Cần Thơ: Bàn giải pháp bảo mật thông tin, dữ liệu trong chuyển đổi số

Ngày 24/9, Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ phối hợp cùng Hội truyền thông số Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề, 'An toàn thông tin trong chuyển đổi số'. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, của UBND TP Cần Thơ và Hội Truyền thông số Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, thời gian qua, TP Cần Thơ đã rất quyết liệt trong việc thực hiện có hiệu quả công tác chuyển đổi số, qua đó đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, song hành với sự phát triển trong thời đại công nghệ số thì luôn tiềm ẩn các nguy cơ về mất an toàn, an ninh mạng. Do đó, việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng là bộ phận xuyên suốt không thể tách rời, trong quá trình chuyển đổi số.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, buổi hội thảo là dịp để các cơ quan, doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ cảnh báo về an toàn thông tin, nhận diện kịp thời các mối đe dọa an ninh tiềm ẩn bên trong hệ thống công nghệ thông tin. Đồng thời, hội thảo giới thiệu đến người dùng các công nghệ, kỹ thuật, phương pháp mới phát huy được hiệu quả hoạt động công tác bảo đảm an toàn thông tin.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hè – Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng là bộ phận xuyên suốt không thể tách rời, trong quá trình chuyển đổi số.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hè – Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng là bộ phận xuyên suốt không thể tách rời, trong quá trình chuyển đổi số.

Tại hội thảo, các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo những nguy cơ bị xâm nhập dữ liệu, tấn công các trang web đánh cắp thông tin, hay lừa đảo qua mạng.

Theo ông Phạm Tuấn An, Phó Trưởng phòng An toàn hệ thống thông tin (Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT), năm 2024, Việt Nam ghi nhận hàng loạt vụ tấn công mã hóa dữ liệu đòi tiền chuộc từ các tin tặc quốc tế, trong đó các đối tượng này thường tập trung tấn công vào doanh nghiệp. Cạnh đó, 2/3 người Việt Nam dùng Internet bị thu thập thông tin, dữ liệu cá nhân chia sẻ trên mạng.

Lý giải về vấn đề này, ông Phạm Tuấn An cho rằng, nguyên nhân là do các cơ quan tổ chức thu thập nhiều thông tin cá nhân nhưng không có biện pháp bảo vệ và sẵn sàng chia sẻ, bán trái pháp cho bên thứ ba hoặc lộ lọt từ nhân viên quản lý dữ liệu, hoặc có liên quan lừa đảo trực tuyến. Ngoài ra, người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc tự bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân trên không gian mạng.

Tương tự, ông Nguyễn Trọng An, cán bộ Phòng Bảo vệ an ninh hệ thống mạng thông tin Quốc gia, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an) cũng cho rằng hoạt động mua bán dữ liệu công dân, người dùng Internet trên thế giới và Việt Nam diễn ra ngày càng phức tạp về số vụ, số lượng thông tin bị rò rỉ. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, đã có 211.000 cảnh báo tấn công mạng và 20 sự cố tấn công mạng đặc biệt nghiêm trọng được A05 xử lý. Trong đó, nổi bật là các hoạt động tấn công mã hóa dữ liệu, đòi tiền chuộc nhắm vào các tập đoàn, doanh nghiệp tài chính, năng lượng, viễn thông gây ngưng trệ hoạt động quản lý điều hành, thiệt hại kinh tế.

Quang cảnh buổi hội thảo.

Quang cảnh buổi hội thảo.

Ông Nguyễn Trọng An cho rằng, để bảo vệ dữ liệu và thông tin cá nhân trên không gian mạng, người dùng cần cài đặt các ứng dụng diệt mã độc cũng như thiết lập Firewall (tường lửa) nhằm sàng lọc, phát hiện, ngăn chặn từ sớm kết nối nguy hại; thường xuyên nâng cấp, cập nhật tính năng, bản vá lỗ hổng bảo mật cho hệ điều hành, cơ dữ liệu về mã độc cho giải pháp phòng chống mã độc. Ngoài ra, trước khi truy cập Internet, người dùng cần cảnh giác và hạn chế click vào các biểu tượng quảng cáo, không mở các tệp, link không rõ nguồn gốc, hạn chế dùng Internet công cộng…

Cùng tham luận, ông Lê Công Trung, đại diện Tổng Công ty MobiFone nói: Trong số người dùng cần được quan tâm bảo vệ trong giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, thì cần đặc biệt quan tâm tới người dùng là trẻ em. Bởi, nhóm người dùng này chiếm 25% dân số, trong đó 2/3 số trẻ em có thể tiếp cận Internet.

Từ đó, ông Lê Công Trung đã gợi ý người dùng sử dụng giải pháp bảo mật di động Mobi-Safe. Vì theo ông Trung, đây là ứng dụng giúp người dùng có thể phát hiện và cập nhật kịp thời các thông tin lừa đảo và đảm bảo cho khách hàng có trải nghiệm an toàn và liền mạch.

Bên lề hội thảo, ban tổ chức còn bố trí các gian hàng trưng bày giới thiệu các mô hình, sản phẩm an toàn thông tin, giải pháp công nghệ bảo mật thông tin cho người dùng.

Bên lề hội thảo, ban tổ chức còn bố trí các gian hàng trưng bày giới thiệu các mô hình, sản phẩm an toàn thông tin, giải pháp công nghệ bảo mật thông tin cho người dùng.

Song, ngoài các vấn đề trên, các đại biểu cũng đã tập trung đánh giá thực trạng việc triển khai biện pháp đảm bảo an toàn thông tin, dữ liệu trong quá trình chuyển đổi số, cũng như phân tích phương thức tấn công của các phần mềm độc hại mã hóa dữ liệu của nạn nhân. Đồng thời, các đại biểu còn đưa ra nhiều gợi ý giải quyết các thách thức về an toàn thông tin trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là hiện tượng nhiều loại mã độc ransomware, mã độc đánh cắp dữ liệu của nhiều cá nhân, nhóm và tổ chức hacker tấn công vào hạ tầng công nghệ thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp.

Long Vĩnh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/can-tho-ban-giai-phap-bao-mat-thong-tin-du-lieu-trong-chuyen-doi-so-post526490.html
Zalo