Căng thẳng Nga- Ukraine: Cổ phiếu dầu khí, phân bón, thép tiếp tục bứt phá
Trong bối cảnh nhiều nhóm cổ phiếu nhuộm đỏ khi mở cửa phiên sáng nay 7/3, thì cổ phiếu ngành dầu khí, phân bón, thép lại vọt tăng, thậm chí có mã tăng hết biên độ.
Theo đó, thời điểm 9 giờ 45 phút, nhóm cổ phiếu dầu khí đồng loạt tăng. Các mã POS, PVB, PVS tăng hơn 6%; các mã PLX, BSR, OIL, PVD, GAS cũng tăng mạnh. Đặc biệt PVC và PVT còn tăng lên giá trần.
Cổ phiếu dầu khí thường có biến động theo giá dầu. Thực tế, giá dầu châu Á tăng hơn 10% sáng 7/3 do Mỹ và châu Âu ban hành lệnh cấm đối với dầu mỏ của Nga và sự chậm trễ trong kết thúc các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran gây ra sự khan hiếm nguồn cung dầu.
Giá dầu Brent tăng 12,73 USD lên 130,84 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 9,92 USD lên 125,60 USD/thùng.
Giá dầu thô Brent đã tăng 21% vào tuần trước và được tiếp thêm đà tăng trước nguy cơ Mỹ và châu Âu ban hành lệnh cấm đối với dầu mỏ của Nga.
Ethan Harris, nhà kinh tế hàng đầu của BofA cho biết: “Nếu phương Tây cấm vận phần lớn xuất khẩu năng lượng của Nga thì đó sẽ là một cú sốc lớn đối với thị trường toàn cầu".
Ông ước tính rằng việc Nga không cung cấp 5 triệu thùng dầu ra thị trường có thể khiến giá dầu tăng gấp đôi lên 200 USD/thùng và làm giảm tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu.
Theo Công ty cổ phần chứng khoán Agribank (Agriseco), giá dầu Brent đã liên tục tăng mạnh nguyên nhân không xuất phát từ đột biến trong nhu cầu mà hoàn toàn do lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung năng lượng tại châu Âu và thế giới khi Nga là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 2 toàn cầu và cung cấp tới 40% lượng khí đốt cho châu Âu.
Agriseco cho rằng diễn biến giá dầu, khí phụ thuộc lớn vào mức độ tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine.
Bên cạnh nhóm cổ phiếu dầu khí, nhóm phân bón tăng mạnh, đặc biệt là cổ phiếu của doanh nghiệp sản xuất phân đạm tăng trần. Theo đó, DCM và DPM đều tăng trần; DDV cũng tăng tới 8,2%, SFG tăng 3,6%...
Theo CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), ngành phân bón cũng có triển vọng tích cực khi xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Động thái cấm xuất khẩu Amoni nitrat (NH4NO3) của Nga có thể đẩy giá phân đạm trên toàn cầu tiếp tục tăng. Hiện nay, sản lượng Amoni nitrat xuất khẩu của Nga đạt khoảng 15 triệu tấn mỗi năm, chiếm 75% nguồn cung toàn thế giới.
Ngoài ra, Trung Quốc vẫn duy trì chính sách hạn chế xuất khẩu phân bón nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa, trong bối cảnh thiếu hụt năng lượng và chi phí nguyên liệu đầu vào khí, than) tăng cao. Điều này sẽ khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng thêm và đẩy giá các loại phân bón tiếp tục duy trì ở mức cao.
Do đó, BSC đánh giá khả quan đối với cổ phiếu DPM và DCM, nhờ kỳ vọng sản lượng xuất khẩu phân bón tăng cùng giá bán tiếp tục duy trì ở mức cao.
Công ty cổ phần Chứng khoánNhóm ngành Hóa chất, Phân bón: Hiện nay Nga cung cấp khoảng 23% ammoniac, 17% kali, 14% ure và 10% phốt phát. Vậy nên nếu chiến tranh tiếp tục leo thang, khối lượng xuất khẩu này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và nhiều khả năng sẽ đẩy giá nhóm hóa chất và phân bón tăng cao.
Diễn biến ở thị trường Việt Nam, các cổ phiếu phân bón cũng đã tăng điểm tích cực phản ánh phần nào kỳ vọng đó.
Giá phân bón trên thị trường thế giới và Việt Nam vẫn đang chưa có sự tăng giá tương ứng, trong khi đó giá nguyên liệu đầu vào như dầu khí hay than đã tăng mạnh.
Điều này cho thấy giá phân bón trong thời gian sắp tới nhiều khả năng sẽ có sự điều chỉnh tăng giá, tạo động lực cho nhóm ngành phân bón trên thị trường.
Qua đó, Agriseco khuyến nghị nhà đầu tư cần theo dõi diễn biến giá phân bón thế giới cũng như Việt Nam và có thể gia tăng tỷ trọng với nhóm này.
Bên cạnh nhóm cổ phiếu dầu khí và phân bón thì cổ phiếu ngành thép cũng ngập trong sắc xanh. Cụ thể, HPG, HSG, POM, SMS, TLH, HMC, DTL… đều tăng giá.
Theo BSC, nhóm ngành được có thể hưởng lợi tiếp từ căng thẳng Nga - Ukraine là thép. Nga đang xếp thứ hai về xuất khẩu thép vào Liên minh châu Âu (EU), chiếm tỷ trọng khoảng 14% với thép dẹt và 19% với thép dài.
Tỷ trọng xuất khẩu vào EU của một số bên liên quan như Ukraine là 8% thép dẹt và 7,4% thép dài, với Belarus là 14,4% thép dài, với Trung Quốc là 5,7% thép dẹt và 5,8% thép dài.
Nếu lượng xuất khẩu này bị cắt giảm do cấm vận thì sẽ tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu khác vào thị trường này, đặc biệt với nhóm tôn mạ đang xuất nhiều sang thị trường này như Công ty cổ phần Thép Nam Kim (mã chứng khoán: NKG) và Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HSG). Hiện tại HPG không xuất nhiều thép xây dựng sang EU.
Do đó, công ty chứng khoán này đánh giá khả quan với cổ phiếu của các công ty xuất khẩu thép lớn, đặc biệt là nhóm tôn mạ có xuất khẩu vào EU như NKG, HSG nếu EU cắt giảm nhập khẩu thép từ Nga và Belarus, Ukraine không duy trì sản xuất được do chiến tranh.
Điểm cần lưu ý là EU vẫn áp hạn ngạch nhập khẩu, nếu lớn hơn 3% sẽ tăng bước thuế lên các quốc gia xuất khẩu vào thị trường này. Việt Nam đang chiếm tỷ trọng 2% nhập khẩu thép dẹt của khối này.
Trái ngược với sự tích cực của nhóm dầu khí và thép, hầu hết cổ phiếu các ngành khác đang chìm trong sắc đỏ.
Thời điểm 9 giờ 51 phút, nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ còn 2 mã tăng giá là SGB, EIB. NVB đứng ở tham chiếu. Tất cả các mã cổ phiếu còn lại đều giảm giá. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm… cũng chìm trong sắc đỏ. Trong rổ cổ phiếu VN30 cũng chỉ còn vài mã tăng giá.
Thời điểm 10 giờ giờ 31 phút, VN-Index giảm 6,18 điểm xuống 1.499,42 điểm HNX-Index tăng nhẹ 1,18 điểm lên 451,72 điểm, UPCOM-Index đang ở sát mốc tham chiếu./.