Cần ưu đãi thuế cho cơ quan báo chí

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, xét tới vai trò đặc biệt và trong bối cảnh khó khăn của báo chí hiện nay, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) cần giảm mức thuế thu nhập của cơ quan báo điện tử, truyền hình và phát thanh từ 20% xuống 10% thay vì 15% như dự thảo luật.

Theo dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Chính phủ đề xuất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo điện tử, truyền hình, phát thanh từ 20% về mức 15%. Riêng báo in vẫn tiếp tục áp dụng mức thuế ưu đãi 10% như quy định hiện hành. Tuy nhiên, trong phiên thảo luận ở hội trường sáng nay (28/11) về dự thảo luật này, nhiều đại biểu cho rằng mức giảm 5% chưa phù hợp do đa số cơ quan báo chí đang gặp khó khăn về doanh thu, đặc biệt lại bị cạnh tranh gay gắt từ các nền tảng số như Google, Facebook, YouTube về nguồn thu từ quảng cáo.

Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng, cần áp dụng mức thuế 10% cho tất cả các cơ quan báo chí hoặc có thể thấp hơn với phần thu nhập từ hoạt động ngoài nhiệm vụ chính trị như quảng cáo, tổ chức sự kiện. Đối với các khoản tài trợ, viện trợ cho cơ quan báo chí để tạo nguồn lực hỗ trợ cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng cần miễn thuế thu nhập. "Cần tách biệt rõ ràng giữa thu nhập từ hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị được miễn thuế và thu nhập từ các hoạt động kinh doanh hưởng ưu đãi thuế suất thấp", đại biểu Bình đề nghị và cho rằng cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các cơ quan báo chí địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, khả năng tự chủ tài chính thấp hoặc rất thấp.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng hiện nay các cơ quan báo chí không chỉ phải cạnh tranh với nhau mà còn phải cạnh tranh về quảng cáo với các nền tảng số nên rất khó khăn về nguồn thu. "Tôi đề nghị báo chí nằm trong diện doanh nghiệp vừa và nhỏ để được hưởng chế độ ưu đãi về thuế", ông Hòa nói.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Trong khi đó, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên, nêu thực tế, báo chí phải thực hiện nhiệm vụ chính trị và có vai trò định hướng dư luận xã hội hết sức quan trọng, song đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Do đó, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 10% sẽ hỗ trợ cơ quan báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị.

"Không chỉ giảm thuế xuống 10% với tất cả loại hình báo chí mà còn có thể nghiên cứu có thể giảm xuống 5%", đại biểu Nghĩa nói. Theo ông, việc giảm thuế giúp báo chí đầu tư cho chất lượng, cả cơ quan báo chí và công chúng đều hưởng lợi, được tiếp cận với giá trị văn hóa chất lượng cao. Báo chí sẽ có nguồn lực, góp phần định hướng giá trị thông tin xứng tầm vị thế của đất nước.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.

Đồng tình phải miễn giảm thuế hơn nữa cho cơ quan báo chí, đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình nói rất chia sẻ với khó khăn của các cơ quan báo chí. "Ngay cả truyền hình như cách đây mấy hôm, chúng ta có thảo luận là cứ đang xem phim, cái chỗ hay nhất thì quảng cáo. Nhưng không có cách nào khác, vì tôi theo dõi và rất chia sẻ cái chuyện này, bởi nếu không làm như vậy thì doanh nghiệp sẽ đưa quảng cáo cho nền tảng khác", ông Thân nói.

Các đại biểu cũng đề xuất xây dựng cơ chế kê khai thuế đơn giản, ưu tiên hỗ trợ các cơ quan báo chí trong việc xác định thu nhập chịu thuế và áp dụng các ưu đãi. Đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kê khai, giải quyết đóng thuế để giảm gánh nặng hành chính cho cơ quan báo chí. Việc xem xét giảm thuế theo các đại biểu sẽ là sự động viên mạnh mẽ các cơ quan báo chí, tăng giá trị văn hóa cũng như tăng nhiệt huyết, tình yêu nghề của người làm báo để đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.

Đỗ Bắc

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/can-uu-dai-thue-cho-co-quan-bao-chi-283897.htm
Zalo