Cần thêm nguồn lực để giảng dạy tiếng Nhật từ lớp 3

Đưa tiếng Nhật vào chương trình phổ thông thể hiện sự hợp tác giáo dục sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản, nhưng cần đi kèm chiến lược triển khai bài bản.

.t1 { text-align: justify; }

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc trang bị ngoại ngữ cho thế hệ trẻ không chỉ là yêu cầu của giáo dục hiện đại mà còn là chiến lược then chốt để hội nhập quốc tế. Bên cạnh tiếng Anh – ngôn ngữ phổ biến nhất hiện nay thì tiếng Nhật đang dần khẳng định vị thế quan trọng, nhất là khi Việt Nam và Nhật Bản ngày càng tăng cường quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Việc đẩy mạnh giảng dạy tiếng Nhật trong các trường phổ thông không chỉ mở rộng cơ hội học tập, việc làm cho người học sau này mà còn góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập.

Học sinh tiếp cận ngoại ngữ từ sớm sẽ có nền tảng vững chắc để hội nhập quốc tế

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Huỳnh Lê Minh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn (thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) chia sẻ: “Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc đa dạng hóa các ngôn ngữ trong chương trình giáo dục phổ thông không chỉ là một xu hướng mang tính thời đại, mà còn là một yêu cầu cấp thiết để chuẩn bị khả năng hội nhập sâu rộng với thế giới cho thế hệ trẻ.

Vì vậy, tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương đưa tiếng Nhật vào giảng dạy từ lớp 3 đến lớp 12. Đây cũng là định hướng mà nhà trường thường xuyên đề cập trong các buổi làm việc với đoàn công tác đến từ Nhật Bản. Bởi vì thực tế cho thấy, nếu học sinh được tiếp cận ngoại ngữ từ cấp tiểu học, giai đoạn vàng trong phát triển ngôn ngữ thì khả năng tiếp thu, tư duy ngôn ngữ và nền tảng sử dụng ngoại ngữ của các em sẽ vững chắc và hiệu quả hơn rất nhiều so với việc bắt đầu học khi đã lên cấp trung học phổ thông”.

 Thầy Huỳnh Lê Minh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn (thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Ảnh: webiste nhà trường

Thầy Huỳnh Lê Minh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn (thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Ảnh: webiste nhà trường

Cũng theo thầy Huỳnh Lê Minh, việc giảng dạy tiếng Nhật trong chương trình phổ thông còn tạo ra những hướng đi nghề nghiệp thiết thực cho học sinh, nhất là khi mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng được tăng cường trên nhiều lĩnh vực.

“Hiện nay, hai nước đang chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành mũi nhọn như công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao. Nếu học sinh Việt Nam có thể sử dụng tốt tiếng Nhật, đó sẽ là một lợi thế lớn để tham gia vào thị trường lao động quốc tế đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực trình độ cao và biết tiếng Nhật”, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn nhận định.

Cùng bàn về vấn đề này, thầy Đinh Ngọc Đức - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phú Mỹ (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, việc triển khai giảng dạy tiếng Nhật ở các cấp học phổ thông nếu được triển khai đúng cách, sẽ không chỉ giúp học sinh giỏi ngoại ngữ hơn, mà còn góp phần làm phong phú đời sống học đường, mở rộng biên độ trải nghiệm của các em trong thế giới đa ngôn ngữ, đa văn hóa. Đó là nền tảng rất cần thiết để đào tạo một thế hệ công dân toàn cầu, chứ không đơn thuần là phục vụ thị trường lao động.

Bên cạnh đó, thầy Đinh Ngọc Đức nhấn mạnh đến khía cạnh phát triển năng lực học ngôn ngữ theo giai đoạn tâm sinh lý lứa tuổi, cũng như vai trò của sự chủ động, linh hoạt trong đổi mới giáo dục ngoại ngữ.

Theo thầy Đức: “Ở giai đoạn tiểu học, học sinh có mức độ cởi mở cao hơn với cái mới, không ngần ngại thử, sai và sửa, đó là điều kiện lý tưởng để hình thành kỹ năng ngôn ngữ tự nhiên, nhất là với một ngôn ngữ có cấu trúc khác biệt như tiếng Nhật.

