Cẩn trọng với chiêu lừa 'giao dịch vàng ảo' trên mạng xã hội
Giao dịch được dàn dựng như thật tại cửa hàng uy tín, nhưng mọi thông tin kết nối đều qua mạng, không có căn cứ xác thực. Đến khi phát hiện, nạn nhân không thể truy vết hay đòi lại tài sản do không có bằng chứng về danh tính đối tượng.
Thời gian gần đây, khi giá vàng trong nước và thế giới biến động mạnh, nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng tình hình để dựng lên những “kịch bản” lừa đảo tinh vi, nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân có nhu cầu mua bán, trao đổi vàng qua mạng xã hội.
Một vụ việc điển hình vừa xảy ra tại tại TP. Đà Nẵng. Cụ thể, anh Nguyễn Văn B (trú quận Liên Chiểu) có nhu cầu bán 10 chỉ vàng và đã liên hệ với tài khoản Facebook “Vân Thị Dương” thông qua nhóm “Cộng đồng vàng Đà Nẵng”. Cùng thời điểm đó, chị Nguyễn Ngọc C (trú tại quận Thanh Khê) cũng tìm mua vàng và kết nối với tài khoản “Ngọc My”.
Cả hai được các tài khoản này điều phối gặp nhau tại một tiệm vàng ở địa phương. Khi gặp mặt, anh B giao 10 chỉ vàng để chị C kiểm tra. Sau khi xác nhận vàng thật, chị C đã chuyển khoản số tiền hơn 100 triệu đồng vào tài khoản mang tên Hoàng Văn Nghiêm theo yêu cầu từ “Ngọc My” - người mà chị C tưởng là chủ sở hữu số vàng trên.
Sau khi hoàn tất giao dịch, cả hai mới phát hiện bị lừa: anh B không nhận được tiền, còn chị C cũng không lấy được vàng vì người bán khẳng định chưa nhận tiền. Liên hệ lại với các tài khoản Facebook trung gian đều không được, lúc này họ mới biết mình đã sập bẫy một kịch bản lừa đảo tinh vi…
Theo Công an TP. Đà Nẵng, đây là thủ đoạn lừa đảo mới xuất hiện, nhưng đang lan rộng trên các nhóm mạng xã hội chuyên trao đổi mua bán vàng. Kẻ gian tạo tài khoản Facebook ảo, tham gia các hội nhóm để tìm người có nhu cầu thực sự. Khi phát hiện một người cần bán vàng và một người cần mua, chúng đóng vai trò trung gian, giả vờ làm người mua với người bán và làm người bán với người mua.

Người dân cần cảnh giác khi giao dịch vàng qua mạng xã hội.
Sau đó, các đối tượng hẹn người thật ra tiệm vàng để kiểm tra và giao dịch trực tiếp nhằm tạo lòng tin. Tuy nhiên, giao dịch lại được điều phối qua tin nhắn, với thông tin chuyển khoản do chính đối tượng lừa đảo cung cấp. Khi người mua chuyển tiền theo hướng dẫn và người bán không nhận được tiền, hai bên mới phát hiện sự thật thì đã quá muộn, tiền đã nằm trong tài khoản của kẻ lừa đảo, còn Facebook và số điện thoại của chúng thì đều không thể liên lạc.
Chiêu thức này đánh trúng tâm lý “người thật, vàng thật” của nạn nhân. Giao dịch được dàn dựng như thật tại cửa hàng uy tín, nhưng mọi thông tin kết nối đều qua mạng, không có căn cứ xác thực. Đến khi phát hiện, nạn nhân không thể truy vết hay đòi lại tài sản do không có bằng chứng về danh tính đối tượng.
Trước tình trạng trên, Công an TP. Đà Nẵng khuyến cáo người dân nên cảnh giác cao độ khi giao dịch vàng qua mạng xã hội. Tốt nhất, chỉ thực hiện các giao dịch tại những cơ sở kinh doanh vàng bạc có giấy phép rõ ràng, minh bạch về nguồn gốc, hóa đơn và quy trình giao dịch. Tuyệt đối không chuyển tiền cho người lạ qua mạng khi chưa xác minh được danh tính và mối liên hệ thực sự giữa các bên.
Người dân cần tự trang bị kiến thức, đề cao cảnh giác và thận trọng trong mọi giao dịch tài chính – đặc biệt là những giao dịch có giá trị lớn như vàng bạc. Bởi chỉ một phút lơ là, hậu quả có thể là tài sản tích cóp suốt nhiều năm tan biến không dấu vết…