Cần xây dựng chương trình nghiên cứu thiết bị điện hạt nhân

Viện Nghiên cứu Cơ khí đề nghị xây dựng chương trình nghiên cứu phát triển thiết kế chế tạo trong nước thiết bị nhà máy điện hạt nhân do Bộ Công Thương chủ trì.

Sớm đầu tư phát triển nguồn nhân lực

Chia sẻ tại hội nghị phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chương trình điện hạt nhân ngày 2/1, Tiến sĩ Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME) cho biết, thực hiện chương trình phát triển điện hạt nhân của Chính phủ, được sự phân công của Bộ Công Thương, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã sớm đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho chương trình này.

Tiến sĩ Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí phát biểu tại hội nghị

Tiến sĩ Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí phát biểu tại hội nghị

Cụ thể, từ năm 2011 đến nay Viện đã cử 14 kỹ sư có trình độ chuyên môn, ngoại ngữ tốt tham gia chương trình đào tạo thạc sĩ về điện hạt nhân tại Trường KEPCO International Nuclear Graduate School (KINGS) của Hàn Quốc. Các thạc sĩ tốt nghiệp từ KINGS đã phát huy tốt năng lực chuyên môn, ngoại ngữ, quản lý dự án các công trình công nghiệp. 3 trong số thạc sĩ tốt nghiệp KINGS đã được bổ nhiệm làm lãnh đạo các Trung tâm chuyên môn, phụ trách nhiều dự án lớn của Viện.

Ngoài các thạc sĩ tốt nghiệp từ trường KINGS, Viện còn có rất nhiều kỹ sư, thạc sĩ có chuyên môn, ngoại ngữ tốt sẵn sàng tham gia chương trình phát triển điện hạt nhân của Chính phủ. NARIME đã cử nhiều kỹ sư, nhà khoa học tham gia thực hiện các công việc phục vụ chương trình phát triển điện hạt nhân ở trong nước.

Cụ thể, giai đoạn 2006 - 2008 Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME) và Tổng Công ty Thủy điện và Điện hạt nhân Hàn Quốc (KHNP) phối hợp nghiên cứu khả năng nội địa hóa thiết bị nhà máy điện hạt nhân theo Bản ghi nhớ ngày 18/11/2006 giữa Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) và Bộ Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng Hàn Quốc (nay là Bộ Kinh tế tri thức).

Giai đoạn 2010-2012, Viện đã cử nhiều nhân lực phối hợp với các doanh nghiệp Nhật Bản và LILAMA tiến hành khảo sát, nghiên cứu nội địa hóa thiết bị nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam, đặc biệt cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Đáng chú ý, ngày 27/8/2012, Bộ Công Thương ban hành Văn bản số 7984/BCT-TCNL giao nhiệm vụ cho NARIME lập Đề án về phát triển công nghiệp điện hạt nhân bao gồm những nội dung chính sau: Mô hình tổ chức, thực hiện; xác định năng lực của các đơn vị tư vấn, các ngành công nghiệp trong nước có thể tham gia vào việc thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận - lộ trình nâng dần tỷ lệ của các doanh nghiệp trong nước tham gia vào việc thực hiện dự án điện hạt nhân; đề xuất cơ chế thực hiện. NARIME đã lập đề án và trình Bộ Công Thương.

Giai đoạn 2013-2014, NARIME cử các kỹ sư, nhà khoa học tham gia thực hiện đề tài “Nghiên cứu lò phản ứng công suất nhỏ không phải thay nhiên liệu tại chỗ FBNR (Fixed Bed Nuclear Reactor) và khả năng phát triển - xây dựng tại Việt Nam” thuộc Chương trình KC.05/11-15 do Trường Đại học Điện lực chủ trì thực hiện.

Tiến tới nội địa hóa thiết bị nhà máy điện hạt nhân

Năm 2013, NARIME ký hợp đồng với Viện Năng lượng thực hiện công tác “Nghiên cứu đánh giá khả năng tham gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân của các đơn vị trong nước”. NARIME chịu trách nhiệm: Nghiên cứu và báo cáo về khả năng chế tạo và cung cấp thiết bị cơ điện, khả năng lắp đặt thiết bị, khả năng cung cấp vật tư xây dựng, khả năng xây dựng và vận chuyên giao nhận vật tư thiết bị của các tổ chức trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam cho dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1.

Hội nghị “Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chương trình điện hạt nhân”

Hội nghị “Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chương trình điện hạt nhân”

Theo các tài liệu chúng tôi nghiên cứu với các đối tác nước ngoài và trong nước, Việt Nam có thể nội địa hóa ít nhất 30% giá trị bao gồm cả phần xây dựng cho nhà máy điện hạt nhân” - Tiến sĩ Phan Đăng Phong nói.

Trên cơ sở nguồn nhân lực và kinh nghiệm tham gia chương trình phát triển điện hạt nhân kể trên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí nêu 3 kiến nghị với Bộ Công Thương.

Thứ nhất, Bộ Công Thương cần xây dựng một chương trình nghiên cứu phát triển thiết bị điện hạt nhân, bao gồm một chùm đề tài, dự án khoa học và công nghệ. Khi thực hiện từng đề tài đó thành công, chúng ta sẽ tiến tới việc hoàn thành quá trình nội địa hóa nhà máy điện hạt nhân.

Thứ hai, tạo điều kiện cho Viện tiếp tục tham gia các đề tài, chương trình, nhiệm vụ xây dựng cơ chế chính sách để phát triển điện hạt nhân trong thời gian tới nhằm nội địa hóa thiết bị nhà máy điện hạt nhân.

Thứ ba, tạo điều kiện cho các kỹ sư, thạc sĩ… của Viện tham gia các chương trình đào tạo nguồn nhân lực do Bộ Công Thương, quốc gia và quốc tế tổ chức để nâng cao trình độ nguồn nhân lực, sẵn sàng tham gia công tác nội địa hóa, bảo dưỡng, sữa chữa thiết bị nhà máy điện hạt nhân.

Tiến sĩ Phan Đăng Phong cho rằng, nguồn nhân lực có vai trò then chốt cho sự thành công của chương trình phát triển điện hạt nhân quốc gia. Do đó, việc phát triển nguồn nhân lực điện hạt nhân đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng rất cần thiết. “Các trường cần tăng cường bắt tay hợp tác, liên kết trong đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các dự án điện hạt nhân” - Tiến sĩ Phong nói.

Tính đến thời điểm hiện tại, các nhà máy điện hạt nhân trên toàn thế giới cung cấp khoảng 375.320 MW. Các quốc gia vẫn không ngừng xây dựng và phát triển nguồn năng lượng này theo các công nghệ mới, hiện đại, đảm bảo an ninh, an toàn ở mức độ cao nhất.

Ngày 31/11/2024, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết là Quốc hội đã đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sau 8 năm tạm dừng (11/2016). Với việc tiếp tục thực hiện dự án, Việt Nam đang ghi tên mình vào bản đồ điện hạt nhân của thế giới.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-xay-dung-chuong-trinh-nghien-cuu-thiet-bi-dien-hat-nhan-367615.html
Zalo