Thêm vào đó, ở tuổi này, học sinh chưa chịu áp lực thi cử cao nên môi trường học tiếng Nhật có thể thiết kế linh hoạt, chú trọng phát triển toàn diện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và nuôi dưỡng hứng thú học tập lâu dài cho các em”.

 Thầy Đinh Ngọc Đức - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phú Mỹ (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: website nhà trường

Thầy Đinh Ngọc Đức - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phú Mỹ (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: website nhà trường

Đáng chú ý, Việt Nam và Nhật Bản đã kí kết bản Thỏa thuận khung về việc dạy tiếng Nhật ở trường phổ thông Việt Nam, thời gian thực hiện từ năm 2025 đến năm 2034.

Theo đó,căn cứ nhu cầu của người học và điều kiện thực tế, các địa phương có thể xem xét hỗ trợ giảng dạy tiếng Nhật như ngoại ngữ 1 tại một số trường tiểu học và trung học, đảm bảo có tính liên thông phù hợp với quá trình hoàn thành chương trình học tập của học sinh.

Ngoài ra, tại các địa phương đang giảng dạy tiếng Nhật như ngoại ngữ 2 ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, cơ quan chức năng xem xét duy trì sự hỗ trợ cần thiết để đảm bảo tiếng Nhật tiếp tục được giảng dạy một cách ổn định giúp học sinh có thể hoàn thành chương trình học tập.

Chia sẻ quan điểm về nội dung này, cô Nguyễn Thị Thúy Minh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội) cho biết nhà trường đã triển khai giảng dạy tiếng Nhật được 7–8 năm.

“Trước đây, khi tiếng Nhật được triển khai là ngoại ngữ 2 (môn học tự chọn), số lượng phụ huynh đăng ký cho con em theo học tương đối cao. Tuy nhiên, kể từ khi chuyển sang hình thức ngoại ngữ 1 trong hai năm gần đây, tỷ lệ đăng ký đã giảm đáng kể.

Nhiều phụ huynh vẫn còn băn khoăn, lo ngại rằng con em mình có thể gặp khó khăn khi tiếp tục học tiếng Nhật ở các cấp học cao hơn. Do đó, họ có xu hướng muốn cho con trải nghiệm trước với vai trò là môn học tự chọn. Nếu nhận thấy phù hợp và hiệu quả, họ mới cân nhắc cho con theo học lâu dài.

Do đó, theo tôi, thay vì triển khai tiếng Nhật như một môn ngoại ngữ 1 bắt buộc ngay từ lớp 3, có thể lựa chọn lộ trình linh hoạt hơn bằng cách đưa tiếng Nhật vào chương trình như một môn ngoại ngữ 2. Cách tiếp cận này sẽ tạo điều kiện để học sinh và phụ huynh có thời gian trải nghiệm, đánh giá mức độ phù hợp trước khi mở rộng quy mô triển khai và điều chỉnh dần theo hướng bắt buộc khi điều kiện đã thực sự sẵn sàng”, cô Thúy Minh cho hay.

 Cô Nguyễn Thị Thúy Minh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội). Ảnh: website nhà trường

Cô Nguyễn Thị Thúy Minh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội). Ảnh: website nhà trường

Cần thêm nguồn lực và sự phối hợp chặt chẽ để giảng dạy tiếng Nhật trong nhà trường

Để triển khai thỏa thuận khung về việc dạy tiếng Nhật ở trường phổ thông Việt Nam, phía Nhật Bản sẽ hỗ trợ trong phạm vi ngân sách cho phép đối với các trường đang giảng dạy tiếng Nhật; hợp tác hỗ trợ trong khả năng có thể trong việc cử chuyên gia tiếng Nhật hỗ trợ hoàn thiện chương trình và biên soạn sách giáo khoa tiếng Nhật; cung cấp các tài liệu học tập và tài liệu tham khảo cần thiết cho việc dạy và học tiếng Nhật.

