Cần xác định trường hợp cắt điện, nước công trình vi phạm
Ngày mai, 19/11, HĐND thành phố Hà Nội tổ chức kỳ họp thứ 19 (kỳ họp chuyên đề) để xem xét, ban hành các nội dung triển khai, thi hành Luật Thủ đô năm 2024 và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố. Trong đó, có quy định áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước (thực hiện khoản 2, khoản 3 Điều 33 của Luật Thủ đô 2024).
Dự kiến, HĐND Thành phố sẽ xem xét, thông qua 16 nghị quyết quy phạm pháp luật và nghị quyết cá biệt, trong đó nhiều nghị quyết quan trọng, như: Quy định tiêu chí thành lập, tổ chức các ban của HĐND quận, thị xã, thành phố trực thuộc thành phố; Danh hiệu công dân danh dự Thủ đô; Thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố và thuộc UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc thành phố; Quy định việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước trên địa bàn thành phố Hà Nội…
Kỳ họp chuyên đề được HĐND Thành phố Hà Nội tổ chức là sự chủ động, kịp thời của HĐND, UBND thành phố trong triển khai Luật Thủ đô, đảm bảo Luật sớm đi vào cuộc sống. Quy định áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước khi xử lý cơ sở sản xuất, kinh doanh hay công trình vi phạm đang nhận được nhiều quan điểm đồng tình, đồng thời đề nghị xác định rõ các trường hợp áp dụng.
Công trình xây dựng không đúng với nội dung cấp phép, theo quy định, sẽ phải lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, thời gian khắc phục là 30 ngày. Tuy nhiên hiện nay, lực lượng chức năng đang khá mỏng trong khi vi phạm thường xảy ra vào ban đêm.
Khoản 2, Điều 33, Luật Thủ đô quy định: Trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước. Quy định này được cho là gỡ nhiều nút thắt trong xử lý vi phạm của cơ quan có thẩm quyền.
Đồng tình với chủ trương và cho rằng điều này là cần thiết nhằm đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương, KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh cụm từ: trong trường hợp thật cần thiết. Theo ông, việc cần làm là phải khoanh vùng, xác định rõ đối tượng áp dụng. Đồng thời, dự thảo nghị quyết phải quy định rất rõ, nhất là với những sai phạm mang tính chuyên môn cao như sai phạm về quy hoạch.
KTS. Đào Ngọc Nghiêm cho biết: "Sai quy hoạch về xây dựng thì dễ nhận ra, còn nội dung khác như sai chức năng thì rất khó nhận diện. Do vậy, phải cụ thể hóa rất rõ. Hơn nữa, trong dự thảo lần này, định hướng phân quyền như vậy là rất mạnh mẽ và đúng định hướng. Tuy nhiên thẩm quyền được làm đến đâu thì phải nghiên cứu kỹ".
Hiện nay, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận chủ đầu tư, người dân còn hạn chế, cho thấy sự cần thiết phải ban hành quy định về phân quyền cắt điện, nước. Khi đã xác định rõ ràng đối tượng, phạm vi vi phạm, biện pháp mạnh này được kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả, tháo gỡ nhiều vướng mắc phát sinh trong quản lý trật tự xây dựng hiện nay.