Căng thẳng mới giữa Nga và Estonia, Lithuania

Theo cơ sở dữ liệu của Bộ Nội vụ Nga, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas, Bộ trưởng Ngoại giao Estonia Taimar Peterkop và Bộ trưởng Văn hóa Lithuania Simonas Kairys bị liệt vào danh sách truy nã.

Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu không cho biết vì sao các quan chức này bị truy nã.

Hãng thông tấn Nga TASS hôm 13-2 dẫn nguồn tin cho biết các quan chức này bị cáo buộc "phá hoại các công trình tôn vinh binh sĩ thời Liên Xô".

Đây được xem vụ án hình sự đầu tiên của Nga chống lại người đứng đầu một chính phủ nước ngoài.

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas. Ảnh: Reuters

Theo trang tin Mediazona, bà Kallas có tên trong danh sách truy nã của Nga sau khi lên tiếng ủng hộ việc tháo dỡ một tượng đài thời Liên Xô ở TP Narva - Estonia, giáp biên giới Nga. Điện Kremlin sau đó cũng xác nhận rằng chính quyền Nga đã ban hành lệnh bắt giữ các nhà lãnh đạo chính trị nước ngoài về việc dỡ bỏ các tượng đài.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 13-2 cho rằng: "Đây là những người thực hiện hành động thù địch chống lại ký ức lịch sử và đất nước chúng ta".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng cảnh báo lệnh bắt giữ "chỉ là sự khởi đầu".

Trong diễn biến liên quan, lãnh đạo Cơ quan Tình báo nước ngoài của Estonia hôm 13-2 nói rằng Nga đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu quân sự với phương Tây trong thập kỷ tới và chỉ có thể ngăn chặn điều này bằng cách tăng cường sức mạnh quân sự.

Ông Kaupo Rosin, người đứng đầu cơ quan tình báo Estonia, nhấn mạnh đánh giá này được đưa ra dựa trên kế hoạch của Nga nhằm tăng gấp đôi lực lượng đồn trú dọc biên giới của Nga với các thành viên NATO như Phần Lan, Estonia, Lithuania và Latvia.

Công bố báo cáo về các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Estonia, ông Rosin cho rằng: "Nga đã chọn con đường đối đầu lâu dài… và Điện Kremlin có thể đang lường trước một cuộc xung đột tiềm tàng với NATO trong vòng 1 thập kỷ tới hoặc xa hơn".

Ông Rosin lập luận cuộc tấn công quân sự của Nga khó xảy ra trong tương lai gần, một phần vì Nga phải duy trì quân đội ở Ukraine và Nga cũng sẽ khó làm điều đó nếu châu Âu tăng cường lực lượng ở mức phù hợp.

Estonia và các nước vùng Baltic khác đã tăng chi tiêu quân sự lên hơn 2% GDP sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Các đồng minh NATO cũng đã tăng cường hiện diện quân sự tại những quốc gia đó.

Xuân Mai

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cang-thang-moi-giua-nga-va-estonia-lithuania-196240213202141388.htm
Zalo