Nhật Bản cũng sẽ cử chuyên gia tiếng Nhật đến các trường phổ thông, tổ chức các lớp bồi dưỡng cho giáo viên tiếng Nhật người Việt Nam theo quy định và đảm nhận một số giờ dạy với tư cách là trợ giảng trong trường hợp cần thiết. Tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếng Nhật và phương pháp dạy học tiếng Nhật cho giáo viên. Tạo điều kiện cho học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý của các trường tham quan, học tập tiếng Nhật, giao lưu văn hóa tại Nhật Bản hằng năm trong phạm vi có thể…

Theo lãnh đạo một số cơ sở giáo dục, hiện quá trình triển khai dạy tiếng Nhật trong nhà trường vẫn còn gặp khó khăn về sách giáo khoa, tài liệu học tập, phương pháp giảng dạy và đặc biệt là sự thiếu thốn về mặt nhân lực. Vì vậy, lãnh đạo những đơn vị này đều rất kỳ vọng vào sự hỗ trợ đến từ Nhật Bản như thỏa thuận trên.

Tại Trường Tiểu học Chu Văn An, cô Nguyễn Thị Thúy Minh cho biết: “Hiện nay, giáo viên giảng dạy tiếng Nhật tại trường không phải là biên chế chính thức của nhà trường mà thường do sở giáo dục và đào tạo điều phối đến trường giảng dạy. Cùng với đó, đội ngũ nhân sự biết tiếng Nhật trong trường gần như không có, nên việc quản lý chuyên môn đối với môn học này gặp nhiều hạn chế.

Nhà trường chủ yếu chỉ thực hiện quản lý hành chính như sắp xếp thời khóa biểu, theo dõi giờ giấc dạy học, còn việc đánh giá chất lượng chuyên môn của giáo viên tiếng Nhật lại phụ thuộc nhiều vào phía đối tác Nhật Bản cũng như cơ quan quản lý cấp trên. Điều này khiến cho việc đảm bảo chất lượng giảng dạy tiếng Nhật trong nhà trường chưa thực sự chủ động và đồng bộ.

Do vậy, bên cạnh mong muốn được tăng cường hỗ trợ về đội ngũ giáo viên, nhà trường cũng rất hy vọng có thêm nguồn tài liệu giảng dạy phong phú và các phương pháp giảng dạy phù hợp để chương trình tiếng Nhật có thể được triển khai một cách bài bản, hiệu quả và bền vững”.

 Lớp học tiếng Nhật cho học sinh lớp 3 tại Trường Tiểu học Chu Văn An. Ảnh: website nhà trường

Lớp học tiếng Nhật cho học sinh lớp 3 tại Trường Tiểu học Chu Văn An. Ảnh: website nhà trường

 Hoạt động giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Trường Tiểu học Chu Văn An. Ảnh: website nhà trường

Hoạt động giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Trường Tiểu học Chu Văn An. Ảnh: website nhà trường

Còn theo thầy Đinh Ngọc Đức, một trong những khó khăn đáng kể hiện nay là sự hạn chế về tài liệu học tập dành cho học sinh học tiếng Nhật.

“Hy vọng với sự hỗ trợ từ phía Nhật Bản, việc hoàn thiện chương trình và biên soạn sách giáo khoa tiếng Nhật, cũng như cung cấp các tài liệu học tập, tài liệu tham khảo cần thiết cho việc dạy và học tiếng Nhật... có thể cải thiện. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả giảng dạy tiếng Nhật trong môi trường phổ thông”, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phú Mỹ bày tỏ.

Tại Việt Nam, tiếng Nhật được thí điểm giảng dạy như ngoại ngữ 2 từ năm học 2003-2004, và như ngoại ngữ 1 tại một số trường phổ thông từ năm học 2016-2017.

Năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 19/2021/TT-BGDĐT về Chương trình giáo dục phổ thông ngoại ngữ 1, trong đó có Tiếng Nhật. Theo đó, Bộ cho phép học sinh cả nước lựa chọn học tiếng Nhật từ lớp 3.

Phương Thảo

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/can-them-nguon-luc-de-giang-day-tieng-nhat-tu-lop-3-post251482.gd
Zalo