Cần thiết đầu tư đường sắt tốc độ cao
Sáng 13/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra nội dung này. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Theo tờ trình, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án Đường sắt độ cao Bắc - Nam là hơn 1.713.548 tỷ đồng, tương đương 67,34 tỉ USD, suất đầu tư dự án khoảng 43,7 triệu USD/km. Tổng chiều dài tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khoảng 1.541km. Về quy mô đầu tư, dự án sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h, xây dựng 23 ga khách, 5 ga hàng.
Theo đề xuất của Chính phủ, dự án sử dụng vốn đầu tư công với nguồn vốn từ ngân sách Trung ương bố trí theo các kỳ trung hạn, vốn góp của địa phương, vốn huy động có chi phí thấp và ít ràng buộc… Chính phủ đề xuất 19 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt khác quy định pháp luật hiện hành.
Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với sự cần thiết đầu tư dự án nhằm tăng cường kết nối vùng miền, mở ra không gian phát triển mới, tạo tiền đề cho việc phát triển Kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. Với tổng số vốn hơn 67 tỷ USD, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, số vốn lớn, trong khi giai đoạn 2026-2030 nguồn lực đầu tư công vẫn tiếp tục ưu tiên các dự án, chương trình quan trọng, chính vì vậy, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để huy động nguồn lực, tăng thu ngân sách nhà nước, cắt giảm chi thường xuyên.
Bên cạnh đó, báo cáo thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ làm rõ hướng tuyến theo nguyên tắc “thẳng nhất có thể"; các cơ sở tính toán về dự báo về nhu cầu vận tải của dự án; đánh giá đúng thực tế hiệu quả tài chính của dự án và khả năng ngân sách nhà nước phải bù lỗ trong tương lai cho hoạt động kinh doanh vận tải trên tuyến đường sắt tốc độ cao. Bên cạnh đó, làm rõ lợi thế về thời gian, giá vé và các ưu thế khác mà phương thức vận tải này mang lại.
Để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả cho dự án, việc cho phép áp dụng 19 cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt là rất cần thiết. Tuy nhiên, đề nghị bổ sung đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng hơn, để có giải pháp phù hợp nhằm hạn chế, khắc phục các tác động tiêu cực nếu có.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!