Cẩn trọng với những cam kết lấy lại tiền bị lừa
Cơ quan chức năng khuyến cáo, bất cứ luật sư hay tổ chức, cá nhân nào cam kết lấy lại tiền bị chiếm đoạt đều có khả năng là giả mạo và lừa đảo.
Các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi và luôn thay đổi theo xu hướng thời sự, khiến nhiều người mất cảnh giác và bị chiếm đoạt tiền chỉ trong vài phút. Đáng lo ngại, ngay cả khi các hành vi lừa đảo vốn đã cũ như mạo danh công an, bộ tư pháp, luật sư… thì nhiều người dân vẫn “sập bẫy”. Thậm chí, các đối tượng còn dàn dựng kịch bản lừa đảo lần hai, cam kết lấy lại tiền lừa đảo đã mất, sau đó chiếm đoạt luôn số tiền nạn nhân chuyển để làm phí hồ sơ.
Sinh sống và làm việc tại tỉnh Hưng Yên nhưng chị Hà đã phải lên Hà Nội để tìm kiếm sự giúp đỡ của luật sư sau khi bị lừa hai lần với tổng số tiền hơn 800 triệu đồng. Lần đầu tiên, chị Hà bị lừa tiền trên sàn thương mại Gmarket. Sau đó, chị tiếp tục bị một đối tượng tự xưng là luật sư, cam kết lấy lại tiền lừa đảo qua mạng.
Chị Mai Thị Hà - Huyện Văn Lâm - Tỉnh Hưng Yên chia sẻ: "Em trước đó có biết về luật sư này qua mạng và họ là luật sư có tiếng, nên em đã chủ động liên hệ với họ. Sau khi nói chuyện, cách họ thuyết phục em rất là thật nên em đã chuyển phí hồ sơ trước, còn những khoản tiền khác họ bảo chuyển thì em chưa vì cần xác minh. Sau đó, người ta chặn em luôn".
Cũng vì những lời cam kết chắc nịch, bà Mai đã nhiều lần chuyển khoản số tiền hơn 2 triệu đồng phí làm hồ sơ cho một tài khoản có tên là Luật sư Nguyễn An Bình để mong lấy lại tiền bị lừa qua mạng. Chỉ đến khi gặp được luật sư Bình ngoài đời thật, bà Mai mới biết mình đã bị lừa.
Bà Lê Thị Mai - Phường Láng Hạ - Quận Đống Đa chia sẻ: "Nó bảo của cô hết 2 triệu 3 và chuyển trước cho cháu 280 nghìn, sau đấy nó mới bảo chuyển tiếp 800 nghìn nữa, nó bảo chỉ cần chuyển cho nó 1 triệu là nó cam kết sẽ mang được tiền về".
Luật sư Nguyễn An Bình - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: "Tội phạm đã thực hiện hành vi phạm tội rất tinh vi; thứ nhất khi số điện thoại dùng để liên lạc với người bị hại không phải chính chủ; thứ hai là số tài khoản ngân hàng thụ hưởng để chuyển số tiền phạm tội thì không phải của chúng, có thể chúng ra tiệm cầm đồ hoặc nhờ các em học sinh, sinh viên làm cho chúng thẻ ATM sau đó mua lại. Do đó khi cơ quan chức năng truy ra được thông tin thì không phải thông tin của bọn lừa đảo".
Trên các bài đăng giả mạo, dễ dàng nhìn thấy hàng loạt bình luận có nội dung tương tự nhau. Các đối tượng đã đánh vào tâm lý chủ quan, mong muốn lấy lại tiền bị lừa để kích thích nhu cầu của người dùng, khiến họ phải nhắn tin tìm đến sự trợ giúp. Sau đó, hành trình dẫn dắt các “con mồi” bắt đầu.
Ông Nguyễn Phú Lương - Chuyên gia an ninh mạng cho biết: "Hiện nay có rất nhiều công nghệ mới có thể tận dụng các lỗ hổng mà các đối tượng có thể lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Trình độ, kỹ năng của những tội phạm công nghệ cao này ngày càng cải thiện và thủ đoạn ngày càng tinh vi, nên việc cơ quan chức năng truy vết được bọn chúng hiện còn gặp nhiều khó khăn".
Cơ quan chức năng khuyến cáo, bất cứ luật sư hay tổ chức, cá nhân nào cam kết lấy lại tiền bị chiếm đoạt đều có khả năng là giả mạo và lừa đảo. Các nạn nhân bị lừa qua mạng hầu hết đều xuất phát từ mong muốn kiếm thêm thu nhập và không biết cách cưỡng lại sức hút của đồng tiền. Trong khi đó, các đối tượng lừa đảo thường xuyên thay đổi thủ đoạn, lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ để tiếp cận người dân. Để tránh mất tiền oan, cách duy nhất là người dân không tin vào mọi sự hướng dẫn kiếm tiền trên mạng, không chuyển khoản và không ấn vào các đường link từ người lạ.