Cần ưu đãi đất đai, miễn giảm thuế, hỗ trợ tín dụng để thu hút nhà đầu tư vào GD

Theo đề xuất của Bộ, cần tăng cường xã hội hóa giáo dục để giảm tải áp lực lên ngân sách nhà nước trong thực hiện kiên cố hóa trường, lớp.

Vừa qua, đoàn của Trung tâm Truyền thông và Sự kiện (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và một số phóng viên đã có buổi khảo sát việc thực hiện kiên cố hóa trường học tại tỉnh Yên Bái.

Theo đó, đoàn đã ghé thăm 2 điểm trường bao gồm Trường mầm non xã Đại Đồng (huyện Yên Bình) và Trường Tiểu học Nghĩa Tâm (huyện Văn Chấn).

Đón tiếp đoàn khảo sát tại mỗi điểm có đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo, đại diện Ủy ban Nhân dân xã và các thầy, cô giáo tại các điểm trường.

Mong muốn phong trào kiên cố hóa được đồng bộ toàn huyện

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Minh Đức - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) cho biết: Hiện nay, trên địa bàn toàn huyện có 66 cơ sở giáo dục công lập bao gồm 61 đơn vị trường trực thuộc huyện, 4 trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, 1 trường trung học phổ thông trực thuộc Sở và 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Cho đến thời điểm hiện tại, các đơn vị trên địa bàn huyện Văn Chấn đã cơ bản đảm bảo các điều kiện chung về phòng học, đáp ứng các tiêu chí, điều kiện trong việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cũng như Chương trình Giáo dục mầm non.

 Ông Nguyễn Minh Đức - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái). Ảnh: Đào Hiền

Ông Nguyễn Minh Đức - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái). Ảnh: Đào Hiền

Theo chia sẻ từ ông Nguyễn Minh Đức, giai đoạn 2020 - 2024, huyện Văn Chấn có 76 dự án xây dựng trường, lớp học từ ngân sách Nhà nước, tổng kinh phí cho các dự án này là 298 tỷ đồng.

Đối với các công trình từ nguồn xã hội hóa, huyện có 22 công trình, nguồn kinh phí là 14 tỷ 750 triệu đồng.

“Những dự án kiên cố hóa trường học đã mang lại nhiều tích cực trong việc nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn huyện Văn Chấn.

Giai đoạn 2025 - 2030, theo kế hoạch đầu tư trung hạn, Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng đang trình Ủy ban nhân dân huyện về kế hoạch đầu tư cho 32 dự án với tổng kinh phí là 178,9 tỷ đồng.

Ngoài 2 nguồn chính là “chương trình xây dựng nông thôn mới” và "dự án phát triển vùng đồng bằng dân tộc thiểu số, miền núi" thì sẽ kết hợp thêm nguồn kinh phí hỗ trợ từ tỉnh cũng như vốn đối ứng của huyện.

Đồng thời, toàn huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp để hỗ trợ xây dựng thêm các phòng học, phòng chức năng và công trình phụ trợ cho các đơn vị trường.

Ở một số điểm trường lẻ trên địa bàn huyện, chúng tôi rất mong thời gian tới sẽ nhận được sự quan tâm, đầu tư từ các đơn vị để phong trào kiên cố hóa trường, lớp học sẽ được đồng bộ trên toàn huyện”, ông Nguyễn Minh Đức thông tin.

Theo báo cáo thực trạng và công tác xã hội hóa về đầu tư xây dựng và kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013 - 2023 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái cho thấy, trong những năm qua, giáo dục phổ thông tỉnh Yên Bái đã có những chuyển biến tích cực như quy mô, mạng lưới trường, lớp được sắp xếp phù hợp với từng địa phương.

Cụ thể, chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, giáo dục dân tộc được giữ vững và từng bước nâng lên. Tỷ lệ huy động học sinh ra lớp tăng, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm, góp phần duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ một cách bền vững.

Bên cạnh đó, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia tăng nhanh; đội ngũ công chức, viên chức được sắp xếp hợp lý, tinh gọn, hiệu quả; cơ sở vật chất trường học tiếp tục được quan tâm đầu tư theo hướng hiệu quả và từng bước hiện đại, đáp ứng được yêu cầu đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp dạy học.

Công tác xã hội hóa, khuyến học, khuyến tài đạt nhiều kết quả. Công tác xây dựng xã hội học tập cũng được quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Theo thống kê, năm 2013 toàn tỉnh Yên Bái có 6.069 phòng học các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trong đó số phòng học kiên cố là 4.115 phòng (đạt tỷ lệ kiên cố là 68%). Đến năm 2023, cả tỉnh có 6.871 phòng học các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trong đó số phòng học kiên cố 6.026 phòng (đạt tỷ lệ kiên cố là 87,7%).

