Cảng hàng không quốc tế Cát Bi có thể đón 18 triệu khách mỗi năm
Theo quy hoạch được phê duyệt, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi tầm nhìn đến năm 2050 có thể đạt tới công suất 18 triệu hành khách/năm.
Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Cát Bi thời kỳ 2021-2030 với cấp sân bay 4E và sân bay quân sự cấp I có công suất 13 triệu hành khách cùng 250.000 tấn hàng hóa mỗi năm, tầm nhìn đến 2050, công suất được nâng lên khoảng 18 triệu hành khách và 500.000 tấn hàng hóa mỗi năm.
Theo quyết định số 864/QĐ-BGTVT ngày 10/7/2024 của Bộ Giao thông vận tải, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi có tính chất sử dụng là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.
Cụ thể, thời kỳ 2021-2030, Cảng hàng không này là sân bay cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp I với công suất khoảng 13 triệu hành khách và 250.000 tấn hàng hóa/năm. Tầm nhìn đến 2050, cấp sân bay vẫn giữ nguyên nhưng công suất được nâng lên khoảng 18 triệu hành khách và 500.000 tấn hàng hóa/năm.
Theo đó, đối với hệ thống cất hạ cánh thời kỳ 2021-2030 vẫn giữ nguyên đường cất hạ cánh hiện hữu với kích thước 3.050m x 45m, lề vật liệu rộng 7,5m, tầm nhìn đến 2050 quy hoạch đường cất hạ cánh số 2 cách tim đường cất hạ cánh hiện hữu khoảng 215m về phía Nam chiều dài khoảng 2400m, kích thước lề vật liệu theo tiêu chuẩn.
Về sân đỗ máy bay thời kỳ 2021-2030 sẽ được mở rộng sân đỗ hiện hữu đáp ứng khoảng 30 vị trí đỗ máy bay. Tầm nhìn đến 2050, sẽ mở rộng sân đỗ đáp ứng khoảng 40 vị trí đỗ máy bay và dự trữ để mở rộng khi có nhu cầu.
Bên cạnh đó, các hệ thống đài kiểm soát không lưu, hệ thống đài dẫn đường, hệ thống đèn hiệu sân bay thiết bị dẫn đường thời kỳ 2021-2030 tiếp tục duy trì hệ thống hiện hữu. Tầm nhìn đến năm 2050 quy hoạch đài kiểm soát không lưu mới tại vị trí phía Bắc của cảng diện tích 1,8ha, quy hoạch đài dẫn đường tại vị trí dự kiến nằm giữa 2 đường cất hạ cánh diện tích 1.000m2, quy hoạch hệ thống hệ thống đèn tiếp cận chính xác CAT II đầu 07 cho 2 đường cất hạ cánh, quy hoạch ILS đồng bộ với hệ thống đèn tiếp cận.
Riêng hệ thống đường lăn thời kỳ 2021-2030, quy hoạch đường lăn song song nằm giữa đường cất hạ cánh hiện hữu và sân đỗ máy bay, cách tim đường cất hạ cánh hiện hữu khoảng 200m về phía Bắc, chiều dài khoảng 3.050m và quy hoạch 2 đường lăn thoát nhanh, 3 đường lăn nối từ đường cất hạ cánh hiện hữu vào đường lăn song song. Tầm nhìn đến 2050, quy hoạch đường lăn song song cách tim đường cất hạ cánh số 2 khoảng 180m về phía Nam, chiều dài khoảng 2400m và quy hoạch bổ sung đường lăn nối 2 đường cất hạ cánh và từ đường cất hạ cánh số 2 vào đường lăn song song mới.
Về quy hoạch sử dụng đất theo quyết định này, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi có nhu cầu sử dụng khoảng hơn 490ha, gồm diện tích đất dùng chung hơn 244ha, diện tích đất do dân dụng quản lý hơn 166ha, diện tích đất do quân sự quản lý hơn 79ha. Trong đó, diện tích đất đề nghị địa phương chuyển giao khoảng 2,59ha.
