Cần thiết nâng cao kỹ năng, quy trình giám định pháp y đối với trẻ em bị ngược đãi, xâm hại tình dục

Hiện có bốn hình thức chính xâm hại trẻ em, được phân loại như sau: xâm hại thể chất, xâm hại tình dục, xâm hại tinh thần và sao nhãng trẻ em. Nhiều hình thức xâm hại có xu hướng xảy ra trong cùng một vụ việc...

Những thông tin trên được các chuyên gia quốc tế thông tin tại lớp tập huấn cho các cán bộ y tế chuyên ngành sản – phụ khoa, nhi khoa nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng và quy trình giám định pháp y đối với trẻ em bị ngược đãi, xâm hại tình dụcdiễn ra trong 4 ngày, kéo dài đến 29/11 do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức.

Điểm đặc biệt của lớp tập huấn lần này là bên cạnh các chuyên gia trong nước đến từ Viện Pháp y Quốc gia, còn có các chuyên gia đến từ Cộng hòa Nam Phi là TS Karen Muller, Giám đốc điều hành và TS Karen Hollely, Phó Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu và Đào tạo Nhân chứng trẻ em.

Chuyên gia quốc tế chia sẻ tại lớp tập huấn cho các cán bộ y tế chuyên ngành sản – phụ khoa, nhi khoa nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng và quy trình giám định pháp y đối với trẻ em bị ngược đãi, xâm hại tình dục.

Chuyên gia quốc tế chia sẻ tại lớp tập huấn cho các cán bộ y tế chuyên ngành sản – phụ khoa, nhi khoa nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng và quy trình giám định pháp y đối với trẻ em bị ngược đãi, xâm hại tình dục.

Tại lớp tập huấn, các học viên được các chuyên gia cung cấp kiến thức chuyên môn về giám định pháp y, kiến thức về tâm lý trẻ em, về xâm hại, bạo lực với trẻ em, kỹ năng làm việc với trẻ..., giúp các cán bộ y tế có thêm kỹ năng trong khai thác thông tin, nhận diện trẻ bị xâm hại, bạo lực để kịp thời chuyển gửi trẻ đến các cơ sở phù hợp.

Các học viên là các cán bộ y tế công tác trong chuyên ngành sản- phụ khoa, nhi khoa tại bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế như Bệnh viện Bạch Mai, Nhi Trung ương, Phụ sản Trung ương và các bệnh viện thuộc 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc cũng đã chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong hoạt động chăm sóc, tư vấn sức khỏe cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại.

Các chuyên gia quốc tế cho biết, một trẻ em bị xâm hại tình dục có thể bị đe dọa bạo hành nếu trẻ tiết lộ việc xâm hại cho bất kỳ ai. Do đó, trẻ em sẽ là nạn nhân của cả bóc lột tình dục và xâm hại tinh thần hoặc tâm lý do bị đe dọa bạo hành.

Tương tự, nếu một trẻ bị đánh sau khi bị hiếp dâm để đảm bảo trẻ giữ im lặng, trẻ sẽ là nạn nhân của cả xâm hại tình dục và xâm hại thể chất vì bị đánh. Việc là nạn nhân của nhiều hình thức xâm hại có ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh và hành vi của trẻ.

Báo cáo về Phòng, chống Bạo lực trẻ em trên toàn cầu năm 2020 và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho thấy, mỗi năm có ít nhất một tỷ trẻ em bị bạo lực - tương đương một nửa số trẻ em trên thế giới - tức cứ 2 trẻ em thì có 1 trẻ phải chịu một số hình thức bạo lực mỗi năm.

Bên cạnh đó, gần 3/4 trẻ em (300 triệu trẻ em) từ 2–4 tuổi thường xuyên chịu hình phạt về thể xác và/hoặc xâm hại tinh thần do cha mẹ và người chăm sóc trẻ gây ra; Cứ 4 trẻ em dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ sống với người mẹ là nạn nhân của bạo lực do chồng/bạn tình gây ra; Cứ 3 học sinh từ 11–15 tuổi thì có 1 em bị bắt nạt trong tháng qua; Cứ 3 học sinh từ 13–15 tuổi thì có 1 học sinh tham gia đánh nhau, gây gổ trong năm qua…

Đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh phát biểu tại lớp tập huấn.

Đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh phát biểu tại lớp tập huấn.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Bộ Y tế phối hợp với UNICEF tổ chức 4 lớp tập huấn nâng cao năng lực về giám định pháp y trẻ em bị xâm hại, bạo lực tại Thái Nguyên, Đắk Lắk, Cà Mau, Điện Biên với sự tham dự của gần 150 học viên đến từ Viện Pháp y Quốc gia, Bộ Y tế, Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an, Trung tâm pháp y các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo đại diện Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, để tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em và giao trách nhiệm cho Bộ Y tế: "Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về giám định pháp y đối với trẻ em bị xâm hại tình dục, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời; Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ưu tiên tiếp nhận, điều trị, tư vấn chăm sóc sức khỏe và nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ y tế trong việc chăm sóc, tư vấn sức khỏe đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại".

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã xây dựng hướng dẫn thống nhất về các quy trình giám định pháp y ban hành tại Thông tư số 13/2022/TT-BYT ngày 30/11/2022 trong đó có quy trình Quy trình giám định trẻ em bị hành hạ, ngược đãi và Quy trình giám định xâm hại tình dục ở trẻ em, đồng thời tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các giám định viên pháp y.

Lê Hảo - Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/can-thiet-nang-cao-ky-nang-quy-trinh-giam-dinh-phap-y-doi-voi-tre-em-bi-nguoc-dai-xam-hai-tinh-duc-169241127100622679.htm
Zalo