Canh bạc Syria và tham vọng Trung Đông của ông Trump

Phía sau các thỏa thuận thương mại, các hợp đồng trị giá hàng tỷ USD và món quà gây tranh cãi, chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn còn nhiều điều ít được nhắc đến.

Dù được Nhà Trắng giới thiệu ngắn gọn là cơ hội để ông Trump thể hiện vai trò “bậc thầy đàm phán”, chuyến đi đang làm xáo trộn bàn cờ địa chính trị khu vực. Ở mỗi điểm dừng chân, ông Trump đều mang theo những yếu tố gây đột phá và cả rủi ro, chẳng hạn như quyết định dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Syria, nhằm trao cơ hội hồi sinh cho quốc gia từng bị tàn phá bởi chiến tranh.

Tuy nhiên, động thái này cũng đặt ra một câu hỏi quen thuộc về chính sách đối ngoại và thương mại của ông Trump: Liệu ông có đủ cam kết và khả năng để biến các cơ hội chính trị thành bước đột phá thực chất?

Tổng thống Syira Ahmed al-Sharaa và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nguồn: Jerusalem Post

Tổng thống Syira Ahmed al-Sharaa và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nguồn: Jerusalem Post

Sự tập trung của Nhà Trắng vào việc tôn vinh hình ảnh Tổng thống khiến những sáng kiến quan trọng nhất thường bị lấn át bởi các yếu tố hình thức. Chẳng hạn, việc Qatar mua máy bay Boeing trị giá hàng chục tỷ USD nhận được nhiều sự chú ý hơn tại Mỹ so với cuộc gặp mang tính lịch sử giữa ông Trump và lãnh đạo Syria Ahmed al-Sharaa tại Riyadh, cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa hai nước trong vòng 25 năm.

Trước khi lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, ông al-Sharaa từng là một thủ lĩnh phiến quân thân al-Qaeda mà Mỹ treo thưởng 10 triệu USD cho việc bắt giữ ông. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã quyết định ngồi lại với nhân vật này và gỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Syria, với hy vọng giúp quốc gia đang đối mặt với nạn đói nghiêm trọng có cơ hội tái thiết và thống nhất.

Tham vọng ngoại giao khu vực của ông Trump

Tác động từ chuyến công du của ông Trump không chỉ dừng lại ở Syria. Ông đã tận dụng chuyến đi này để gia tăng áp lực lên Iran nhằm chấp thuận các giới hạn đối với chương trình hạt nhân, đồng thời cảnh báo khả năng hành động quân sự nếu Tehran từ chối.

Chuyến đi cũng làm nổi bật những bất đồng ngày càng gia tăng giữa ông Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người từng được coi là đồng minh tư tưởng của Tổng thống Mỹ nhưng giờ đây lại trở thành nhân vật khiến ông Trump thất vọng.

Phía sau hậu trường, các quan chức Mỹ đã làm việc với giới chức Qatar và Saudi Arabia về các biện pháp giảm thiểu cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza, nơi đang bị Israel phong tỏa và phải hứng chịu các cuộc tấn công khiến hàng chục nghìn dân thường thiệt mạng.

Trong khi đó, ông Netanyahu tuyên bố không còn lựa chọn nào khác ngoài tiếp tục chiến đấu và đã ra lệnh tấn công vào một bệnh viện, nơi mà thủ lĩnh Hamas, người có thể đóng vai trò then chốt trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào, được cho là đang ẩn náu.

Dù quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Israel chưa bị đe dọa nghiêm trọng, một số khác biệt rõ rệt đã xuất hiện, như việc Mỹ thỏa thuận với lực lượng Houthi ở Yemen nhằm chấm dứt các cuộc tấn công bằng tên lửa mà không có sự tham gia của Israel; hay việc Mỹ tự đàm phán để trả tự do cho con tin cuối cùng mang quốc tịch Mỹ tại Gaza mà không thông báo với Tel Aviv; đặc biệt là quyết định dỡ bỏ trừng phạt Syria.

Tổng thống Trump cũng dự định bay sang Thổ Nhĩ Kỳ để gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một sự kiện mang tính biểu tượng nhằm thúc đẩy sáng kiến hòa bình Ukraine của ông. Tuy nhiên, cả hai lãnh đạo đều không xác nhận tham dự, khiến kế hoạch này bị hủy bỏ.

Canh bạc ở Syria

Việc dỡ bỏ trừng phạt Syria được xem là canh bạc đối ngoại lớn nhất trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump. Dù chi tiết các bước ngoại giao dẫn đến quyết định này vẫn chưa được tiết lộ, nhưng động của ông Trump cho thấy một nhận định chiến lược: Syria, quốc gia bị tàn phá bởi xung đột, đang ở ngã rẽ quan trọng, giữ vị trí then chốt tại Trung Đông và có thể rơi vào hỗn loạn nghiêm trọng hơn nếu không được ổn định.

