Can thiệp sớm trẻ chậm nói

'Hiện nay, tình trạng trẻ chậm nói khá phổ biến, do bẩm sinh, hoặc môi trường xung quanh. Các dấu hiệu thường khó nhận diện, do phụ huynh chưa nắm rõ các giai đoạn phát triển ngôn ngữ của trẻ. Các bé được đưa đến đây khám chủ yếu bị rối loạn ngôn ngữ, khó giao tiếp bằng ngôn ngữ, hạn chế khả năng tiếp thu...', Bác sĩ Ninh Thị Minh Hải, Phòng Âm ngữ trị liệu, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, thông tin.

Hình thành và phát triển từ năm 2021, Phòng Âm ngữ trị liệu chuyên khám và can thiệp sớm cho trẻ từ 18-36 tháng tuổi bị chậm phát triển ngôn ngữ, hạn chế khả năng giao tiếp tương tác, hạn chế kỹ năng nhai nuốt.

“Hiện Phòng Âm ngữ trị liệu đang can thiệp 30 trường hợp, còn lượng phát sinh khám dao động từ 20-30 bé; có 2 phòng can thiệp, 1 phòng vật lý trị liệu. Các bé đến đây sẽ được khám, can thiệp, hỗ trợ phát triển về vận động và can thiệp các rối loạn về phát triển ngôn ngữ như: chậm nói, khó phát âm, khó giao tiếp... nhằm cải thiện về tương tác giao tiếp”, Bác sĩ Ninh Thị Minh Hải cho biết.

Trẻ được can thiệp điều trị tại Phòng Âm ngữ trị liệu, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau.

Trẻ được can thiệp điều trị tại Phòng Âm ngữ trị liệu, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau.

Khi tiếp nhận can thiệp cho trẻ, đội ngũ y, bác sĩ sẽ khám lượng giá (tức là thông qua các hoạt động chơi, tương tác giao tiếp để bác sĩ có thể đánh giá được mức độ) và đưa ra định hướng hỗ trợ. Ðây là vấn đề quyết định kết quả quá trình điều trị cho trẻ, bởi vì, không chỉ trực tiếp điều trị tại đây mà còn cần sự phối hợp của phụ huynh.

Mỗi buổi học can thiệp của các bé sẽ kéo dài khoảng 45 phút và từng bé sẽ có kế hoạch điều trị theo tuần, tháng, theo từng bệnh trạng. Kế hoạch đó được cụ thể từng hoạt động, phụ huynh nắm rõ và cùng tham gia với các con. Cách điều trị này có thể hiểu là một y, bác sĩ hoặc điều dưỡng ở đây sẽ kèm một bé. Kể cả phụ huynh cũng được theo dõi trực tiếp, nếu phụ huynh bận công việc, buổi học cũng sẽ được quay video trực tiếp gửi cho phụ huynh để phụ huynh nắm được từng hoạt động của con và phối hợp chặt chẽ hơn trong suốt thời gian con điều trị tại Phòng Âm ngữ trị liệu.

Ðồng hành cùng con trong hơn 1 năm điều trị tại Phòng Âm ngữ trị liệu, chị Trần Thanh Duyên, Phường 8, TP Cà Mau, phấn khởi, an tâm vì tình trạng của con ngày càng khá hơn. Chị Duyên chia sẻ: “Con tôi được 6 tuổi nhưng bé bị bại não nhẹ, suy hô hấp bẩm sinh từ khi sinh ra, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của bé, khiến bé vận động khó khăn, không phát âm được. Thời gian khi đến đây điều trị, các bác sĩ đã hỗ trợ, kèm trực tiếp cho bé. Hiện tại, tình trạng bé khá hơn, đi đứng, hoạt động, ăn uống cũng đỡ hơn, tôi mừng lắm”.

Phụ huynh, gia đình nên giao tiếp với trẻ nhỏ nhiều hơn thay vì để trẻ tự chơi với các thiết bị công nghệ.

Phụ huynh, gia đình nên giao tiếp với trẻ nhỏ nhiều hơn thay vì để trẻ tự chơi với các thiết bị công nghệ.

Bác sĩ Minh Hải nhấn mạnh thêm, vấn đề can thiệp sớm cho trẻ rất cần sự phối hợp giữa gia đình và phòng điều trị. Trong quá trình can thiệp, các bác sĩ khuyến khích những trẻ có thể tương tác khá tốt học song song ở trường học và cả điều trị để các bé sớm phát huy khả năng giao tiếp, tư duy ở nhiều môi trường khác nhau. Việc đánh giá chính xác, chẩn đoán đúng giúp đưa ra phương pháp can thiệp phù hợp. Ðối với những trẻ gặp khó khăn trong ngôn ngữ, nếu được can thiệp sớm có thể cải thiện khả năng giao tiếp nhanh chóng, tránh được các vấn đề về học tập và xã hội sau này, giúp trẻ phát triển toàn diện.

Mỗi trẻ phát triển ngôn ngữ ở những mức độ và thời điểm khác nhau. Dấu hiệu cảnh báo cho thấy trẻ có thể gặp khó khăn trong phát triển ngôn ngữ, bao gồm: trẻ dưới 1 tuổi không phát ra tiếng nói (tiếng kêu ê a...) khi đến 6 tháng, không cười hoặc không phản ứng khi nghe người khác nói chuyện; trẻ 1-2 tuổi, không nói từ đơn vào khoảng 12 tháng... Ngoài ra, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám nếu có một trong các dấu hiệu: trẻ không nói được hoặc nói rất ít từ so với các bạn cùng tuổi, gặp khó khăn trong việc hiểu và thực hiện các yêu cầu đơn giản; trẻ có thói quen dùng hành động thay vì lời nói để giao tiếp; phát âm của trẻ không rõ ràng và khó hiểu khi giao tiếp với người ngoài gia đình; trẻ có dấu hiệu trầm cảm hoặc không thể giao tiếp với người khác.

Phụ huynh khi thấy bất kỳ dấu hiệu nào trong số những dấu hiệu trên, hoặc cảm thấy lo lắng về sự phát triển ngôn ngữ của con, nên đưa trẻ đi khám sớm để kịp thời chẩn đoán, điều trị.

Hằng My

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/can-thiep-som-tre-cham-noi-a36566.html
Zalo