Cần thêm cơ chế khuyến khích tiết kiệm năng lượng
Trong những năm gần đây, nhiều địa phương trong cả nước đã đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thúc đẩy các mô hình chuyển đổi xanh, sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng
Theo đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, đến nay 60/63 tỉnh, thành đã ban hành kế hoạch hành động giai đoạn 2020 - 2030 về Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chương trình tiết kiệm diện toàn quốc đã đạt kết quả tỷ lệ tiết kiệm hơn 2% hàng năm trong giai đoạn 2020 - 2023; tỷ lệ tổn thất điện năng đã giảm từ 7,47% năm 2017 xuống còn 6,25% năm 2022; tổ chức nhiều cuộc thi, giải thưởng hiệu quả năng lượng…
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 14/2023/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 về danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới. Bên cạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các ngành và địa phương trong cả nước cũng đã triển khai mạnh mẽ Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030. Chương trình tiếp cận theo vòng đời sản phẩm từ khâu khai thác, thiết kế, chế biến, sản xuất, tiêu dùng, thu hồi, tái chế, tái sử dụng, thải ra môi trường và hướng đến nền kinh tế tuần hoàn.
Tại Hội nghị quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2024 mới được tổ chức tại Đà Nẵng, ông Trần Viết Nguyên, