Cần thiết xem xét tăng số lượng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao
Sáng 19/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Chín, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.
Thêm cơ chế linh hoạt về điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao
Các ĐBQH cơ bản tán thành với các nội dung trong Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.
Về điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, tại điểm a khoản 1 Điều 96 dự thảo Luật quy định một trong những điều kiện để được xem xét bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao là “Có độ tuổi từ đủ 45 tuổi trở lên”. ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, việc đưa ra tiêu chuẩn “cứng” về độ tuổi như vậy là chưa thực sự hợp lý và cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
Bởi, độ tuổi không thể là thước đo phản ánh năng lực, phẩm chất hay kinh nghiệm. Thực tế cho thấy, có nhiều cán bộ, Thẩm phán trẻ tuổi nhưng rất tài năng, bản lĩnh, kinh nghiệm xét xử phong phú, từng giải quyết nhiều vụ án lớn và đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình công tác.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Việc giới hạn tuổi tối thiểu cũng có thể sẽ dẫn tới “bỏ sót” người có đủ tiêu chuẩn, năng lực nhưng tuổi đời chưa đủ theo quy định để bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị không nên quy định tiêu chuẩn độ tuổi từ 45 tuổi trở lên như dự thảo Luật mà chú trọng đến các tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, thời gian công tác, kinh nghiệm xét xử, đạo đức nghề nghiệp để lựa chọn người có thể được bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao.
Hoặc nếu vẫn cần có giới hạn về độ tuổi, thì nên bổ sung cơ chế linh hoạt như: “Trường hợp đặc biệt, người dưới 45 tuổi nhưng có đủ điều kiện về năng lực, thành tích nổi bật và được đánh giá xuất sắc trong công tác có thể được xem xét bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao”.
ĐBQH Phan Thị Nguyệt Thu (Hà Tĩnh) đề nghị Tòa án Nhân dân tối cao tiếp tục tổng kết thực tiễn các nội dung có liên quan đến giám đốc thẩm, tái thẩm tại các luật về tố tụng, nhất là điều kiện xem xét, đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm để quy định chặt chẽ căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, tránh tình trạng giải quyết một vụ việc không có điểm dừng.

ĐBQH Phan Thị Nguyệt Thu (Hà Tĩnh) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Dẫn số liệu thống kê của Tòa án Nhân dân tối cao, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu cho biết, từ năm 2022 đến năm 2024 có hơn 11.000 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và khi tiếp nhận nhiệm vụ này từ Tòa án Nhân dân cấp cao kết thúc hoạt động, thì với số lượng hiện đang có 16/17 thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao sẽ rất khó khăn trong việc đáp ứng nhiệm vụ chuyên môn này. Vì vậy, đại biểu đề nghị, cần thiết xem xét tăng số lượng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao như đề xuất của Tòa án Nhân dân tối cao hiện nay (từ 13 đến 17 người lên thành 23 đến 27 người).
Bảo đảm thống nhất khi gửi báo cáo của Tòa án nhân dân khu vực đối với UBND, HĐND
Dự thảo Luật quy định Tòa án nhân dân địa phương, Viện kiểm sát nhân dân địa phương, các cơ quan của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình quản lý công tác giải quyết khiếu nại, định kỳ thông báo với UBND có thẩm quyền về công tác giải quyết khiếu nại của cơ quan, tổ chức mình. UBND, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân địa phương định kỳ báo cáo HĐND và thông báo đến Ủy ban MTTQ Việt Nam có thẩm quyền về tình hình khiếu nại, khởi kiện vụ án hành chính và công tác giải quyết khiếu nại, xét xử vụ án hành chính trong phạm vi địa phương mình.
Bên cạnh đó, quy định Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, khu vực, cơ quan khác của Nhà nước, cơ quan của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quản lý công tác giải quyết tố cáo; hàng năm gửi báo cáo về công tác giải quyết tố cáo trong phạm vi quản lý của cơ quan, tổ chức mình đến UBND có thẩm quyền để tổng hợp báo cáo HĐND.
Theo ĐBQH Trần Nhật Minh (Nghệ An), các quy định nêu trên có ý nghĩa chung là UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, HĐND có thẩm quyền mà chưa quy định rõ ràng cấp chính quyền địa phương nào được gửi thông báo hoặc báo cáo đối với Tòa án nhân dân khu vực. Mặt khác, cũng không thống nhất với dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đang được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp này.

ĐBQH Trần Nhật Minh (Nghệ An) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Cụ thể, khoản 8 Điều 21 dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) quy định HĐND cấp xã có nhiệm vụ, quyền hạn giám sát hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND cấp mình, UBND cùng cấp và các cơ quan khác ở địa phương. Trong khi đó, tại khoản 9 Điều 15 quy định HĐND cấp tỉnh giám sát hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan khác ở địa phương.
Khoản 13 Điều 23 dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND xã thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động của chính quyền địa phương cấp mình và trong các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) không giao thẩm quyền này cho UBND cấp tỉnh và cấp xã.

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Quang Khánh
Đại biểu Trần Nhật Minh cho rằng, sẽ phát sinh khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ gửi thông báo hoặc báo cáo của Tòa án nhân dân khu vực đối với UBND, HĐND cấp nào nếu không được quy định cụ thể trong luật.
Trong dự thảo Luật vẫn áp dụng khái niệm “Tòa án nhân dân địa phương, Viện kiểm sát nhân dân địa phương” là chưa chính xác và không phù hợp với cơ cấu tổ chức Tòa án nhân dân khu vực. Do đó, đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và quy định rõ hơn về nội dung này.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quang Khánh
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận các ý kiến phát biểu của ĐBQH rất sôi nổi, tâm huyết, trí tuệ, cụ thể và trách nhiệm cao, tập trung vào các nội dung trọng tâm, chủ yếu của việc sửa đổi luật và dự thảo nghị quyết về việc thi hành luật và các luật có liên quan.
Các ý kiến cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật, đồng thời, phân tích, đánh giá làm sâu sắc thêm nhiều nội dung và cũng góp ý kiến về nhiều vấn đề cụ thể để tiếp tục hoàn thiện quy định tại các điều, khoản của dự thảo Luật. Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, đại diện cơ quan trình, đã báo cáo tiếp thu, giải trình rất cụ thể, làm rõ một số vấn đề được ĐBQH nêu.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Tòa án Nhân dân tối cao phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của ĐBQH để chỉnh lý dự thảo Luật; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối Kỳ họp này.