Căng thẳng Ấn Độ - Pakistan tăng nhiệt: Ván bài nhiều rủi ro
Quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan đang leo thang căng thẳng sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại thị trấn Pahalgam, khu vực Jammu và Kashmir khiến ít nhất 26 người thiệt mạng.
Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra một loạt biện pháp mạnh mẽ nhằm đáp trả, như trục xuất các cố vấn quân sự Pakistan, hạ cấp quan hệ ngoại giao và đình chỉ nhiều hoạt động song phương quan trọng. Đáp lại, Pakistan hôm qua (24/4) cũng vừa triệu tập cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia để bàn các biện pháp đáp trả các động thái của Ấn Độ.

Quân đội Ấn Độ lùng bắt nghi phạm khủng bố ở Kashmir. (Ảnh: Reuters)
Dư luận khu vực
Mối quan hệ láng giềng chưa bao giờ êm đẹp giữa Ấn Độ và Pakistan được khởi đầu từ thủa “Lập quốc” năm 1947, tới nay lại được nung nóng trở lại sau vụ tấn công khủng bố tại thị trấn Pahalgam, vùng lãnh thổ liên bang Jammu và Kashmir của Ấn Độ hôm 22/4. Cơ quan tình báo Ấn Độ nhanh chóng xác định các thủ phạm thuộc Mặt trận Kháng chiến, một nhánh của tổ chức khủng bố Lashkar-e-Taiba (LeT) có trụ sở ở Pakistan. Các nghi phạm có cả người địa phương Kashmir và các phần tử từ bên kia biên giới.
Một lần nữa, Ấn Độ lại lên án nước láng giềng Pakistan vì đã dung dưỡng, tạo điều kiện cho các tay súng khủng bố “gửi lửa về” gây bất ổn cho Ấn Độ, đặc biệt là tại vùng lãnh thổ liên bang Jammu và Kashmir, nơi mà Pakistan luôn tuyên bố chủ quyền. Ấn Độ khẳng định rằng, những bất ổn hàng chục năm qua tại Kashmir luôn có bàn tay của Pakistan đứng đằng sau.
Lịch sử đã chứng kiến hai quốc gia Nam Á có sở hữu vũ khí hạt nhân này từng nhiều lần xung đột vì những tranh chấp lãnh thổ, khủng bố qua biên giới … Và vụ việc này một lần nữa lại cho thấy những khác biệt, mẫu thuẫn và tranh chấp giữa hai dân tộc, hai đất nước này vẫn tồn tại dai dẳng.
Đối với Ấn Độ, vụ khủng bố lần này xảy ra vào thời điểm nhạy cảm. Đó là lúc nước này đang đón Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance tới thăm; trong khi Thủ tướng Narendra Modi vừa đặt chân tới Saudi Arabia trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước. Tính chất nghiêm trọng và bất ngờ của vụ khủng bố khiến ông Modi phải rút ngắn lịch trình làm việc tại Riyadh, trở về nước trực tiếp xử lý khủng hoảng. Vụ việc là một đòn giáng mạnh vào hình ảnh của Ấn Độ cũng như uy tín của Chính phủ do Thủ tướng Modi đứng đầu vốn đã dành nhiều nguồn lực, công sức và thời gian để gây dựng an ninh cho đất nước, đặc biệt là tại khu vực Kashmir nhiều bất ổn, mâu thuẫn.
Đối với vùng lãnh thổ liên bang Jammu và Kashmir, cú sốc khủng bố này gần như đã phá hỏng mọi nỗ lực ổn định an ninh và hồi phục kinh tế tại đây. Kinh tế Jammu và Kashmir từng lao đao suốt nhiều năm trước do đợt bạo lực bùng phát năm 2019 để phản đối việc hủy bỏ điều 370 của Hiến pháp Ấn Độ vốn từng trao quy chế tự trị cho vùng đất này. Tiếp đó là đại dịch Covid-19 khiến ngành du lịch - xương sống của kinh tế Kashmir gần như bị đóng băng.
Du lịch mới chỉ phục hồi trong khoảng 3 năm qua với số du khách qua các năm 2023 và 2024 đạt 21 triệu và 23 triệu. Liệu sau vụ khủng bố này, du khách có còn quay trở lại với Kashmir như trước hay không. Đây là sự bất định rất lớn.
Chính vì vậy, phản ứng giận dữ và quyết đoán đáp trả của Ấn Độ lần này hoàn toàn có thể hiểu được.
Nguồn cơn sâu xa của những căng thẳng giữa hai nước
3 ngày sau khi vụ khủng bố diễn ra, các lực lượng an ninh Ấn Độ đang tiếp tục chiến dịch truy bắt các nghi phạm khủng bố trong vùng rừng núi Jammu và Kashmir. Chỉ khi nào các thủ phạm bị đưa ra trước pháp luật, chúng ta mới có thể kết luận ai đứng đằng sau và ai có vai trò chính trong toàn bộ thảm kịch này. Tuy nhiên, căn cứ vào các thông tin tình báo và các dữ liệu lịch sử, việc cho rằng Pakistan có đòn bẩy trong toàn bộ vụ việc này hoàn toàn là có cơ sở.
