Căng thẳng thương mại Mỹ - EU: Các tập đoàn công nghệ có thể trở thành mục tiêu
Hãng tin Bloomberg ngày 27/5 đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ hoãn kế hoạch áp thuế 50% đối với hàng hóa từ Liên minh châu Âu (EU) chỉ vài ngày sau khi đưa ra cảnh báo. Tuy nhiên, động thái này được cho là chưa ổn định và có thể đảo ngược bất cứ lúc nào, làm dấy lên lo ngại về một chiến lược gây sức ép lâu dài từ phía Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ở Washington, DC. Ảnh: THX/TTXVN
Trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu phản ứng thận trọng trước các tuyên bố từ Washington, giới phân tích cho rằng EU cần giữ vững lập trường và tránh rơi vào thế bị động trước chiến thuật đàm phán của ông Trump. Khi đối mặt với các cảnh báo áp thuế 20% trước đây, EU đã lựa chọn tiếp tục đàm phán thay vì nhượng bộ - một hướng đi được đánh giá là cần tiếp tục duy trì.
Theo Bloomberg Economics, nếu Mỹ thực sự áp thuế 50% với hàng hóa nhập khẩu từ EU thì xuất khẩu của EU sang Mỹ có thể giảm một nửa. Điều này tác động đặc biệt nghiêm trọng đối với Đức, nền kinh tế đang tăng trưởng gần như bằng 0. Tuy nhiên, bản thân nền kinh tế Mỹ cũng sẽ chịu thiệt hại với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có thể giảm hơn 2%, trong khi giá tiêu dùng có thể tăng hơn 1%. Đây là lý do khiến thị trường không phản ứng quá tiêu cực sau các tuyên bố gần đây từ ông Trump.
Các chuyên gia nhận định rằng chiến lược của ông Trump có thể nhằm mục tiêu gây áp lực thay vì thực sự phá vỡ quan hệ thương mại, trong bối cảnh các lãnh đạo kinh tế Mỹ cảnh báo về nguy cơ lạm phát đình trệ. Lạm phát đình trệ là hiện tượng chỉ việc tăng trưởng kinh tế và sức chi tiêu của người tiêu dùng chững lại trong khi tỷ lệ thất nghiệp cao và giá cả hàng hóa tăng phi mã.
Tuy nhiên, EU cũng phải cân nhắc rõ ràng giữa việc nhượng bộ và bảo vệ các tiêu chuẩn kinh tế cơ bản. Việc chấp nhận yêu cầu từ phía Mỹ có thể đồng nghĩa với việc từ bỏ các tiêu chuẩn về thuế và an toàn thực phẩm - những yếu tố mà chiến lược "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" coi là những rào cản trong hoạt động thương mại. Ước tính, EU sẽ mất khoảng 1.000 tỷ euro (tương đương 1.100 tỷ USD)/năm thu được từ thuế giá trị gia tăng nếu phải điều chỉnh theo yêu cầu này, từ đó làm suy yếu khả năng tài chính của khối.
Các nhà lãnh đạo EU hiện được khuyến nghị duy trì thế chủ động: vừa đưa ra nhượng bộ hợp lý và tăng cường mua hàng hóa Mỹ, nhưng đồng thời cần chuẩn bị các biện pháp đáp trả, trong đó có việc nhắm vào lĩnh vực dịch vụ của Mỹ, đặc biệt là các tập đoàn công nghệ lớn. Thị trường châu Âu hiện chiếm 20-30% doanh thu của những tập đoàn như Meta Platforms và Alphabet. Thủ tướng Đức Friedrich Merz khẳng định, châu Âu đang bảo vệ mạnh mẽ các doanh nghiệp công nghệ Mỹ, nhưng điều này “có thể thay đổi”.
Về dài hạn, giới phân tích cho rằng EU cần tăng cường năng lực nội khối nhằm giảm phụ thuộc vào bên ngoài. Trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu suy yếu và nợ công tăng cao, một chiến lược dựa vào sức mạnh nội tại sẽ là hướng đi bền vững. Các nhà kinh tế tại ngân hàng BNP Paribas ước tính, thương mại nội khối EU chỉ cần tăng 1% thì sẽ bù đắp được việc xuất khẩu của EU sang Mỹ giảm 10%. Để đạt được điều này, EU cần đẩy mạnh cải cách, mở rộng thương mại với các đối tác lân cận như Anh, và khuyến khích các quốc gia tiết kiệm như Đức tăng chi tiêu.