Ông Trump cho biết ông tin tưởng nhà lãnh đạo mới của Syria al-Sharaa có khả năng giữ vững tình hình trong nước. Các quan chức Mỹ cũng tiết lộ Nhà Trắng kỳ vọng Syria sẽ dần công nhận Israel, một bước ngoặt lịch sử tại khu vực vốn bị chia rẽ bởi hận thù sắc tộc và tôn giáo.

“Tổng thống Trump đang rất chú trọng đến các thành công địa chính trị bên cạnh mục tiêu kinh tế”, ông Firas Maksad, Giám đốc đối ngoại của Viện Trung Đông, nhận định. Ông cũng nhấn mạnh rằng những diễn biến tại Syria luôn mang tính lan tỏa trong toàn khu vực.

Động thái của ông Trump cũng phù hợp với xu hướng tại châu Âu và một số nước Trung Đông, vốn đang gạt bỏ định kiến về ông al-Sharaa với hy vọng ông có thể ngăn chặn một cuộc nội chiến mới.

Đáng chú ý, quyết định của ông Trump nhận được phản hồi tích cực ngay cả từ một số nhân vật lâu nay chỉ trích ông.

“Tôi cho rằng đây là quyết định đúng đắn. Ông ấy đã lãnh đạo phe nổi dậy lật đổ Assad và đang cố gắng ổn định tình hình”, cựu Giám đốc CIA và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đánh giá.

Theo các nguồn tin, Saudi Arabia và Qatar là hai quốc gia đã thúc giục Mỹ dỡ bỏ trừng phạt, nhằm ngăn Syria trở thành điểm nóng mới kéo theo sự can thiệp của các thế lực bên ngoài như Iran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel.

Tuy vậy, ông Trump vẫn đang đối mặt với rủi ro. Dù ông al-Sharaa được đánh giá là niềm hy vọng cho sự ổn định ở Syria, nhưng vẫn có nhiều lo ngại về việc chính phủ mới ở Damacus sẽ không bảo vệ các nhóm sắc tộc và tôn giáo thiểu số.

Tại Washington, các thành viên cấp cao của Quốc hội yêu cầu đảm bảo rằng chính quyền của ông al-Sharaa có thể trấn áp tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) trước khi họ ủng hộ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mà Tổng thống Trump đề xuất.

Trong một tuyên bố chung, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Jim Risch, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen, thành viên hàng đầu của đảng Dân chủ trong ủy ban này cho biết: “Nếu muốn tận dụng cơ hội này, quyết định của Tổng thống cần được thực hiện nhanh chóng, đồng thời chính quyền Syria phải chứng minh nỗ lực giải quyết các quan ngại an ninh quốc gia của Mỹ”.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, một đồng minh của ông Trump, cũng đưa ra cảnh báo: “Tôi sẵn sàng ủng hộ việc dỡ bỏ trừng phạt nếu điều kiện phù hợp. Nhưng chúng ta cần nhớ rằng chính quyền hiện tại tại Syria giành được quyền lực bằng vũ lực chứ không phải thông qua ý chí của người dân”.

Ông Graham cho rằng Israel đặc biệt lo ngại trước động thái này và kêu gọi Mỹ phối hợp chặt chẽ với các đồng minh: “Một Syria ổn định sẽ thay đổi cục diện khu vực, nhưng cần phải đánh giá kỹ lưỡng trước khi đưa ra kết luận”.

Nếu muốn đưa Syria tới sự ổn định, ông Trump sẽ phải vận dụng khả năng tập hợp các quốc gia cùng chí hướng. Đây là một thách thức lớn với một đội ngũ chính sách đối ngoại đang chịu nhiều áp lực, thiếu kinh nghiệm và thay đổi nhân sự liên tục.

Lịch sử từng ghi nhận nhiều trường hợp Washington đặt niềm tin vào các nhà lãnh đạo cứng rắn ở Trung Đông để duy trì ổn định trong các quốc gia bị chia rẽ bởi sắc tộc và tôn giáo. Nhưng tại Iraq, điều này từng khiến Mỹ phải trả giá bằng sinh mạng của hàng nghìn binh sĩ.

Dù vậy, ông Trump vẫn tỏ ra lạc quan: “Đây là thời cơ của họ. Chúc may mắn, Syria. Hãy tạo nên điều gì đó thật đặc biệt”.

Hoàng Phạm/VOV.VN Theo CNN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/canh-bac-syria-va-tham-vong-trung-dong-cua-ong-trump-post1199689.vov
Zalo