Cần tinh gọn bộ máy hành chính Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Mục tiêu của Phật giáo không phải là đào tạo tăng ni trở thành quan chức Giáo hội, mà điểm đến cuối cùng là đào tạo tu sĩ trở thành người có phẩm chất đạo đức Phật giáo

Sự sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính trị của đất nước đang là một cuộc cách mạng toàn diện, sâu sắc, nhằm xây dựng hệ thống chính trị hoạt động có hiệu quả đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Trước xu hướng khách quan và tất yếu, Giáo hội Phật giáo Việt Nam hơn lúc nào hết cần phải sắp xếp, tinh gọn cơ cấu tổ chức để hoạt động hiệu quả.

Tổng bí thư Tô Lâm: “Phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao nhất để hoàn thành sớm việc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; góp phần tăng tốc, bứt phá vượt các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024, 2025 và cả nhiệm kỳ Đại hội XIII; chuẩn bị thật tốt đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng” [1]. Sự sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính trị của đất nước ta hiện nay là một cuộc cách mạng toàn diện, sâu sắc, nhằm xây dựng hệ thống chính trị hoạt động có hiệu quả đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Đó không những là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta trong việc xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả; mà còn hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay.

Trong xu hướng tất yếu của công cuộc cải cách, tinh gọn bộ máy hành chính Nhà nước diễn ra khẩn trương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam - bộ phận của Mặt trận Tổ quốc cần thiết sắp xếp, tinh gọn để ngày càng có đóng góp thực chất hiệu quả theo phương châm Đạo pháp & Dân tộc.

1. Tinh gọn trong cơ cấu tổ chức để hoạt động hiệu quả

Kể từ khi tổ chức Giáo hội Phật giáo nhất tông hay còn gọi là Giáo hội Trúc Lâm ra đời dưới sự lãnh đạo của Phật hoàng Trần Nhân Tông và sự điều phối của nhị Tổ Pháp Loa, Tăng đoàn Phật giáo tại Việt Nam đã bước sang một trang sử mới trong việc quản lý tăng, ni, tự, viện… Phật giáo một cách có hệ thống và chặt chẽ hơn so với các thời kỳ trước đó. Mặc dù, chưa thật sự hoàn chỉnh do sự hạn chế của điều kiện lịch sử lúc bấy giờ, nhưng đó là tiền đề cho sự phát triển, đổi mới, cải cách tiếp theo của Giáo hội Phật giáo trong những giai đoạn sau này.

Hình mang tính minh họa.

Hình mang tính minh họa.

Trải qua thời gian khá dài, sau khi đất nước hoàn toàn độc lập, giang sơn nối liền một dãy, Nam - Bắc cùng chung một nhà, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “miền Nam trong trái tim tôi”; Phật giáo lúc này đã thể hiện ý chí dân tộc, đoàn kết, bỏ qua quá khứ, góp phần cùng với dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hướng đến tương lai giàu mạnh của dân tộc. Việc đoàn kết của giới tăng lữ ba miền Nam - Trung - Bắc được thể hiện thông qua sự ra đời của một tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981, đại diện cho tiếng nói chung của tăng, ni, tín đồ Phật giáo trong và ngoài nước.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập là bước ngoặt mang tính lịch sử của Phật giáo Việt Nam, thể hiện ý chí, nguyện vọng của giới tăng, ni, tín đồ Phật giáo trong và ngoài nước một sự thống nhất, đoàn kết, thể hiện sự kiên định trong ý chí và hành động giữa Phật giáo và chính quyền hết sức sâu sắc và có ý nghĩa quan trọng về chính sách tôn giáo của Nhà nước ta.

Theo Hiến chương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, luôn luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến sự đổi mới và phát triển của Giáo hội.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng, đồng thời tôn trọng nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát huy mạnh mẽ vai trò, tính tự chủ, năng động, sáng tạo của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội” [2].

