Căng thẳng Nga - Ukraine leo thang, hướng đi nào cho thị trường vàng?

Giá vàng tăng phiên thứ ba liên tiếp khi các nhà đầu tư tìm nơi ẩn náu an toàn trong bối cảnh bất ổn địa chính trị gia tăng.

Giá vàng "quay đầu" tăng trở lại

Theo cập nhật, giá vàng thế giới đã tăng 0,6% và hiện giao dịch quanh mức 2.661,7 - 2.663,02 USD/ounce.

Tuần trước, giá vàng đã trải qua mức giảm hàng tuần lớn nhất trong hơn ba năm. Nguyên nhân chính là do đồng USD tăng mạnh, đạt mức cao nhất trong một năm, làm giảm sức hấp dẫn của vàng đối với nhà đầu tư nắm giữ các đồng tiền khác.

Đồng bạc xanh mạnh lên đã làm tăng chi phí cơ hội khi nắm giữ vàng, vốn không sinh lãi suất, khiến giá vàng bị áp lực bán mạnh.

Vàng hiện giao dịch quanh mức 2.661,7 - 2.663,02 USD/ounce. Ảnh: Reuters.

Vàng hiện giao dịch quanh mức 2.661,7 - 2.663,02 USD/ounce. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine leo thang khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân, đã thúc đẩy và khiến giá vàng "quay đầu" tăng trở lại.

Được biết, quyết định này của Nga được đưa ra sau khi nước này phải đối mặt với một loạt các cuộc tấn công tên lửa tầm xa vào lãnh thổ từ phía Ukraine, bao gồm cả các cơ sở hạ tầng quan trọng gần Moscow và vùng biên giới phía Tây.

Ông Daniel Ghali, chiến lược gia hàng hóa tại TD Securities, nhận định rằng sự gia tăng căng thẳng địa chính trị đã thúc đẩy một số dòng tiền tìm đến vàng như một tài sản trú ẩn. Điều này thường xảy ra trong bối cảnh bất ổn kinh tế hoặc rủi ro chính trị gia tăng, khi nhà đầu tư tìm kiếm các kênh an toàn hơn để bảo vệ giá trị tài sản của mình.

Sức hấp dẫn của vàng đặc biệt tăng lên khi lãi suất duy trì ở mức thấp, làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lợi như vàng.

Tuy nhiên, ông Ghali cũng lưu ý rằng phần lớn động lực hiện tại của giá vàng dường như đến từ thị trường giao dịch phi tập trung (OTC) khiến việc theo dõi và đánh giá độ bền vững của xu hướng tăng giá này trở nên khó khăn.

Thêm vào đó, giá vàng gần đây còn chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố khác như chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và áp lực từ đồng USD mạnh.

Kịch bản nào cho giá vàng?

Theo Ngân hàng ANZ, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tạm dừng kế hoạch cắt giảm lãi suất vào tháng 12 có thể khiến giá vàng giảm trong ngắn hạn, do lãi suất cao làm tăng chi phí cơ hội khi nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.

Tuy nhiên, triển vọng dài hạn của vàng vẫn tích cực nhờ các yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ. Cụ thể, chu kỳ tăng lãi suất của FED đang dần kết thúc, mở đường cho khả năng giảm lãi suất vào năm tới, qua đó giảm áp lực lên thị trường vàng.

Đồng thời, sự bất ổn kinh tế vĩ mô và căng thẳng địa chính trị, đặc biệt tại Nga-Ukraine và Trung Đông, tiếp tục làm gia tăng nhu cầu trú ẩn an toàn, trong khi nhu cầu vàng vật chất từ các thị trường lớn như Trung Quốc và Ấn Độ vẫn duy trì ổn định.

Vàng vẫn là tài sản trú ẩn an toàn được giới đầu tư lựa chọn. Ảnh: Reuters.

Vàng vẫn là tài sản trú ẩn an toàn được giới đầu tư lựa chọn. Ảnh: Reuters.

Đồng quan điểm, nhận định của Bank of America về giá vàng trong giai đoạn 2024-2025 cũng rất lạc quan. Ngân hàng này đã nâng dự báo giá vàng lên mức 3.000 USD/ounce vào năm 2025

Sự điều chỉnh này chủ yếu dựa trên dự báo rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất trong tương lai gần. Việc này có thể làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, qua đó thúc đẩy nhu cầu của các nhà đầu tư đối với kim loại quý này.

Bank of America cũng chỉ ra rằng, với việc Trung Quốc có thể tiếp tục phục hồi và tăng trưởng trong những năm tới, cũng như sự điều chỉnh của các chính sách tiền tệ tại các nền kinh tế lớn, giá vàng sẽ tiếp tục được hỗ trợ. Các yếu tố này kết hợp lại sẽ tạo nên một môi trường thuận lợi cho giá vàng duy trì đà tăng, và thậm chí có thể đạt mức cao kỷ lục 3.000 USD/ounce trong năm 2025.

Cùng với đó, vàng cũng sẽ tiếp tục là một tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh các bất ổn về địa chính trị và kinh tế toàn cầu, đặc biệt là trong trường hợp nền kinh tế Mỹ đối mặt với các khó khăn về lạm phát và nợ công.

Tuy nhiên, đối với kịch bản, nếu căng thẳng giữa Nga và Ukraine được dàn xếp nhờ vào chính sách hoặc quan điểm của ông Trump sau khi lên nắm quyền, giá vàng có thể phần nào "hạ nhiệt" sau một thời gian tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo các chuyên gia, nếu cuộc xung đột này được dàn xếp và dừng lại, tâm lý đầu tư toàn cầu có thể được cải thiện, qua đó giới đầu tư sẽ mạnh tay chuyển sang các tài sản rủi ro cao hơn, như cổ phiếu và trái phiếu, thay vì vàng.

Thanh Thắng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cang-thang-nga-ukraine-leo-thang-huong-di-nao-cho-thi-truong-vang-192241121143712805.htm
Zalo