Căng thẳng thương mại 'gõ cửa', nhà phân tích khuyên tránh cổ phiếu chu kỳ, ưu tiên doanh nghiệp có dòng tiền khỏe
Lợi nhuận doanh nghiệp quý I được dự báo tăng, nhưng phần lớn đến từ nền so sánh thấp. Trong khi đó, những rủi ro từ chính sách thuế mới của Mỹ đang khiến thị trường đối diện giai đoạn thử thách. Nhà đầu tư cần thay đổi cách tiếp cận, ưu tiên sự ổn định hơn là chạy theo kỳ vọng ngắn hạn.
Thị trường chứng khoán Việt Nam khởi đầu năm 2025 với nhiều biến động đan xen. Trong khi chỉ số VN-Index vẫn đang dao động quanh vùng 1.250 điểm, nhà đầu tư đang dõi theo kết quả kinh doanh quý I và những chuyển động lớn từ chính sách kinh tế trong và ngoài nước.
Đặc biệt, động thái áp thuế từ Mỹ lên một loạt mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đang dấy lên lo ngại về sức ép với doanh nghiệp và triển vọng tăng trưởng trong những quý tới.
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Khối Phân tích và Nghiên cứu FIDT, và ông Trương Đắc Nguyên, Trưởng bộ phận Phân tích chiến lược thị trường của Chứng khoán Tiên Phong (TPS), đã phân tích sâu hơn về bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp, diễn biến thị trường trong quý II và chiến lược đầu tư phù hợp trong bối cảnh mới.
Dự báo kết quả kinh doanh quý I ra sao, thưa ông?
Ông Bùi Văn Huy: Quý I không phải là giai đoạn doanh nghiệp bứt phá về lợi nhuận, nhưng là thời điểm để thị trường nhận diện những cái tên tiềm năng trong chu kỳ kinh tế mới. Năm nay, điểm sáng có thể đến từ nhóm ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp, vật liệu xây dựng và doanh nghiệp hưởng lợi từ đầu tư công. Những ngành này đang có tín hiệu tích cực nhờ chính sách hỗ trợ tăng trưởng và hạ lãi suất.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng nhiều nhóm ngành như dệt may, thủy sản, gỗ vẫn đang gặp khó khăn do sức cầu yếu từ thị trường nước ngoài. Mặc dù có dấu hiệu phục hồi đơn hàng, chi phí đầu vào và biên lợi nhuận vẫn là trở ngại.
Điểm đáng lưu ý là thị trường hiện nay đang đối mặt với một "khoảng trống tăng trưởng" – khi thương chiến toàn cầu căng thẳng, đầu ra chưa thực sự phục hồi, chi phí đầu vào chưa giảm tương ứng và mức độ hấp thụ tín dụng còn dè dặt.
Trong bối cảnh như vậy, quý I không còn là cuộc đua về con số lợi nhuận, mà tập trung giữ vững bộ máy, duy trì hoạt động ổn định và kiểm soát tốt chi phí. Đây là lúc thị trường nhìn vào chất lượng vận hành – như khả năng xoay xở mô hình kinh doanh, tiết giảm chi phí lãi vay hay tối ưu tồn kho – hơn là chỉ nhìn vào con số lãi ròng cuối cùng.
Những doanh nghiệp có dòng tiền đều, ít nợ vay hoặc chủ động được đầu ra đầu vào chắc chắn sẽ được thị trường đánh giá cao hơn trong giai đoạn này.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Khối Phân tích và Nghiên cứu FIDT. (Ảnh: VietnamBiz).
Ông Trương Đắc Nguyên: Kỳ vọng chung là lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết quý I sẽ có sự cải thiện, khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, phần lớn mức tăng trưởng này đến từ nền so sánh thấp năm trước, thay vì phản ánh sự phục hồi nội tại mạnh mẽ.
Một số nhóm ngành có thể ghi nhận kết quả tích cực như ngân hàng, bất động sản – nhờ chính sách tháo gỡ pháp lý, hỗ trợ tín dụng, hay các doanh nghiệp đầu tư công hưởng lợi từ giải ngân vốn đầu tư nhanh hơn. Ngược lại, bán lẻ, thép và hàng không là những ngành vẫn đang chịu sức ép từ yếu tố chi phí, lãi suất và sức mua.