Hòa mình cùng với sự nghiệp phát triển chung, đất nước ta đang bước vào một kỷ nguyên mới của dân tộc vươn mình hòa nhập trong dòng chảy tiến bộ và phát triển, đổi mới, nhằm khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế trong giai đoạn hiện nay. Cuộc cách mạng 4.0 đã bộc lộ rõ những hạn chế còn bất cập trong bộ máy hệ thống chính trị của đất nước ta trong giai đoạn phát triển công nghệ số, trí tuệ nhân tạo hay còn gọi là AI (Artificial Intelligence). Do đó, Đảng và Nhà nước ta đã nhận diện sâu sắc về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cần phải “tinh gọn”, nhưng phải “mạnh mẽ và đạt hiệu quả cao”, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể, mang lại lợi ích cho nhân dân.

Trên tinh thần đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập đến nay đã hơn 40 năm tồn tại, phát triển, đổi mới cùng với sự phát triển, đổi mới của đất nước. Bên cạnh những thành quả to lớn mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đóng góp cùng với dân tộc trong công cuộc xây dựng đất nước, ổn định tình hình chính trị - xã hội, còn bộc lộ không ít những hạn chế, khó khăn, phiền phức mang tính xã hội trong tổ chức tôn giáo hiện nay.

Vì vậy, việc sắp xếp, tinh gọn trong cơ cấu tổ chức quản lý, hành chính của Giáo hội cần thiết phải tiến hành cải tổ hệ thống để hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn trong tình hình mới của đất nước nói chung, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng.

Việc tinh gọn cơ cấu tổ chức Giáo hội để phân định một cách cụ thể, rõ ràng chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ, vai trò của người lãnh đạo một cách hợp lý, không chồng chéo, dư thừa, có chức nhưng không thực quyền, tránh lãng phí, trùng lặp nhau, điều mà lãnh đạo Giáo hội cần xem xét trong điều kiện lịch sử hiện nay để có sự thay đổi về mặt nhận thức và quản lý.

Theo báo cáo Tổng kết công tác phật sự năm 2024 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, số lượng tăng, ni hiện nay là: 54.973, gồm 40.807 Bắc tông; 7.028 Nam tông Khmer; 1.754 Nam tông kinh (1.100 chư tăng, 654 tu nữ); 5.384 khất sĩ.

- Tự viện: 18.544 Tự viện (15.871 Tự viện Bắc Tông; 462 chùa Nam Tông Khmer, 45 Salate; 106 chùa Nam tông Kinh; 541 Tịnh xá, 467 Tịnh Thất, 998 Niệm Phật đường, 54 Tự viện Phật giáo Người Hoa).

- Tín đồ: Khoảng 60% /99.000.000 dân số.

Mặc dù, số lượng tăng, ni không phải là quá đông, nhưng bộ máy hoạt động của Giáo hội quá cồng kềnh với 12 ban ngành, viện, phân viện. Nhiều ban, ngành càng ngày còn phình to. Chẳng hạn như Ban Từ thiện xã hội có trên 8 phân ban như: Phân ban TTXH Phật giáo Khất sĩ, phân ban TTXH Phật giáo Nam tông Kinh, phân ban TTXH Cứu trợ nhân đạo, phân ban TTXH Xã hội Giáo dục, phân ban TTXH các Cơ sở Bảo trợ, phân ban Đối ngoại và quan hệ quốc tế…Trong khi đó, Ban Hoằng pháp Trung ương lại có trên 10 phân ban trực thuộc gồm: Phân ban đào tạo Giảng sư và bồi dưỡng nghiệp vụ hoằng pháp, phân ban Hoằng pháp Hải ngoại, phân ban Pháp hội đạo tràng, phân ban truyền thông hoằng pháp và ứng dụng công nghệ, phân ban bồi dưỡng hoằng pháp viên Phật tử, phân ban tổ chức sự kiện hoằng pháp…

Bên cạnh đó, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương có 9 phân ban: Phân ban Cư sĩ Phật tử; phân ban gia đình Phật tử, phân ban thanh thiếu niên Phật tử, phân ban Phật tử dân tộc, phân ban Phật tử hải ngoại, phân ban đặc trách đạo tràng Phật tử, phân ban Chuyên nghiệp Phật tử, phân ban bảo trợ và 4 tiểu ban: Tiểu ban Hướng dẫn Phật tử người Hoa, Tiểu ban Hướng dẫn Phật tử Nam tông kinh, Tiểu ban Hướng dẫn Phật tử Nam tông Khmer, tiểu ban hướng dẫn Phật tử Khất sĩ…

Hình mang tính minh họa.

