Cần ưu tiên phục hồi môi trường sống tự nhiên cho chim nước di cư

Theo ThS. Nguyễn Hoài Bảo, để bảo vệ một số loài chim nước di cư, chúng ta cần ưu tiên các hoạt động phục hồi môi trường sống cho chim nước, đặc biệt tại các vùng đất ngập nước trọng yếu như rừng ngập mặn, bãi bồi ven biển và đầm lầy nội địa.

Sáng 20/12, tại Hà Nội, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học tổ chức Hội thảo tham vấn Chương trình bảo vệ một số loài chim nước nguy cấp, quý hiếm và hướng dẫn kỹ thuật quản lý, bảo vệ các vùng chim nước di cư quan trọng với mục tiêu bảo tồn, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Phan Việt Nga - Phó cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cho biết, Việt Nam được đánh giá là một trong những khu vực quan trọng trong mạng lưới các tuyến đường bay của chim di cư và các loài chim đặc hữu, với 63 vùng chim quan trọng toàn cầu và 7 vùng chim đặc hữu. Các vùng chim hoang dã, di cư đã tạo nên các giá trị thiên nhiên quan trọng, góp phần bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch và xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam.

Bà Phan Việt Nga phát biểu khai mạc hội thảo (Ảnh: ĐK)

Bà Phan Việt Nga phát biểu khai mạc hội thảo (Ảnh: ĐK)

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và các ngành, các cấp đã ban hành nhiều văn bản nhằm thúc đẩy công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư cũng như các vùng chim quan trọng. Điển hình là Luật Đa dạng sinh học năm 2008, Luật Lâm nghiệp năm 2017, và đặc biệt là Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo bà Phan Việt Nga, tình trạng săn bắt, tiêu thụ các loài chim hoang dã vẫn đang diễn ra nghiêm trọng tại nhiều địa phương, ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học, môi trường, tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh cho con người và sinh vật.

Với mục tiêu bảo tồn, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư... hội thảo mong muốn tiếp thu và đón nhận các ý kiến quý báu từ các chuyên gia, nhà quản lý... để hoàn thiện các tài liệu nhằm đảm bảo tính khả thi, hỗ trợ hiệu quả các địa phương, Ban quản lý các khu bảo tồn trong công tác bảo tồn, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư.

Tham luận tại hội thảo, ThS. Nguyễn Hoài Bảo, giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM), Giám đốc Công ty Du lịch hoang dã (Wildtour) cho biết, Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong hành lang bay Đông Á - Australasia (EAAF), nơi hỗ trợ hơn 50 triệu cá thể chim nước di cư. Các vùng đất ngập nước ở Việt Nam đóng vai trò thiết yếu, cung cấp nơi dừng chân, kiếm ăn và trú đông cho nhiều loài chim nước, đặc biệt là các loài di cư đường dài. Việt Nam hiện là nơi cư trú của hơn 160 loài chim nước, trong đó có 38 loài bị đe dọa toàn cầu với các mức độ khác nhau như cực kỳ nguy cấp (CR), nguy cấp (EN), và sắp bị đe dọa (NT).

ThS. Nguyễn Hoài Bảo đề xuất cần ưu tiên phục hồi môi trường sống tự nhiên cho chim nước di cư. (Ảnh: ĐK)

ThS. Nguyễn Hoài Bảo đề xuất cần ưu tiên phục hồi môi trường sống tự nhiên cho chim nước di cư. (Ảnh: ĐK)

Cũng theo ThS. Nguyễn Hoài Bảo, nhờ có đường bờ biển dài hơn 3.260 km cùng các hệ sinh thái đất ngập nước phong phú, Việt Nam không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn các loài chim nước mà còn mang ý nghĩa quan trọng đối với sự cân bằng sinh thái trong hành lang EAAF. Điều này nhấn mạnh nhu cầu cải thiện quản lý và bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng này để duy trì vai trò then chốt của Việt Nam đối với sự sống còn của các loài chim nước di cư.

Trong bối cảnh hiện nay, các loài chim nước nguy cấp, quý hiếm tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa nghiêm trọng. Theo ông Bảo, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm quần thể chim nước di cư là sự mất mát và suy thoái nghiêm trọng nơi trú ẩn của chúng.

Tại các vùng đất ngập nước quan trọng như Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và Đồng bằng sông Hồng, diện tích đất ngập nước đã giảm đáng kể do chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Cụ thể, từ năm 1990 đến năm 2019, phần lớn đất ngập nước đã biến thành đất nông nghiệp, khu vực thủy sản và đô thị, gây mất cân đối sinh thái nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường cũng là một yếu tố làm suy giảm đáng kể sức khỏe và nguồn thức ăn của chim nước. Các hóa chất độc hại từ nông nghiệp, công nghiệp và nước thải sinh hoạt đã ảnh hưởng trực tiếp đến chim nước, dẫn đến nguy cơ tắc nghẽn tiêu hóa hoặc tử vong.

Vấn đề săn bắt và buôn bán chim di cư trái phép cũng là một thách thức lớn. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, việc sử dụng lưới sương mù, bẫy thòng lọng và các công cụ săn bắt hiện đại để bắt và bán hàng loạt các loài chim di cư đang diễn ra phổ biến. Điều này đe dọa trực tiếp đến các loài chim di cư, kể cả những loài bị đe dọa toàn cầu.

Cuối cùng, biến đổi khí hậu cũng góp phần làm tăng nguy cơ mất môi trường sống cho chim nước. Mực nước biển dâng đã làm mất đi các bãi bồi và rừng ngập mặn quan trọng, trong khi điều kiện thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến hành trình di cư của nhiều loài.