Cảng hàng không quốc tế Cát Bi mở rộng nhà ga hành khách, nâng tổng công suất đạt 18 triệu hành khách mỗi năm
Theo đó, thời kỳ 2021-2030 tiếp tục duy trì quy hoạch nhà ga hành khách T1 hiện hữu và quy hoạch nhà ga hành khách T2 mới tại khu vực phía Đông nhà ga hành khách hiện hữu, đưa tổng công suất nhà ga hành khách T1 và T2 đạt khoảng 13 triệu hành khách mỗi năm. Tầm nhìn đến 2050, mở rộng nhà ga hành khách, nâng tổng công suất đạt 18 triệu hành khách mỗi năm.
Cũng tại thời kỳ 2021-2030, quy hoạch nhà ga hàng hóa công suất 100.000 tấn/năm tại vị trí phía Tây nhà ga hành khách T1 hiện hữu, có khả năng mở rộng đáp ứng công suất khoảng 250.000 tấn/năm, diện tích khoảng 2,35ha. Tầm nhìn đến 2050, sẽ quy hoạch nhà ga hàng hóa tại khu vực phía Nam của cảng cho nhu cầu khai thác đến năm 2050, dự phòng nhu cầu phát triển đáp ứng công suất đến 500.000 tấn/năm diện tích khoảng 8ha.
Đối với hệ thống sân đỗ ô tô, nếu thời kỳ 2021-2030 vẫn duy trì sân đỗ ô tô trước nhà ga hành khách T1 hiện hữu, quy hoạch sân đỗ ô tô đồng bộ phía trước nhà ga hành khách T2 diện tích khoảng 2ha thì tầm nhìn đến 2052 sẽ mở rộng hệ thống sân đỗ ô tô trước khu vực nhà ga hành khách với diện tích khoảng 6ha.
Về đường trục vào cảng hàng không này, tiếp tục sử dụng đường Lê Hồng Phong là đường trục chính kết nối khu vực phía Bắc với cảng hàng không, quy hoạch mới tuyến đường nối từ đường Bùi Viện sang đường Ngô Gia Tự. Ngoài ra còn quy hoạch bổ sung tuyến đường trục kết nối khu vực phía Nam của cảng với tuyến đường vành đai 3 của Hải Phòng.
Riêng cơ sở tập kết, sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không, trong đó, bãi tập kết phương tiện, trang thiết bị phục vụ mặt đất thời kỳ 2021-2030 quy hoạch tiếp giáp sân đỗ tàu bay ở 2 phía Đông và Tây nhà ga hành khách với diện tích khoảng 2ha. Tầm nhìn đến 2050 tiếp tục mở rộng bãi tập kết đã quy hoạch cho thời kỳ trước, quy hoạch bổ sung 1 vị trí tiếp giáp sân đỗ hàng hóa ở khu vực phía Nam với diện tích khoảng 3,5ha.
Tại thời kỳ 2021-2030, cơ sở sửa chữa bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không được quy hoạch cùng vị trí bãi tập kết phương tiện, trang thiết bị phục vụ mặt đất khu vực phía Tây nhà ga hành khách T1 hiện hữu. Tầm nhìn đến 2050 quy hoạch tại khu vực phía Tây và phía Đông nhà ga hành khách T2 với diện tích khoảng 1ha.
Đồng thời, cơ sở cung cấp xăng dầu hàng không ở thời kỳ này quy hoạch trạm cung cấp nhiên liệu tàu bay tại vị trí phía Tây Bắc của cảng với dung tích khoảng 12.000m3 diện tích 2,5ha, tầm nhìn đến năm 2050 tiếp tục duy trì vị trí được quy hoạch và có thể mở rộng dung tích khi có nhu cầu.
Tại phía Bắc của cảng trên khu đất khoảng 4500m2 quy hoạch cơ sở cung cấp suất ăn hàng không. Khu vực phía Nam của cảng cho tầm nhìn đến năm 2050 là công trình dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay diện tích khoảng 3,5ha.
Ngoài ra, nhà điều hành Cảng hàng không quốc tế Cát Bi được quy hoạch trên khu đất rộng 2,2ha, văn phòng các hãng hàng không quy hoạch trên khu đất có diện tích khoảng 8.000m2; trụ sở Cảng vụ hàng không, hải quan và công an xuất nhập cảnh, mỗi cơ quan khoảng rộng 4.500m2; trụ sở công an địa phương, trung tâm y tế, trung tâm kiểm dịch động thực vật mỗi cơ quan khoảng 4.000m2.