Hình mang tính minh họa.

Ngoài ra, các ban, ngành ở cấp huyện/quận; tỉnh/ Thành phố, một số ban, ngành hoạt động chưa hết công suất, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ công tác được đề ra, một số bộ phận hầu như ít hoạt động…Vì vậy, tinh gọn, sắp xếp cơ cấu tổ chức để chỉnh đốn, kiện toàn về mặt công tác, tổ chức, nhân sự của Giáo hội là việc làm cần thiết, để Giáo hội hoạt động một cách có hiệu quả.

Động lực của việc tinh gọn, sắp xếp trong Giáo hội không phải là “thanh trừng”, “triệt hạ lẫn nhau” mà đó là một cuộc sửa chữa, lau chùi, làm sạch những dơ bẩn, làm cho mới hơn, hoạt động tốt hơn, mang lại lợi ích cho tăng ni, tự viện của Giáo hội, lợi ích đóng góp của tín đồ phật tử trong công tác phật sự một cách có hiệu quả.

Trên cơ sở những cái cũ không phù hợp với thực tiễn, lỗi thời, lạc hậu, bộ phận nào kềnh càng, lãng phí thì cần phải bỏ, sắp xếp lại để tạo ra cái mới tiến bộ, phù hợp với thực tiễn thì phát huy, tạo động lực phát triển tốt hơn trong tổ chức, bộ máy quản lý của Giáo hội.

Việc tinh gọn, sắp xếp bộ máy quản lý của các cấp Giáo hội cần phải có những giải pháp mang tính đồng bộ và hệ thống từ Trung ương đến địa phương.

2. Giải pháp của việc tinh gọn, sắp xếp hệ thống quản lý Giáo hội

Cuộc cách mạng tinh gọn, sắp xếp bộ máy quản lý Giáo hội hiện nay cũng là xu hướng tất yếu của xã hội, là quy luật trong tiến trình phát triển của đất nước nói chung, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng. Do đó, không phải là một công việc hết sức dễ dàng, “thậm chí là vấn đề khó, rất khó”. Bởi vì, công cuộc cải cách này liên quan đến quyền lợi cá nhân, nhóm, tổ chức. Do đó, cần có giải pháp cân bằng, bình đẳng, đồng bộ và quan trọng nhất là mỗi cá nhân, nhóm, tổ chức lãnh đạo Giáo hội cần phải đặt lợi ích tập thể của Giáo hội, tăng, ni lên trên hết, trước hết.

Thứ nhất, lấy đạo đức Phật giáo làm nòng cốt. Mục tiêu cuối cùng của Phật giáo không phải là đào tạo tăng ni trở thành quan chức Giáo hội, mà điểm đến cuối cùng là đào tạo tu sĩ trở thành người có phẩm chất đạo đức Phật giáo, hướng đến con đường giác ngộ, giải thoát, làm lợi ích cho chúng sinh với phương châm “phục vụ chúng sinh là cúng dàng chư Phật”.