GDP quý I tăng 6,93% là tín hiệu tích cực, nhưng một phần đến từ tăng trưởng bất thường của khu vực FDI và việc một số đơn hàng xuất khẩu được đẩy nhanh tiến độ để kịp trước chính sách thuế mới của Mỹ. Điều này có thể khiến hoạt động sản xuất kinh doanh quý II chịu ảnh hưởng tiêu cực, nếu đơn hàng không được duy trì.
Với bối cảnh vĩ mô hiện tại, thị trường chứng khoán quý II sẽ diễn biến như thế nào?
Ông Bùi Văn Huy: Thị trường đang bị chi phối bởi hai yếu tố chính: một là kỳ vọng vào các chính sách hỗ trợ tăng trưởng trong nước, hai là rủi ro từ bên ngoài như áp lực lạm phát, lãi suất và đặc biệt là chính sách thuế mới từ Mỹ.
Việc Mỹ bổ sung hàng loạt mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam vào diện chịu thuế – dù chỉ là bước đầu và chưa chính thức áp dụng – cũng đủ tạo ra tâm lý lo ngại. Các ngành xuất khẩu lớn như dệt may, gỗ, điện tử, và cả khu công nghiệp có thể sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Tuy vậy, Việt Nam vẫn có nhiều dư địa để hỗ trợ tăng trưởng. Việc hạ lãi suất, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thúc đẩy đầu tư công và kỳ vọng GDP năm nay đạt khoảng 7-8% là những yếu tố hỗ trợ thị trường. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đối mặt với lực cản đến từ tiêu dùng trong nước chậm hồi phục và niềm tin doanh nghiệp chưa được cải thiện rõ rệt.
Chính vì vậy, quý II sẽ là giai đoạn thử thách thực sự cho thị trường. Không phải để kỳ vọng vào lợi nhuận tăng vọt, mà để đánh giá mức độ thích ứng và sức đề kháng của doanh nghiệp trong một môi trường có thể biến động rất nhanh.
Nhà đầu tư cần thay đổi góc nhìn, không nên kỳ vọng vào các câu chuyện hồi phục ngắn hạn, mà nên chọn lọc các doanh nghiệp có mô hình bền vững, ít lệ thuộc vào FDI hoặc xuất khẩu, và có khả năng giữ biên lợi nhuận trong bối cảnh khó khăn.
Đặc biệt, nhà đầu tư nên phân bổ danh mục hợp lý để luôn có phần dự phòng trong kịch bản thị trường đảo chiều, khi mà rủi ro địa chính trị có thể biến động theo tuần, không theo quý.

(Nguồn: Ông Bùi Văn Huy cung cấp).
Ông Trương Đắc Nguyên: Tới kết quả kinh doanh quý II, áp lực đối với doanh nghiệp bắt đầu lộ diện rõ ràng. Theo ghi nhận của TPS, ngay từ những ngày đầu tháng 4, đã ghi nhận tình trạng tạm dừng sản xuất, giảm công suất hoặc chia ca làm việc tại một số doanh nghiệp ngành công nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày.
Điều này phản ánh phản ứng rất sớm và rõ ràng trước vấn đề thuế đối ứng và sự bất định trong thương mại quốc tế.
Trong quý I, Việt Nam từng được kỳ vọng là “điểm tránh bão” khỏi làn sóng thuế quan của Mỹ, tương tự giai đoạn căng thẳng thương mại năm 2018. Nhiều đơn hàng Mỹ đã được đặt sớm cho tới quý III năm nay.
Tuy nhiên, theo ghi nhận, nhiều đơn hàng hiện tại đã bị tạm hoãn hoặc điều chỉnh, sau khi phía Mỹ bắt đầu áp thuế đối ứng. Mức thuế 10% đã thấp hơn đáng kể mức "đe dọa" ban đầu nhưng với những ngành có biên lợi nhuận thấp, mức thuế này có thể bào mòn lợi nhuận ngay lập tức.