Nếu xét trên logic, trong bối cảnh này, người ta có thể suy luận về lý do tại sao Pakistan lại thực hiện bước đi khá liều lĩnh này. Vụ tấn công khủng bố ở Pahalgam về cơ bản là một nỗ lực của Pakistan nhằm khẳng định rằng họ vẫn là một cường quốc khu vực không thể đơn giản bị bỏ qua hoặc bị coi là không quan trọng. Điều này có vẻ hợp lý khi xét đến tuyên bố của Tổng tư lệnh quân đội Pakistan, Tướng Asim Munir vào tuần trước, trong đó ông liên tục viện dẫn logic của “Thuyết Hai quốc gia”.
Tướng Munir phát biểu tại Hội nghị người Pakistan ở nước ngoài tại Islamabad hôm 15/4 cho rằng: “Tôn giáo của chúng ta khác nhau, phong tục của chúng ta khác nhau, truyền thống của chúng ta khác nhau, suy nghĩ của chúng ta khác nhau, tham vọng của chúng ta khác nhau. Đó là nền tảng của học thuyết hai quốc gia. Chúng ta là hai quốc gia, chúng ta không phải là một quốc gia”.
Ngoài việc cố gắng củng cố sự ủng hộ cho giới cầm quyền Pakistan, về cơ bản phát ngôn của Tướng Munir muốn cho thấy Pakistan là một quốc gia có bản sắc riêng, và do đó có vị trí riêng trên thế giới, không thể bị bỏ qua và coi thường. Điều này đặt trong bối cảnh Islamabad đang gặp rất nhiều vấn đề nội bộ như khủng hoảng nợ, kinh tế đình đốn, xáo trộn chính trị kéo dài, bất ổn an ninh khắp nơi. Dường như có cảm giác rằng, Pakistan đang bị cô lập với các đồng minh, đối tác, và cả với các nước láng giềng.
Trong các tuyên bố của mình, Tướng Munir cũng nhắc đến Kashmir, nơi mà ông gọi là “tĩnh mạch cổ” của Pakistan. “Lập trường của chúng tôi hoàn toàn rõ ràng, đó là tĩnh mạch cổ của chúng tôi, chúng tôi sẽ không quên điều đó. Chúng tôi sẽ không bỏ rơi những người anh em Kashmir của mình”. Do đó, vụ tấn công ở Pahalgam cũng có thể được coi là sự mở rộng các tuyên bố của Tổng tư lệnh quân đội Pakistan từ tuần trước. Đây không chỉ là nỗ lực phá hoại tiến trình hướng tới “tình trạng bình thường” ở Kashmir, mà còn là thông điệp gửi tới Ấn Độ rằng Kashmir không thể ổn định nếu không có Pakistan là bên liên quan. Và chính sách đưa Kashmir về với phần còn lại của Ấn Độ là không thể chấp nhận được đối với Islamabad.
Tác động đến an ninh khu vực
Trong hai ngày qua, Ấn Độ và Pakistan liên tiếp, dồn dập đưa ra các biện pháp đáp trả nhằm vào nhau. Trong đó, nổi bật là thu hẹp cơ quan đại diện ngoại giao ở mỗi nước, buộc các tùy viên quốc phòng của nhau phải kết thúc sớm nhiệm kỳ, trục xuất công dân mỗi nước khỏi lãnh thổ và dừng các dịch vụ thị thực.
Đáng chú ý nhất là việc Ấn Độ tuyên bố dừng đơn phương việc thực hiện Hiệp ước Nước sông Ấn, hàm ý có thể sẽ ngăn việc cấp nước cho khu vực hạ du ở Pakistan. Ở phía bên kia, Pakistan gọi việc Ấn Độ rút khỏi Hiệp ước Nước sông Ấn là “chiếm đoạt quyền của các quốc gia hạ nguồn; vì thế sẽ được coi là hành động chiến tranh và sẽ được đáp trả bằng toàn bộ sức mạnh của toàn bộ quyền lực quốc gia”. Pakistan đồng thời đóng cửa không phận với các hãng hàng không do Ấn Độ sở hữu và điều hành. Cuối cùng, Pakistan tuyên bố bảo lưu quyền "tạm hoãn" hiệp ước Simla được ký với Ấn Độ cách đây 5 thập kỷ, vốn là cơ sở để thiết lập đường LOC tại Jammu và Kashmir cũng như nền tảng để giải quyết các vấn đề song phương.
Những biện pháp “trừng phạt” đối phương của cả Ấn Độ và Pakistan không chỉ là cắt đứt những liên hệ vốn đã đóng băng từ năm 2019, kể từ khi điều 370 Hiến pháp được Ấn Độ bãi bỏ, mà còn động chạm tới những vấn đề sống còn của mỗi nước và yếu tố cốt tử của mối quan hệ song phương. Việc dồn láng giềng tới “đường cùng” có thể là ván bài nhiều rủi ro mà Ấn Độ và Pakistan đang mạo hiểm. Hy vọng rằng, hai quốc gia Nam Á sẽ tìm được điểm dừng phù hợp để tránh rơi vào xung đột.