Ông Hoàng Văn Thắng, thiếu tài chính và nhân lực là một trở ngại lớn trong việc bảo vệ chim di cư tại Việt Nam. (Ảnh: ĐK)

Ông Hoàng Văn Thắng, thiếu tài chính và nhân lực là một trở ngại lớn trong việc bảo vệ chim di cư tại Việt Nam. (Ảnh: ĐK)

Đánh giá về thực trạng bảo vệ các loài chim di cư tại Việt Nam thời gian qua, ông Hoàng Văn Thắng - Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, trong những năm gần đây, vấn đề bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên đã trở thành một mối quan tâm lớn của toàn xã hội. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các chính sách và pháp luật liên quan đến lĩnh vực này vẫn gặp không ít khó khăn và thách thức. Một trong những vấn đề cơ bản là sự mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật. Cụ thể, Luật Lâm nghiệp và Luật Đa dạng sinh học có một số điểm chồng chéo và thậm chí mâu thuẫn với nhau. Trong khi Luật Lâm nghiệp nhấn mạnh vào việc bảo vệ và phát triển rừng, thì Luật Đa dạng sinh học lại đặt trọng tâm vào bảo tồn các hệ sinh thái. Điều này dẫn đến sự thiếu đồng bộ trong quá trình triển khai và thực thi các chính sách liên quan.

Một vấn đề khác là cách tiếp cận quản lý tài nguyên thiên nhiên còn chưa đủ toàn diện. Một số chính sách và dự án đề ra chưa thực sự phù hợp với thực tế và nhu cầu của địa phương. Ví dụ, một số khu du lịch sinh thái được xây dựng nhưng chưa thực sự gắn kết với việc bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái. Thay vào đó, họ chỉ tập trung vào việc khai thác tài nguyên để phục vụ du lịch, mà chưa chú trọng đủ đến việc tái đầu tư một phần lợi nhuận vào các hoạt động bảo tồn.

Bên cạnh đó, vấn đề thiếu nguồn lực, cả về tài chính và nhân lực, cũng là một trở ngại lớn. Nhiều địa phương thiếu kinh phí để triển khai các chương trình bảo vệ và phát triển tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả. Việc huy động và sử dụng nguồn lực cũng chưa được quản lý một cách chặt chẽ và minh bạch, ông Thắng chia sẻ.

Để khắc phục những hạn chế trên, theo ông Thắng, cần có sự điều chỉnh và đồng bộ hóa các quy định pháp luật liên quan. Đồng thời, cách tiếp cận quản lý tài nguyên thiên nhiên cần được cải thiện, với sự tham gia và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức và cộng đồng địa phương. Bên cạnh đó, việc đầu tư đủ nguồn lực và nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên cũng là một yêu cầu cần thiết.

Ông Đặng Vũ Hoài Nam. (Ảnh: ĐK)

Ông Đặng Vũ Hoài Nam. (Ảnh: ĐK)

Chia sẻ với phóng viên PetroTimes tại hội thảo, ông Đặng Vũ Hoài Nam - nghiên cứu viên tại Trường Đại học Copenhagen (Đan Mạnh) cho biết, bên cạnh việc bảo tồn chim di cư thì vấn đề quản lý việc săn bắn, tiêu thụ chim di cư nên được các cơ quan, tổ chức quan tâm hơn nữa, vì chim di cư mang và phát tán nhiều mầm bệnh.

"Việt Nam cần nghiên cứu sâu hơn về mối liên hệ giữa quản lý, buôn bán chim và khả năng lây lan dịch bệnh. Các loài chim di cư có thể là nguồn lây lan mầm bệnh, do đó việc quản lý hoạt động này là rất quan trọng, cần có thêm các biện pháp cụ thể để ngăn chặn hoạt động buôn bán, tiêu thụ chim bất hợp pháp và quản lý dịch bệnh liên quan. Tại Việt Nam, hiện chưa có nhiều tổ chức tập trung vào các hoạt động như phòng ngừa, quản lý dịch bệnh, cấp cứu chim... Đây là những lĩnh vực rất quan trọng và cần được đưa vào trong chương trình bảo tồn", ông Đặng Vũ Hoài Nam nhấn mạnh.

Để nâng cao vai trò của Việt Nam trong việc bảo vệ các loài chim di cư, ThS. Nguyễn Hoài Bảo đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Phạm vi thực hiện bao gồm tất cả các loài chim nước, đặc biệt chú trọng đến các khu vực đất ngập nước trọng yếu trên cả nước, trong giai đoạn 2025-2035.

Các hành động ưu tiên bao gồm: giám sát và nghiên cứu về số lượng và môi trường sống của các loài chim; bảo vệ và phục hồi môi trường sống như đất ngập nước và rừng ngập mặn; tăng cường quản lý và thực thi pháp luật về săn bắt và buôn bán chim trái phép; triển khai các hoạt động giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Về giải pháp thực hiện, ông Bảo nêu các giải pháp kỹ thuật như: ứng dụng công nghệ GIS, viễn thám và thiết bị định vị. Nguồn lực tài chính sẽ được huy động từ ngân sách nhà nước, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp. Đồng thời, các giải pháp cộng đồng như hỗ trợ sinh kế bền vững và thành lập nhóm bảo tồn tại địa phương.

Trong giai đoạn 2025-2027, chương trình sẽ được khởi động, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, tiến hành phục hồi đất ngập nước, và thiết lập hệ thống giám sát và quản lý. Các giai đoạn tiếp theo sẽ triển khai đồng bộ các hoạt động để bảo vệ và phát triển bền vững các loài chim di cư quý giá của Việt Nam.

Đình Khương

Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/can-uu-tien-phuc-hoi-moi-truong-song-tu-nhien-cho-chim-nuoc-di-cu-722249.html
Zalo