Căng sức, đồng lòng chiến thắng thiên tai

Thái Nguyên vừa trải qua trận lũ lịch sử, nhiều xóm làng, khu dân cư, khu đô thị, vùng ven sông bị tàn phá nặng nề. Cả hệ thống chính trị cùng nhân dân Thái Nguyên đang tập trung nhân lực, vật lực để khắc phục sớm nhất những hậu quả do thiên tai để lại.

Thái Nguyên vừa trải qua trận lũ lịch sử, nhiều xóm làng, khu dân cư, khu đô thị, vùng ven sông bị tàn phá nặng nề. Cả hệ thống chính trị cùng nhân dân Thái Nguyên đang tập trung nhân lực, vật lực để khắc phục sớm nhất những hậu quả do thiên tai để lại.

Do ảnh hưởng của bão số 3 (YAGI), từ ngày 6-9 đến ngày 12-9, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to kèm dông, lốc, lũ, ngập lụt làm thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước và nhân dân.

23 giờ đêm 8-9, nước Sông Cầu đạt mức báo động 3 (mức cực kỳ nguy hiểm). Ngay trong đêm, tỉnh đã điều động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang thường trực, Dân quân tự vệ cùng nhiều phương tiện cơ giới gia cố 5 đoạn đê xung yếu (tổng chiều dài khoảng 300m) đảm bảo khả năng chống lũ; bố trí, huy động thêm lực lượng túc trực, tuần tra canh gác, theo dõi mực nước và diễn biến khu vực đắp đê gia cố. Nước lũ lên nhanh, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn thành phố Thái Nguyên lập tức bị cô lập; nước tràn vào nhà làm hư hỏng nhiều tài sản.

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, cả hệ thống chính trị của tỉnh, lực lượng Quân đội, Công an, cứu hộ, cứu nạn tỉnh Thái Nguyên nỗ lực vào cuộc không kể ngày đêm, chạy đua từng giờ để hỗ trợ, giúp đỡ người dân vùng lũ. Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân, toàn tỉnh đã tiến hành di dời khẩn cấp 25.821 hộ từ vùng lũ đến nơi an toàn, đồng thời hỗ trợ người dân di dời đồ đạc, tài sản.

Trước bão số 3 và liên tục trong những ngày mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều công điện khẩn, yêu cầu các cấp, ngành thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về ứng phó, khắc phục hậu quả mưa bão; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Nhờ đó, lương thực, thực phẩm, thuốc men cho người dân được đảm bảo, không có người nào bị thiếu chỗ ở, đói, rét hoặc các vật dụng cần thiết khác.

Đặc biệt, những ngày qua, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan liên tiếp đến thị sát tình hình, kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó lụt bão, thiên tai, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai tại Thái Nguyên.

Trong khi các cơ quan chức năng, đoàn thể của tỉnh đang nỗ lực hỗ trợ người dân khu vực bão lũ, nhiều mạnh thường quân trên khắp cả nước cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ, hướng về người dân Thái Nguyên. Các thiết bị, vật tư phục vụ công tác cứu hộ như thuyền, xuồng, đèn tích điện, áo phao... liên tục được tình nguyện viên ở nhiều nơi cung cấp để lực lượng cứu hộ có thể ứng cứu nhiều người nhất.

Suốt những ngày ngập lụt và sau lụt, không ai bảo ai, những bếp ăn miễn phí liên tục “đỏ lửa” nấu những phần cơm, cháo, bún, mỳ để gửi đến bà con vùng lụt. Hàng ngàn, hàng vạn trái tim hướng về Thái Nguyên. Tinh thần đoàn kết, tình đồng chí – đồng bào, tương thân tương ái được thắt chặt, lan tỏa mạnh mẽ… Lũ dữ qua đi, nhà cửa ngập bùn đất, đường sá hư hỏng, rác thải và tài sản nằm la liệt, ngổn ngang, cả hệ thống chính trị lại tiếp tục dồn sức khắc phục hậu quả...

Với tinh thần chủ động, chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các ngành, địa phương cũng từng phút, từng giờ có mặt tại những "điểm nóng" để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc; động viên lực lượng làm nhiệm vụ, đặc biệt là tại những điểm xung yếu; chia sẻ, chỉ đạo hỗ trợ kịp thời người dân ở những nơi bị ảnh hưởng nặng. Những cuộc họp, những cuộc kiểm tra thực tế diễn ra không kể ngày đêm… Cả hệ thống chính trị được huy động tổng lực cùng vào cuộc khắc phục hậu quả trận lũ lịch sử.