Các nhóm ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách thuế đối ứng bao gồm: dệt may, thủy sản, giày dép, gỗ, săm lốp, đá ốp lát, với đặc điểm chung là tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Mỹ lớn, biên lợi nhuận mỏng và sức cạnh tranh đang suy giảm.
Trong các đợt điều chỉnh thuế trước đây, doanh nghiệp có thể chuyển khoảng 70–80% chi phí thuế sang phía khách hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại khi nhiều mặt hàng đồng loạt bị áp thuế vị thế thương lượng của bên bán yếu đi đáng kể. Doanh nghiệp xuất khẩu vì thế buộc phải chia sẻ phần lớn chi phí thuế, thậm chí chấp nhận giảm giá bán để duy trì đơn hàng, trực tiếp ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp trong các quý tới.
Đối với khối doanh nghiệp FDI, mức thuế bổ sung 10% làm suy giảm hiệu lực của các chính sách ưu đãi trước đây. Điều này có thể tác động ngay đến quyết định đầu tư mở rộng của các tập đoàn lớn, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, cơ khí chính xác, và công nghiệp phụ trợ.
Rủi ro lan tỏa sang các ngành liên quan như khu công nghiệp, logistics, hạ tầng cảng biển. Tâm lý phòng thủ đang lan rộng trong giới điều hành doanh nghiệp. Dù không bị áp thuế , tính bất định về thương mại toàn cầu khiến các doanh nghiệp giữ thế thủ, hạn chế mở rộng, đồng thời tìm kiếm đối tác và thị trường thay thế để phân tán rủi ro.

Ông Trương Đắc Nguyên, Trưởng bộ phận Phân tích chiến lược thị trường của TPS. (Ảnh: VietnamBiz).
Nhà đầu tư nên phản ứng như thế nào với bối cảnh hiện tại?
Ông Bùi Văn Huy: Nhà đầu tư nên hạ kỳ vọng và nâng tiêu chuẩn lựa chọn cổ phiếu. Việc tìm kiếm doanh nghiệp có khả năng chống chịu tốt với biến động kinh tế nên được ưu tiên hơn là chạy theo kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận cao trong ngắn hạn.
Danh mục đầu tư nên cân bằng giữa cổ phiếu phòng thủ và cổ phiếu có tiềm năng phục hồi. Đặc biệt, nên tránh xa doanh nghiệp có đòn bẩy tài chính cao, phụ thuộc nhiều vào thị trường nước ngoài hoặc vào các chính sách ưu đãi dễ thay đổi. Doanh nghiệp có mô hình kinh doanh đơn giản, tập trung vào thị trường nội địa, biên lợi nhuận ổn định và dòng tiền lành mạnh sẽ hấp dẫn hơn trong giai đoạn này.
Về mặt chiến lược, nhà đầu tư có thể giữ tỷ trọng tiền mặt cao hơn để linh hoạt xoay chuyển khi thị trường có biến động. Đồng thời, cần hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính (margin), nhất là khi chưa rõ ràng về tác động dài hạn từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ.
Ông Trương Đắc Nguyên: Cách tiếp cận hợp lý lúc này là ưu tiên quản trị rủi ro hơn là tìm kiếm lợi nhuận đột biến.
Đối với nhà đầu tư cá nhân, việc lựa chọn cổ phiếu nên chuyển từ tìm các doanh nghiệp tăng trưởng sang tìm doanh nghiệp có năng lực vận hành và khả năng chống chịu rủi ro chính sách.
Đó là các doanh nghiệp không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thuế đối ứng, có tăng trưởng dài hạn thông qua thị trường nội địa hoặc các mảng ít biến động.
Đồng thời, nhà đầu tư nên tránh các mã cổ phiếu có tính chu kỳ cao, biên lợi nhuận mỏng, lệ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ và EU. Nhà đầu tư cũng nên hạn chế sử dụng margin để tránh gặp rủi ro trong thời điểm có nhiều tin tức có thể khiến đảo chiều thị trường bất ngờ.