Cẩn trọng với những chiếc 'bẫy' mang tên tiền 'ảo'
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số người dân về công nghệ blockchain và tiền số, các đối tượng lừa đảo đã tạo ra những đồng tiền 'ảo' không có giá trị thực, đánh vào tâm lý ham lợi nhuận cao, khiến nhiều nhà đầu tư mất trắng.
Chơi tiền “ảo”, mất tiền thật
Những ngày cuối năm 2024, Phòng An ninh Kinh tế Công an thành phố (CATP) Hà Nội đã phát hiện dấu hiệu chiếm đoạt tài sản qua giao dịch mua bán tiền “ảo” của Công ty Triệu Nụ Cười, trụ sở tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Nhờ vào những lời hứa hẹn hấp dẫn đã có khoảng 100 doanh nghiệp và gần 400 cá nhân mua đồng tiền lượng tử QFS với tổng giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, đồng QFS này hoàn toàn không có thật và không được pháp luật Việt Nam công nhận.
Mới đây nhất, ngày 13-2, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố 50 bị can về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đây là đường dây lừa đảo dưới hình thức đầu tư tiền điện tử Bitcoin (BTC) trên ứng dụng UNISAT, hoạt động tinh vi, xuyên quốc gia, lừa đảo hàng nghìn bị hại, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.

Cẩn trọng khi đầu tư vào tiền "ảo" trên không gian mạng
Giai đoạn giá của một số đồng tiền mã hóa, tiền "ảo" tăng cao cũng là thời điểm các đối tượng phạm tội tăng cường hoạt động quảng cáo, lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia vào hoạt động kinh doanh, giao dịch mua bán tiền "ảo", tiền mã hóa trên không gian mạng. Không ít người đã trở thành nạn nhân, bị mất hàng trăm triệu, thậm chí hàng chục tỷ đồng vì thiếu hiểu biết.
Thủ đoạn của các đối tượng là đặt lệnh mua một lượng tiền điện tử rồi chào bán trên sàn giao dịch với giá rẻ. Khi có người đặt mua, các đối tượng gửi tin nhắn không xác nhận lệnh giao dịch để người mua lầm tưởng là bị lỗi. Từ đó, chúng yêu cầu người mua quét vào mã QR hoặc đường link do các đối tượng cung cấp để hỗ trợ cài đặt lệnh chuyển tiền.
Khi người mua truy cập, ngay lập tức sẽ bị các đối tượng chiếm tài khoản rồi rút tiền của nạn nhân.
Trung tá Đinh Thành An, Khoa Toán - Tin học và Ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết, những đường link này có thể là file APK trên hệ điều hành Android hoặc đường linh nào đó có mã độc, khi người tải đường link này về thì sẽ lập tức mã độc sẽ xâm nhập vào thiết bị của người dùng, từ đó chiếm các tài khoản.
Tinh vi hơn, nhiều đối tượng còn mạo danh các sàn đầu tư tiền "ảo" nước ngoài hoặc giả mạo công ty để tạo ra các trang web, ứng dụng đầu tư. Sau khi đã lừa được một lượng người nhất định, các sàn đầu tư này sẽ ngừng hoạt động rồi chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.
Nhà đầu tư phải chịu rủi ro khi đầu tư vào tiền "ảo”
Hiện nay, Việt Nam chưa công nhận và cũng chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán tiền "ảo", tiền mã hóa. Vì vậy, nhà đầu tư sẽ chịu toàn bộ rủi ro khi tham gia đầu tư vào các hoạt động đầu tư tiền "ảo", tiền mã hóa.
Đại tá Trần Xuân Thành, Trưởng phòng An ninh kinh tế CATP Hà Nội nêu rõ, hiện vẫn chưa có khung pháp lý quy định về “tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo”. Tiền "ảo” không được công nhận là tài sản, không phải là phương tiện thanh toán hay công cụ chuyển nhượng và chưa được ghi nhận trong bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào của hệ thống pháp luật Việt Nam.
Theo chỉ huy Phòng An ninh kinh tế, cơ quan chức năng Việt Nam không bảo hộ cho đồng tiền "ảo". Người dân khi tham gia giao dịch tiền ảo trong trường hợp hệ thống vì nguyên nhân chủ quan hay khách quan bị đánh sập thì các cá nhân không thể chứng minh được mình sở hữu bao nhiêu đồng tiền "ảo" để có thể đòi được quyền lợi cho mình, hoặc không có căn cứ chứng minh mình sở hữu số lượng tiền "ảo".
“Hiện nay, một số quốc gia đã công nhận tiền "ảo" và được sử dụng trong lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên nếu chính sách của các quốc gia đó thay đổi, tiền "ảo" không được công nhận sẽ ảnh hưởng lớn đến khách hàng. Người dân khi tham gia các sàn giao dịch tiền ảo quốc tế cần nhìn nhận rõ đó là sàn thật hay giả, có được pháp luật công nhận hay không; không nên vì lòng tham và sự thiếu hiểu biết mà đưa tiền thật, nhận tiền "ảo" để rồi mất trắng” - chỉ huy Phòng An ninh kinh tế khuyến cáo.
Bỏ ít công sức hưởng lợi nhuận lớn - cái "bẫy" này không mới nhưng chưa bao giờ cũ. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần cẩn trọng trước các lời đề nghị hoặc giới thiệu hoạt động đầu tư tiền "ảo", tiền mã hóa, đặc biệt là các hoạt động mời chào đầu tư trên không gian mạng. Hãy đảm bảo bản thân là nhà đầu tư đủ kiến thức trước khi quyết định đầu tư, đừng để lòng tham và sự thiếu hiểu biết khiến bạn trở thành nạn nhân của các hành vi lừa đảo.