Cần thiết quy hoạch phát triển vùng sản xuất lúa giống

Cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo để giúp nông dân và các bên có liên quan nắm bắt kịp thời những kiến thức, công nghệ mới

Tại hội thảo tham vấn "Định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao của thành phố Cần Thơ từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ tổ chức chiều 16/12, Tiến sĩ Nguyễn Thúy Kiều Tiên, Phó Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long nhấn mạnh, quy hoạch phát triển vùng sản xuất lúa giống cung ứng cho thành phố Cần Thơ nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung là điều rất cần thiết.

Tổng diện tích đất trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 4 triệu ha, nhu cầu lúa giống hàng năm khoảng 500.000 tấn. Tuy nhiên, hiện nay năng lực sản xuất và cung ứng giống của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh lúa giống trong toàn vùng chỉ đáp ứng khoảng 100.000 tấn/năm, chiếm khoảng 20% nhu cầu thực tiễn.

Hướng dẫn nông dân canh tác lúa theo hướng hữu cơ. Ảnh: Tuấn Phi - TTXVN

Hướng dẫn nông dân canh tác lúa theo hướng hữu cơ. Ảnh: Tuấn Phi - TTXVN

Theo bà Nguyễn Thúy Kiều Tiên, với lợi thế là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và có Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (là một trong các đơn vị nghiên cứu lúa hàng đầu của Việt Nam) đặt trên địa bàn thành phố cho thấy, Cần Thơ có đầy đủ năng lực phát triển ngành công nghiệp lúa giống không những phục vụ cho sản xuất lúa ở Cần Thơ mà cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Để làm được điều đó, thành phố Cần Thơ cần quy hoạch vùng sản xuất lúa giống ở các huyện: Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh. Đồng thời, nâng cao năng lực của các hợp tác xã sản xuất giống lúa ở các khâu tổ chức, vận hành hợp tác xã; đào tạo, tập huấn nghiệp vụ kỹ thuật sản xuất hạt giống; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất; xây dựng thương hiệu, liên kết, tiêu thụ như hỗ trợ đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh giống lúa và bảo hộ bao bì và nhãn hiệu; liên kết với doanh nghiệp, đơn vị sản xuất hạt giống hình thành vùng sản xuất nguyên liệu sản xuất lúa giống tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến quy mô hợp tác xã.

Thành phố Cần Thơ hiện có hơn 114.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Hàng năm, sản xuất lúa của thành phố đạt sản lượng trên 1,3 triệu tấn, sản lượng trái cây đạt 200.000 tấn, rau màu trên 200.000 tấn,...

Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và tăng thu nhập cho nông dân, thành phố đã và đang tích cực thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới và máy móc hiện đại vào sản xuất gắn với tăng cường liên kết theo chuỗi.

Thành phố cũng tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để thúc đẩy phát triển và tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, thành phố Cần Thơ đã phê duyệt và thực hiện các quy hoạch, đề án và kế hoạch nhằm phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với tái cơ cấu nông nghiệp; chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao để phát triển các lĩnh vực sản xuất giống, bảo quản, chế biến và phát triển thương mại các sản phẩm nông sản, thực phẩm phục vụ cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo quy hoạch ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tích hợp vào Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn Cần Thơ phát triển 7 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 2 khu chăn nuôi, giết mổ tập trung…

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đề xuất thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo để giúp nông dân và các bên có liên quan nắm bắt kịp thời những kiến thức, công nghệ mới. Cùng đó là, nâng cao vai trò quản lý nhà nước và tăng cường các hoạt động hợp tác, nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ và hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp phát triển các mô hình hiệu quả trong ứng dụng công nghệ cao.

"Tăng cường thu hút đầu tư, đa dạng hóa nguồn vốn nhằm giải quyết khó khăn về vốn cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao và có giải pháp tăng cường liên kết, giúp nông dân, doanh nghiệp đảm bảo đầu ra sản phẩm…", Tiến sĩ Nguyễn Trọng Uyên, nguyên Viện trưởng Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp gợi ý.

Thu Hiền/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/can-thiet-quy-hoach-phat-trien-vung-san-xuat-lua-giong/356971.html
Zalo