Căng thẳng tại Trung Đông: Fatah đề xuất lộ trình hòa giải với Hamas

Ngày 6/4, Phái đoàn cấp cao Phong trào Fatah của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã trình bày với Ai Cập một lộ trình đề xuất đối thoại chính trị với lực lượng Hamas ở Dải Gaza.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 6/4, Phái đoàn cấp cao Phong trào Fatah của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã trình bày với Ai Cập một lộ trình đề xuất đối thoại chính trị với lực lượng Hamas ở Dải Gaza.

Phái đoàn do Tổng Thư ký Jibril Rajoub dẫn đầu, gồm có Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Palestine Rawhi Fattouh, cựu Thủ tướng Mohammad Shtayyeh và Đại sứ Palestine tại Ai Cập Diab al-Louh.

Phái đoàn tới Cairo để tham gia cuộc thảo luận về xung đột leo thang của Israel ở Gaza cũng như các cuộc tấn công vào Bờ Tây.

Trong cuộc gặp, Ngoại trưởng nước chủ nhà Ai Cập Badr Abdelatty tái khẳng định sự ủng hộ của Cairo đối với Chính quyền Palestine (PA), đồng thời bác bỏ các nỗ lực của Israel nhằm chia cắt lãnh thổ Palestine bằng cách tách Gaza khỏi Bờ Tây.

Ông Abdelatty nhắc lại những nỗ lực của Ai Cập nhằm đảm bảo lệnh ngừng bắn tại Gaza và đẩy nhanh việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho dải đất ven Địa Trung Hải này. Ông cảnh báo rằng các hành động quân sự của Israel chỉ làm tăng thêm bất ổn trong khu vực.

Cùng ngày, hãng tin Sky News Arabia cho biết đề xuất của phái đoàn Fatah gồm 2 giai đoạn, khởi đầu bằng cuộc đối thoại chính trị kín giữa Fatah ở Bờ Tây và Hamas ở Dải Gaza, đặt dưới sự điều phối của Ai Cập.

Trong giai đoạn này, Hamas sẽ phải thông qua các nghị quyết của Liên hợp quốc làm khuôn khổ giải quyết xung đột và hai bên sẽ cam kết thực hiện lựa chọn chiến lược về một cuộc kháng chiến toàn diện của người dân Palestine.

Ngoài ra, Hamas sẽ phải công nhận vai trò của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) và tán thành hệ thống chính trị thống nhất gồm quản trị, an ninh, vũ khí và pháp quyền, trong khi vẫn duy trì đa nguyên chính trị. Lực lượng này cũng phải cam kết tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ.

Đề xuất cũng bao gồm các cam kết bổ sung khẳng định sự thống nhất của các vùng lãnh thổ Palestine do Israel chiếm đóng vào năm 1967 và toàn bộ hệ thống chính trị.

Hamas sẽ thống nhất các thể chế hành chính và dịch vụ trong tất cả các cơ quan an ninh, từ Rafah ở phía Nam đến Jenin ở phía Bắc.

Bên cạnh đó, Hamas sẽ phải tuyên bố chấm dứt quyền kiểm soát dân sự và an ninh đối với Gaza và bắt đầu tái hòa nhập Dải Gaza vào Bờ Tây trên cơ sở phối hợp với Chính quyền Palestine (PA) và Ai Cập.

Trong giai đoạn thứ hai, hai bên sẽ khởi động “đối thoại toàn diện quốc gia” với sự tham gia của tất cả các phe phái Palestine, dựa trên 4 nguyên tắc sau: Một giải pháp chính trị dựa trên sự thống nhất và các nghị quyết của Liên hợp quốc; Một tầm nhìn thống nhất và hòa bình về cuộc kháng chiến tránh đổ máu; Một tầm nhìn chung về nhà nước hiện đại được xây dựng trên nguyên tắc tự do ngôn luận, pháp quyền và chuyển giao quyền lực một cách hòa bình; và Một quan hệ đối tác chính trị thông qua các cuộc bầu cử dân chủ.