Vì “thuận theo xã hội” mà “mục tiêu phụ” đã được định hướng để quản lý, phục vụ lợi ích của tăng ni, tín đồ phật tử trên cương vị là “quan chức lãnh đạo Giáo hội”. Song, mỗi cá nhân, nhóm người, tổ chức cũng tuân thủ những điều cơ bản của Phật giáo, đó là lấy đạo đức Phật giáo làm nòng cốt trong quá trình hoạt động xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng “có tài mà không có đức là người vô dụng”, do đó, người lãnh đạo Giáo hội là những thành phần thấm nhuần tư tưởng đạo đức của đức Phật một cách sâu sắc với tinh thần Từ, bi, hỷ, xả thì việc sắp xếp, tinh gọn hệ thống quản lý không phải là không làm được. Tuy nhiên, trở lực lớn của việc tinh gọn bộ máy còn phụ thuộc vào sự “triệt tiêu” chủ nghĩa cá nhân thì mới có thể khai thông “điểm nghẽn” trong công tác sắp xếp, tinh gọn các ban, ngành, nhân sự lãnh đạo các cấp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng gốc rễ của bộ máy cồng kềnh, phình to, là vì phát xuất từ chủ nghĩa cá nhân mà có, Người viết: “Việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết... chỉ muốn “mọi người vì mình” [3]. Chống chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, lấy đạo đức Phật giáo làm nòng cốt trong cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn hệ thống quản lý các cấp, các ban, ngành của Giáo hội là vấn đề then chốt trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy Giáo hội hiện nay.

Thứ hai, sắp xếp, tinh gọn bộ máy cần phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa đổi mới và kế thừa. Do tính chất đặc thù của Phật giáo từ trước cho đến nay luôn luôn phát triển trên tinh thần tiếp thu và kế thừa những giá trị đã được xác lập. Vì vậy giữa cái cũ và cái mới cần thiết phải hết sức thận trọng, chắn chắc, giữ vững nguyên tắc, tránh xung đột trong quá trình thay đổi, sắp xếp, gây mất đoàn kết nội bộ. Những ban, ngành nào còn chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, dư thừa, thì thật mạnh dạn sắp xếp, tinh gọn, để hiệu suất được nâng cao.

Trên thực tế hiện nay, có nhiều ban, ngành phình to với hàng chục phân ban, tiểu ban trực thuộc… nhưng hoạt động không hết công suất, trở nên dư thừa, cồng kềnh, lãng phí. Trong 12 ban, ngành, viện, phân viện có thể tinh gọn với những ban ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đối gần giống nhau. Chẳng hạn như có thể tinh gọn Ban Văn hóa - Truyền thông Phật giáo; Ban Hoằng pháp - Hướng dẫn Phật tử; hoặc Ban Hoằng pháp - Giáo dục Phật giáo, … vì có tính chất tương đồng trong chức năng, nhiệm vụ về giảng dạy giáo lý Phật giáo cho tăng ni, cư sĩ, tín đồ phật tử; đồng thời tinh gọn, giản bớt các phân ban, tiểu ban, chỉ thành lập mới khi thật sự cần thiết.

Giảm bớt sự kiêm nhiệm của một người với nhiều chức năng trong một tổ chức và tăng tính thực quyền cho các ban, ngành. Việc sắp xếp bộ máy sẽ làm cho hệ thống quản lý bớt cồng kềnh, giảm bớt số lượng, nhưng tăng tính hiệu quả về chức năng, nhiệm vụ của mỗi ban, ngành. Trong đó tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm kịp thời những biểu hiện không mong muốn phát sinh bè phái, cục bộ trong quá trình sắp xếp, tinh gọn.

Hình mang tính minh họa.

Hình mang tính minh họa.

Thứ ba, sắp xếp, tinh gọn bộ máy cần phải trên tinh thần đoàn kết, hòa hợp, công bằng, bình đẳng. Việc tinh gọn, sắp xếp hệ thống quản lý đòi hỏi hết sức cẩn thận để không gây nên phản ứng xáo trộn trong quá trình tinh gọn. Cần đề cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp trong tổ chức tôn giáo. Bởi vì, thực tiễn đã cho ta nhận thấy rằng tính phức tạp của tôn giáo không phải là không có, đó cũng là những nguyên nhân gây nên sự xáo trộn trong tổ chức, xã hội hiện nay. Tất cả đều phát xuất từ chủ nghĩa cá nhân, vì vậy cần giải quyết tốt giữa mối quan hệ lợi ích nhómtriệt tiêu chủ nghĩa cá nhân trong nhận thức sẽ nâng cao tính hiệu quả trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, mà không gây mất đoàn kết nội bộ.

