Cẩn trọng với những căn bệnh về da và nguy cơ bỏng trong điều kiện mưa bão, ngập lụt

Mưa bão và ngập lụt kéo theo nhiều yếu tố gây hại cho da, như độ ẩm cao, môi trường ô nhiễm và nước bẩn. Bên cạnh đó, nguy cơ bỏng do nước nóng, hóa chất, hay bỏng điện do chập cháy cũng tăng lên đáng kể trong mùa này.

Mùa mưa lũ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các bệnh về da và bỏng. Ảnh: BVCC

Mùa mưa lũ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các bệnh về da và bỏng. Ảnh: BVCC

Trong thời gian gần đây, khoa Da liễu và Bỏng - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến khám với nhiều bệnh lý da và bỏng khác nhau.

Các bệnh da thường gặp trong mùa mưa bão bao gồm nấm da, viêm da tiếp xúc, chốc ở trẻ em và nhiễm trùng da ở người lớn, viêm kẽ (hăm), và bệnh ấu trùng di chuyển.

Trong đó, nấm da thường gây ngứa, đỏ da và bong vảy, có khả năng lây lan trong gia đình. Viêm da tiếp xúc biểu hiện qua phát ban, mụn nước nhỏ li ti, ngứa rát và chảy dịch. Chốc và nhiễm trùng da có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn... nếu không được điều trị kịp thời. Viêm kẽ thường xuất hiện ở các nếp gấp trên cơ thể, gây mẩn đỏ và ngứa. Bệnh ấu trùng di chuyển là do ấu trùng giun sán trong nước lũ xâm nhập vào da.

Ngoài các bệnh về da, nguy cơ bỏng cũng tăng cao trong mùa mưa bão. Bỏng do nước nóng thường xảy ra khi nấu nướng hoặc đun nước trong điều kiện thời tiết xấu (mưa bão, do gió to), cúp điện không nhìn rõ, do vật dụng lộn xộn sau di dời tránh ngập lụt dẫn đến bỏng nước sôi.

Bỏng do hóa chất có thể gây ra bởi các chất độc hại trong nước lũ. Bỏng do điện giật liên quan đến tình trạng rò rỉ điện trong môi trường ngập nước.

Để phòng tránh và chăm sóc các bệnh da trong mùa bão lụt, ThS.BS Phan Nữ Thục Hiền - khoa Da liễu và Bỏng, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo người dân nên giữ da khô ráo và sạch sẽ, tránh tiếp xúc với nước bẩn. Lau khô và thay quần áo ướt ngay và mặc trang phục bảo vệ phù hợp. Băng kín các vết thương hở để ngăn ngừa nhiễm trùng. Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da phù hợp và duy trì vệ sinh môi trường sống. Quan trọng nhất là cần khám bác sĩ ngay khi có dấu hiệu bất thường trên da.

Để giảm thiểu nguy cơ bỏng, cần thực hiện các biện pháp an toàn như cẩn trọng khi sử dụng nước nóng, đặc biệt là xung quanh trẻ em. Tránh tiếp xúc trực tiếp với nước lũ ô nhiễm. Kiểm tra và bảo đảm an toàn hệ thống điện, đặc biệt trong môi trường ẩm ướt.

Bảo Long

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/can-trong-voi-nhung-can-benh-ve-da-va-nguy-co-bong-trong-dieu-kien-mua-bao-ngap-lut-395086.html
Zalo