Cần thực tập kiểm định bao nhiêu phương tiện để trở thành đăng kiểm viên?
Để đủ điều kiện thi cấp chứng chỉ đăng kiểm viên, học viên cần đảm bảo hoàn thành đủ khối lượng kiểm định phương tiện trong kỳ thực tập tại trung tâm đăng kiểm.
Thực hành tối thiểu 6 tháng với đăng kiểm viên chứng nhận
Tại dự thảo Thông tư quy định về cấp mới, cấp lại, tạm đình chỉ, thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên phương tiện giao thông đường bộ, Bộ GTVT đề xuất, với đăng kiểm viên chứng nhận và đăng kiểm viên kiểm định, để được cấp chứng chỉ đăng kiểm viên đều cần hoàn thành chương trình tập huấn nghiệp vụ, gồm cả tập huấn lý thuyết và thực hành.
Với đăng kiểm viên chứng nhận, bài kiểm tra lý thuyết có kết quả từ 70% tổng số điểm được đánh giá đạt yêu cầu, trường hợp không đạt sẽ được kiểm tra lại 1 lần duy nhất trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông báo kết quả kiểm tra.
Về tập huấn thực hành, dự thảo Thông tư quy định thời gian thực hành tối thiểu 6 tháng.
Trong đó, thực hành tối thiểu 200 hồ sơ đối với công tác chứng nhận xe nhập khẩu, sản xuất lắp ráp; tối thiểu 20 hồ sơ đối với công tác đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng xuất xưởng, đánh giá cơ sở bảo hành bảo dưỡng ô tô.
Đối với công tác thử nghiệm khí thải, tiêu thụ năng lượng và công tác thử nghiệm an toàn cần thực hành tối thiểu 50 hồ sơ.
Theo đại diện Phòng Chất lượng xe cơ giới, hiện chưa có quy định về đăng kiểm viên chứng nhận, tuy nhiên, tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) đã quy định đăng kiểm viên sẽ thực hiện nhiệm vụ chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT & BVMT) của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng xe cơ giới trong nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp.
Do đó, cần bổ sung quy định về các điều kiện để được cấp chứng chỉ đăng kiểm viên chứng nhận, tạo thuận lợi trong việc đánh giá, tuyển dụng nhân lực này trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu chứng nhận chất lượng ATKT & BVMT xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng xe cơ giới mới.
Tối thiểu 100 xe/công đoạn với học viên có kinh nghiệm
Đối với đăng kiểm viên kiểm định, Bộ GTVT đề xuất, trong thời gian 30 ngày kể từ ngày được Cục Đăng kiểm VN thông báo đạt yêu cầu về tập huấn lý thuyết, học viên phải liên hệ để thực tập kiểm định tại cơ sở đăng kiểm và thông báo về Cục Đăng kiểm VN.
Về nội dung thực tập trong công tác kiểm định xe cơ giới sẽ bao gồm việc sử dụng chương trình, phần mềm tại cơ sở đăng kiểm; thực hành kiểm tra, đánh giá phương tiện trên dây chuyền kiểm định và thực hành kiểm tra, nghiệm thu xe cơ giới cải tạo.
Khối lượng thực tập kiểm định, theo Cục Đăng kiểm VN sẽ tùy thuộc vào kinh nghiệm, thời gian thực tập của học viên, nhằm rút ngắn quá trình thực tập đối với các học viên đã có năng lực. Qua đó, nhanh chóng bổ sung nguồn nhân lực đăng kiểm viên mà vẫn đảm bảo chất lượng chuyên môn cho hoạt động kiểm định.
Theo đó, dự thảo Thông tư quy định trường hợp học viên đã có kinh nghiệm thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa ô tô tại các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô được Cục Đăng kiểm VN cấp giấy chứng nhận, có tổng thời gian làm việc cộng dồn từ 12 - 24 tháng thì thời gian thực tập là 6 tháng, trên 24 tháng thì thời gian thực tập là 3 tháng, thay vì tối thiểu 12 tháng như học viên chưa có kinh nghiệm.
Trong đó, trường hợp thực tập 12 tháng, cần thực hành kiểm tra tối thiểu 400 xe/mỗi công đoạn của nhiều loại xe khác nhau (có thể thực tập nhiều công đoạn trên một xe). Riêng việc lập hồ sơ phương tiện phải được thực hiện tối thiểu đối với 120 xe.
Trường hợp thực tập 6 tháng, thực hành tối thiểu 200 xe/mỗi công đoạn của nhiều loại xe khác nhau, Riêng việc lập hồ sơ phương tiện phải được thực hiện tối thiểu đối với 60 xe.
Trường hợp thực tập 3 tháng, cần thực hành tối thiểu 100 xe/mỗi công đoạn của nhiều loại xe khác nhau. Riêng việc lập hồ sơ phương tiện phải được thực hiện tối thiểu đối với 30 xe.
Học viên có thể thực tập nhiều công đoạn trên một xe.
Đối với công tác kiểm định xe máy chuyên dùng, học viên cũng cần thực hành sử dụng chương trình, phần mềm tại cơ sở đăng kiểm, các nội dung kiểm tra, đánh giá phương tiện theo quy định về kiểm định ATKT & BVMT xe máy chuyên dùng; kiểm tra, nghiệm thu xe máy chuyên dùng cải tạo (nếu có).
Về khối lượng, cần thực hành kiểm định trên các loại xe khác nhau, tối thiểu 30 phương tiện trong thời gian 12 tháng.
5 công đoạn kiểm định xe cơ giới bao gồm:
Công đoạn 1: kiểm tra nhận dạng, tổng quát;
Công đoạn 2: kiểm tra phần trên của phương tiện;
Công đoạn 3: kiểm tra hiệu quả phanh và trượt ngang;
Công đoạn 4: kiểm tra môi trường;
Công đoạn 5: kiểm tra phần dưới của phương tiện.