Việc triển khai kế hoạch hòa giải giữa các phe phái Palestine diễn ra chỉ hơn 2 tuần sau khi Fatah kêu gọi Hamas từ bỏ quyền lực để bảo vệ “sự tồn tại” của người Palestine ở Dải Gaza.

Trong khi đó, trên thực địa, Cơ quan Phòng vệ dân sự Gaza cho biết các cuộc không kích của Israel trên khắp lãnh thổ Palestine trong ngày 6/4 đã làm ít nhất 44 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.

Israel đã mở không kích sau khi Hamas bắn một loạt tên lửa vào các thành phố ở phía Nam Israel cùng ngày nhằm đáp trả các cuộc không kích trước đó.

Cuộc không kích được tiến hành theo lệnh của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sau khi có khoảng 10 quả rocket đã được bắn từ Dải Gaza về phía Israel.

Văn phòng Thủ tướng nêu rõ: "Thủ tướng đã chỉ thị ra phản ứng mạnh mẽ và chấp thuận tiếp tục tăng cường hoạt động của Quân đội Israel (IDF) tại Gaza để chống lại Hamas." Được biết, ông Netanyahu đưa ra chỉ thị trên cho Bộ trưởng Quốc phòng Israel Katz trên đường đến Washington (Mỹ).

Theo kế hoạch, ông Netanyahu sẽ gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng lúc 13h00 ngày 7/2 theo giờ Mỹ (tức 24h00 cùng ngày giờ Việt Nam). Hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ thảo luận về một số vấn đề chính, bao gồm mức thuế quan mới nhất của Mỹ với Israel, các cuộc đàm phán trao đổi con tin với Hamas, căng thẳng tiềm tàng giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, cũng như các nỗ lực chung nhằm chống lại Iran và mạng lưới đại diện của nước này.

Trong một diễn biến khác, Văn phòng Truyền thông của Hamas cho biết khoảng 90% nhà ở tại thành phố Rafah thuộc phía Nam Gaza đã bị phá hủy trong các hoạt động quân sự của Israel, đẩy khu vực này vào "thảm họa nhân đạo toàn diện."

Tuyên bố của cơ quan trên nêu rõ Rafah đã bị cắt đứt khỏi các khu vực khác của Gaza và chịu mức độ tàn phá trên diện rộng từ cơ sở hạ tầng đến các dịch vụ thiết yếu và nơi ở của người dân.

Theo tuyên bố, hơn 20.000 tòa nhà, bao gồm hơn 50.000 đơn vị nhà ở, đã bị phá hủy. Ngoài ra, 22 trong số 24 giếng nước không hoạt động, khiến hàng chục nghìn cư dân không thể tiếp cận nguồn nước uống an toàn. Trong khi đó, 85% mạng lưới nước thải ở Rafah bị hư hại, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Văn phòng Truyền thông kêu gọi cộng đồng quốc tế, các cơ quan của Liên hợp quốc và các tổ chức nhân đạo gây sức ép để Israel rút quân khỏi Rafah, tạo điều kiện cho người di tản trở về và đảm bảo cung cấp cứu trợ nhân đạo an toàn. Văn phòng cũng kêu gọi điều tra các hành vi vi phạm của Israel và tiến hành các nỗ lực tái thiết ngay lập tức.

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, hàng nghìn người Maroc đã tập trung tại trung tâm thành phố Rabat để phản đối các cuộc tấn công của Israel vào Gaza.

Đám đông người biểu tình tập trung gần Tòa nhà Quốc hội, kêu gọi chấm dứt ngay lập tức lệnh phong tỏa Gaza của Israel và yêu cầu Chính quyền Maroc cắt đứt quan hệ chính trị với Tel Aviv./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/cang-thang-tai-trung-dong-fatah-de-xuat-lo-trinh-hoa-giai-voi-hamas-post1025229.vnp
Zalo