liên tiếp kể từ cuối tháng 10. Chốt phiên giao dịch đầu tuần, HHV neo ở mức 24.400 đồng/cổ phiếu, tăng 31%. Tạm tính theo thị giá chốt phiên 15/11, ước tính Tập đoàn Hải Thạch có thể thu về gần 297 tỷ đồng từ thương vụ thoái vốn khỏi HHV.

Tại Tập đoàn Đất Xanh, cổ phiếu DXG cũng đang ở vùng đỉnh lịch sử. Từ đầu tháng 10 đến nay, thị giá DXG đã tăng liên tục, từ vùng giá 18.000 đồng lên 27.850 đồng/cổ phiếu. Trong khoảng thời gian này, lãnh đạo DXG đồng loạt bán ra thu lời trăm tỷ. Đơn cử, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch HĐQT ngày 4/11 vừa qua đã bán ra hơn 6 triệu cổ phiếu DXG thu về 134 tỷ đồng. Một thành viên HĐQT khác là ông Bùi Ngọc Đức cũng đã bán ra hơn 1 triệu cổ phiếu DXG. Giao dịch của ông Đức diễn ra từ 15/10-14/11, ước tính thu về 27 tỷ đồng. Hàng loạt sếp lớn khác của Đất Xanh cũng đăng ký bán ra đúng lúc cổ phiếu ở vùng đỉnh lịch sử.

Trung Việt

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//giao-dich/canh-bac-upcom-khi-nao-ket-thuc-1082290.html
Zalo