Cần thiết đối với các đô thị Đông Nam Á
Đông Nam Á là khu vực rất dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu, với hàng triệu người dân sống ở các thành phố ven biển trũng thấp. Trong khi đó, quá trình đô thị hóa nhanh chóng ở khu vực cũng làm gia tăng tính cấp bách của vấn đề này, khi dân số đô thị ước tính sẽ tăng đáng kể từ 335 triệu người lên 542 triệu người vào năm 2050.
Các thành phố như Bangkok (Thái Lan), Manila (Philippines) và Kuala Lumpur (Malaysia) sẽ phải đối mặt với nhu cầu ngày càng tăng về cơ sở hạ tầng, nhà ở và tài nguyên, cũng như tình trạng mực nước biển dâng cao và các sự kiện thời tiết khắc nghiệt hơn.
Tuy nhiên, các thành phố cũng có tiềm năng to lớn để phát triển và thực hiện những giải pháp về khí hậu. Điều này đồng nghĩa là các nhà hoạch định chính sách cần có kiến thức khoa học mới nhất về các hành động thích ứng và giảm thiểu khí hậu.
Liên quan đến vấn đề này, Tờ The Straits Times ngày 30/12 đăng tải bài viết cho hay, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), cơ quan khoa học khí hậu hàng đầu của Liên hợp quốc (LHQ) sẽ công bố một báo cáo đặc biệt về biến đổi khí hậu và các thành phố, dự kiến phát hành vào năm 2027.
Báo cáo này không chỉ là một tài liệu về khí hậu, mà được kỳ vọng sẽ trở thành hướng dẫn dành cho các thành phố ở những khu vực như Đông Nam Á, nhằm điều hướng thách thức khí hậu cụ thể của từng thành phố, cung cấp thông tin quan trọng như các điển hình thành công trong công tác quản lý rủi ro khí hậu và giảm phát thải...
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên các thành phố trở thành trọng tâm của một báo cáo chuyên đề. Các báo cáo đặc biệt trước đây tập trung vào bối cảnh khác, như tác động của biến đổi khí hậu đối với đại dương, tầng băng quyển và đất liền.
Qua đó, báo cáo đặc biệt sắp tới của IPCC về các thành phố sẽ cung cấp lộ trình rất cần thiết, các chiến lược phù hợp với bối cảnh đô thị, cho phép các thành phố mở rộng quy mô của những mô hình thành công và chia sẻ về những hiểu biết sâu sắc. IPCC sẽ cung cấp cho các chuyên gia bằng chứng khoa học cần thiết để thiết kế và triển khai cơ sở hạ tầng đô thị có khả năng chống chịu với nhiệt độ cao, hạn hán, lũ lụt và các mối nguy hiểm khác, đảm bảo hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo, đồng thời kết hợp các giải pháp dựa trên thiên nhiên vào cảnh quan đô thị.
Trong một nhận định liên quan, ông Winston Chow, đồng Chủ tịch Nhóm công tác II thuộc IPCC lưu ý thêm: “Các thành phố sẽ không đạt được mục tiêu khí hậu nếu không có sự hỗ trợ và tham gia tích cực của những người sống, làm việc và đưa ra quyết định ở đó”. Các cư dân thành thị có thể đóng vai trò quan trọng bằng cách hỗ trợ các sáng kiến bền vững địa phương, ủng hộ những chính sách xanh và đưa ra lựa chọn carbon thấp trong cuộc sống hàng ngày.
Báo cáo đặc biệt về biến đổi khí hậu và các thành phố của IPCC sẽ là lời kêu gọi hành động để khai thác hết tiềm năng của các thành phố trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, đảm bảo các thành phố kiên cường, toàn diện và bền vững cho những thế hệ mai sau.