Các nhiệm vụ trọng tâm là khắc phục nhanh sự cố về giao thông, thủy lợi, ưu tiên các công trình cấp thiết; đảm bảo lương thực cho nhân dân, nhất là ở các khu vực còn bị cô lập; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ, đảm bảo đúng đối tượng, đúng chế độ. Trong đó tập trung thực hiện tốt 3 nhiệm vụ: đảm bảo nhu yếu phẩm, cung cấp nước sạch và thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng tại khu dân cư, trường học, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân.

Với phương châm “4 tại chỗ” và nguyên tắc “Tính mạng con người là trên hết”, Công an tỉnh Thái Nguyên đã chủ động triển khai ngay các nhiệm vụ cấp bách phòng, chống mưa lũ trên địa bàn toàn tỉnh.

Với tinh thần “Đâu cần thanh niên có - Việc gì khó có thanh niên”, ngay sau khi thiên tai xảy ra, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các huyện, thành đoàn và đoàn trực thuộc thành lập nhanh các nhóm thông tin tại các thôn, xóm thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook nhằm cập nhật kịp thời tình hình; cung cấp số điện thoại cứu hộ, cứu nạn tại địa phương để đoàn viên, thanh niên và người dân liên hệ trong tình huống khẩn cấp.

Các cấp bộ đoàn toàn tỉnh Thái Nguyên thành lập 310 đội hình với 9.440 đoàn viên, thanh niên tham gia cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ 1.000 hộ dân tại các điểm nóng như: Quang Vinh, Túc Duyên, Đồng Bẩm, Chùa Hang... khắc phục hậu quả mưa lũ. Đồng thời trao tặng trên 3.000 suất quà gồm các nhu yếu phẩm thiết yếu, áo phao, đèn tích điện, sạc dự phòng và tiền mặt cho nhân dân vùng lũ. Tổng kinh phí trên 800 triệu đồng.

Ở những khu vực nước rút, thanh niên tình nguyện nhanh chóng hỗ trợ người dân dọn dẹp vệ sinh đường sá, nhà cửa, phòng chống dịch bệnh.

TP. Thái Nguyên là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề từ đợt lũ lịch sử này. Toàn thành phố có tới 23 xã, phường bị ngập sâu, nhiều khu vực bị cô lập (Cụ thể: 133 xóm, tổ dân phố bị ngập lụt; 51 xóm, tổ dân phố bị cô lập, 21.785 hộ bị ngập nhà cửa, cô lập, 1.227 hộ bắt buộc phải di dời). 2 người tử vong do mưa bão và thiệt hại tài sản lên tới trên 384 tỷ đồng. Toàn thành phố đang tổng lực khắc phục hậu quả thiên tai.

Với phương châm nước rút đến đâu khắc phục ngay đến đó, từ ngày 11-9 ngay khi nước rút, các hộ phải di dời khẩn cấp do lũ đã trở về nhà. Để giúp người dân khắc phục phần nào thiệt hại, các lực lượng đã xuống cơ sở dọn dẹp cảnh quan, thu gom rác thải, vệ sinh bùn đất, sắp xếp đồ đạc, từng bước giúp bà con sớm vượt qua khó khăn, khôi phục lại đời sống sinh hoạt, sản xuất sau thiên tai. Sau 2 ngày đêm liên tục ra quân chỉnh trang, làm sạch thành phố, nhịp sống bình thường đang dần trở lại.

Dù nước lũ đã rút, nhưng một số địa phương của tỉnh Thái Nguyên vẫn ngập úng cục bộ, nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt gây khó khăn cho công tác tiếp cận khắc phục hậu quả. Hiện vẫn còn nhiều hộ dân bị mất điện, cắt nước. Toàn tỉnh vẫn còn 44 trường trên địa bàn TP. Thái Nguyên, TP. Phổ Yên, huyện Phú Bình và huyện Phú Lương phải cho học sinh nghỉ học. Các trường đang cố gắng khắc phục, đảm bảo điều kiện đón học sinh trở lại trường vào ngày 16-9.

Hiện các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và nhân dân vẫn đang dồn sức, khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão: Triển khai phương án hộ đê chống lũ, khắc phục các sự cố sạt lở ảnh hưởng đến giao thông, khôi phục hệ thống điện, nước, viễn thông, cơ sở y tế, trường học; vận hành, điều tiết các hồ chứa đảm bảo an toàn; tổ chức lực lượng vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh… bảo đảm đời sống, sinh hoạt cho người dân. Những ngày sau bão lũ, với tinh thần hiệp lực và đồng tâm, nhịp sống thường nhật đang trở lại trên mảnh đất Thái Nguyên.

TNĐT

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/multimedia/emagazine/202409/cang-suc-dong-long-chien-thang-thien-tai-da11062/
Zalo