 Bảng tổng hợp số liệu theo báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái. Thực hiện: Đào Hiền

Bảng tổng hợp số liệu theo báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái. Thực hiện: Đào Hiền

Chia sẻ về kinh nghiệm và giải pháp huy động xã hội hóa, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái cho biết đã huy động các nguồn vốn từ các nguồn đóng góp, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Theo đó, Sở đã lồng ghép nguồn vốn để thực hiện các dự án đầu tư, hoạt động, nội dung có cùng mục tiêu và trên cùng một địa bàn cấp xã, cấp huyện để bảo đảm không làm thay đổi các mục tiêu, nhiệm vụ của từng dự án.

Bên cạnh đó chú trọng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, lãng phí trong sử dụng vốn. Phân công, phân cấp rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp trong thực hiện lồng ghép các nguồn vốn.

Ngoài ra, để công tác xã hội hóa phát huy một cách hiệu quả nhất, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần nhận thức được vị trí, tầm quan trọng của giáo dục. Qua đó có sự quan tâm cao và đầu tư đúng mức, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các trường hoạt động.

Quá trình thực hiện cần xây dựng kế hoạch theo từng giai đoạn, phân công trách nhiệm cho từng bộ phận theo đúng chức năng, quyền hạn, có sự kiểm tra, giám sát, đảm bảo đúng tiến độ và đạt hiệu quả. Mặt khác cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.

Theo dự thảo báo cáo tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013 - 2023, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới (tính đến ngày 18/10/2024) của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu: Trong 10 năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Chương trình, Đề án để hỗ trợ các địa phương khó khăn tăng cường cơ sở vật chất.

Chẳng hạn như Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 - 2012 (với tổng kinh phí ước thực hiện khoảng 34.888,426 tỷ đồng); Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014 - 2015 và lộ trình đến 2020 (với tổng kinh phí ước thực hiện là 2.000 tỷ đồng); Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020; Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình Giáo dục mầm non và Giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025,...

Bên cạnh sự nỗ lực của nhà nước, nguồn huy động xã hội hóa cũng đóng vai trò rất lớn trong việc đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất trường lớp học. Tính riêng Đề án kiên cố hóa trường lớp học qua các giai đoạn từ 2008-2012 và Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, nguồn xã hội hóa để hỗ trợ thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học vào khoảng 4.200 tỷ đồng, tương đương gần 7.000 phòng học.

Các địa phương đã quan tâm tăng cường cơ sở vật chất theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và từng bước hiện đại hóa, xóa bỏ các phòng học 3 ca, phòng học xuống cấp, phòng học tạm, phòng học nhờ, ưu tiên cho việc duy trì phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học.

Cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục đã có sự chuyển biến tích cực, các địa phương đã ưu tiên đầu tư tăng cường các hạng mục như phòng học, phòng chức năng, thiết bị dạy học. Sĩ số học sinh/lớp cơ bản được thực hiện theo quy định, nhiều địa phương đã chú ý thực hiện các giải pháp bảo đảm thuận lợi, an toàn cho việc đi lại của học sinh khi đến trường.

Các giải pháp thu hút xã hội hóa đóng góp cho giáo dục

Cũng theo báo cáo của Bộ, trong 10 năm qua, mặc dù Nhà nước đã quan tâm đầu tư nhiều chương trình, dự án cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo nói chung nhưng do số lượng các trường lớn, trải rộng khắp cả nước, ngân sách nhà nước đầu tư chung cho giáo dục đào tạo còn hạn chế nên cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông vẫn chưa đáp ứng.

Nhìn chung, các chương trình, dự án, đề án đầu tư trong thời gian vừa qua mới chỉ hỗ trợ một phần sự thiếu hụt cơ sở vật chất cho một số trường thuộc các vùng khó khăn, có điều kiện kinh tế kém phát triển mà chưa giải quyết được dứt điểm tình trạng kiên cố hóa cũng như chưa bảo đảm được điều kiện tối thiểu cho các hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trong cả nước.

 Các dự án đầu tư trong thời gian qua mới chỉ hỗ trợ một phần đối với những trường thuộc vùng khó khăn. Ảnh minh họa: Đào Hiền

Các dự án đầu tư trong thời gian qua mới chỉ hỗ trợ một phần đối với những trường thuộc vùng khó khăn. Ảnh minh họa: Đào Hiền

Theo đó, phần lớn các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông mới chỉ có các phòng học thông thường, các công trình thuộc khối phục vụ học tập còn thiếu rất nhiều (phòng học bộ môn, thư viện, nhà đa chức năng, hành chính quản trị, sân chơi bãi tập thể dục thể thao, khu hành chính, quản trị,...).