Mặc dù vậy, vấn đề là chúng ta có mạnh dạn, đổi mới, quyết liệt trong quá trình sắp xếp, tinh gọn hay không? Điều đó, còn đòi hỏi tính công bằng và bình đẳng trong quá trình thực hiện sắp xếp và tính quyết liệt của các cấp lãnh đạo Giáo hội Trung ương về chủ trương đổi mới, tinh gọn hệ thống quản lý Giáo hội.

Tóm lại, trong xu hướng tất yếu của cuộc cách mạng tinh gọn và hoàn thiện bộ máy chính trị để vươn mình đi lên trong kỷ nguyên mới của dân tộc. Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên cương vị là một tổ chức tôn giáo chính thống đòi hỏi cũng có những bước đi phù hợp với xu hướng đổi mới của dân tộc. Sự đổi mới đó là quy luật tất yếu, phù hợp với sự vận động và phát triển của xã hội hiện nay.

Sự đổi mới tinh gọn trong tổ chức Giáo hội không phải là sự “triệt tiêu lẫn nhau”, làm mất đi “bản chất của đạo Phật”, mà đó là sự hoàn thiện trong công tác quản lý được tốt hơn, minh bạch hơn, mang đến lợi ích thiết thực cho tăng ni, tín đồ Phật giáo.

Vì vậy, cần khẩn trương, quyết liệt, đẩy mạnh hoạt động, đổi mới, tinh gọn, sắp xếp để hoàn thiện thể chế Giáo hội. Tuy nhiên, vấn đề tinh gọn trong tổ chức Giáo hội không phải là vấn đề dễ dàng, một sớm một chiều có thể làm được, nó đòi hỏi sự đoàn kết, đồng tâm hiệp lực của cả hệ thống tăng già, trên tinh thần vì lợi ích chung của Giáo hội, sự tồn tại lâu dài của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Cần nhận diện và giải quyết tốt vấn đề lợi ích chung và riêng một cách hài hòa trong quá trình tinh gọn, sắp xếp, mọi người đều có công việc thiết thực. Lợi ích của Giáo hội cũng chính là lợi ích của tăng ni, tín đồ Phật giáo. Vì vậy, tinh gọn bộ máy Giáo hội là động lực thúc đẩy mỗi cá nhân, nhóm, tập thể, tổ chức nỗ lực vươn lên đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp chung, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hệ thống Giáo hội, tăng ni, tín đồ Phật giáo trong và ngoài nước; vì sự phát triển vươn mình bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc và sự phát triển lên tầm cao mới của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn mới.

Tác giả: Thượng tọa Thích Lệ Quang, Trưởng ban Ban Giáo dục Phật giáo Q.Tân Bình, Tp.HCM

Ghi chú: Bài viết thể hiện quan điểm, cách hành văn và lập luận của tác giả.

***

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ nội vụ - Viện nghiên cứu Khoa học tổ chức nhà nước, Hệ thống chính trị cơ sở, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, NXB. Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, NXB. Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021.

4. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, NXB. Tôn giáo, năm 2013.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, HN, 2011.

6. HT. TS. Thích Trí Quảng, PGS.TS. Võ Văn Sen và TT. TS. Thích Nhật Từ (chủ biên), Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 35 năm hình thành và phát triển, NXB. Hồng Đức, 2016.

7.Tạp chí Cộng sản, số 1051, tháng 12-2024.

Chú thích:

[1]. Tạp chí Cộng sản, số 1051, tháng 12-2024, tr. 6.

[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, NXB. Chính trị Quốc gia sự thật, HN, tr. 197.

[3]. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, HN, t. 15, tr. 546 – 547.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/can-tinh-gon-bo-may-hanh-chinh-giao-hoi-phat-giao-viet-nam.html
Zalo