Tại một số địa phương vẫn còn phòng học nhờ, phòng học tạm, thiếu các phòng chức năng. Phòng học ở nhiều địa phương đặc biệt là vùng khó khăn thiếu diện tích, công trình vệ sinh, nước sạch. Bếp ăn ở nhiều địa phương còn rất thiếu thốn hoặc bố trí chưa đúng quy cách, xuống cấp nghiêm trọng, diện tích sân chơi, bãi tập hạn chế.

 Dãy phòng học tạm tại Trường Tiểu học Nghĩa Tâm (Văn Chấn, Yên Bái). Ảnh: Đào Hiền

Dãy phòng học tạm tại Trường Tiểu học Nghĩa Tâm (Văn Chấn, Yên Bái). Ảnh: Đào Hiền

Trên cơ sở đó, Bộ cũng chỉ ra những giải pháp thiết thực để khắc phục những hạn chế còn tồn tại.

Thứ nhất cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức xã hội về sự cần thiết phải đóng góp cho giáo dục.

Các chiến dịch truyền thông cần hướng đến việc kêu gọi sự tham gia tích cực của mọi tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp và tổ chức xã hội vào quá trình cải thiện cơ sở vật chất giáo dục. Truyền thông cần được thực hiện qua nhiều hình thức như truyền hình, mạng xã hội, hội thảo, và các buổi họp tại trường học.

Thứ hai là hoàn thiện thể chế và chính sách hỗ trợ. Theo đó, cần rà soát, cập nhật các quy định pháp lý liên quan đến xã hội hóa giáo dục để bảo đảm sự phù hợp với thực tiễn. Các văn bản như Luật Giáo dục, Nghị định 69/2008/NĐ-CP cần được điều chỉnh để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc huy động nguồn lực từ xã hội.

Mặt khác, Chính phủ cần ban hành các chính sách hỗ trợ đặc thù nhằm thúc đẩy đầu tư vào các khu vực khó khăn như miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Các chính sách này cần tập trung vào ưu đãi về đất đai, miễn giảm thuế và hỗ trợ tín dụng để thu hút các nhà đầu tư vào việc xây dựng cơ sở giáo dục.

Thứ ba là tăng cường xã hội hóa giáo dục qua việc đẩy mạnh các mô hình hợp tác công tư (PPP) để thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân vào xây dựng và quản lý trường học.

Chính phủ cần tạo khung pháp lý rõ ràng và thuận lợi để các doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia vào các dự án giáo dục. Điều này không chỉ giúp giảm tải áp lực lên ngân sách nhà nước mà còn nâng cao chất lượng giáo dục nhờ vào sự đổi mới và chuyên môn hóa từ khu vực tư nhân.

Thứ tư, cần tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước. Chính phủ cần tiếp tục phân bổ ngân sách cho các dự án cải thiện cơ sở vật chất giáo dục, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa và vùng khó khăn. Các khoản đầu tư này cần được ưu tiên cho việc xây dựng và cải tạo phòng học, nhà vệ sinh, và các phòng chức năng khác.

Thứ năm, rà soát và điều chỉnh lại quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục, đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu học tập thực tế. Việc này sẽ giúp tránh tình trạng trường học quá tải hoặc thừa cơ sở ở các khu vực không cần thiết; sắp xếp lại các trường học có quy mô nhỏ lẻ, hiệu quả hoạt động thấp ở những khu vực dân cư phân tán, qua đó tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực cho giáo dục.

Thứ sáu, nâng cao chất lượng xây dựng và quản lý cơ sở vật chất đảm bảo rằng các công trình được xây dựng đúng chất lượng, đáp ứng yêu cầu sử dụng lâu dài và an toàn.

Xây dựng kế hoạch bảo trì và nâng cấp cơ sở vật chất thường xuyên nhằm kéo dài tuổi thọ và nâng cao hiệu quả sử dụng; thực hiện đồng bộ với sự quản lý nghiêm ngặt từ cấp trường đến cơ quan quản lý địa phương.

Cuối cùng, cần ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả hơn cơ sở vật chất của các trường học, theo dõi tình trạng sử dụng, bảo trì và dự báo nhu cầu đầu tư trong tương lai. Các phần mềm quản lý tài sản, công nghệ giám sát từ xa cần được áp dụng để minh bạch hóa và tối ưu hóa quản lý cơ sở vật chất.

ĐÀO HIỀN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/can-uu-dai-dat-dai-mien-giam-thue-ho-tro-tin-dung-de-thu-hut-nha-dau-tu-vao-gd-post246434.gd
Zalo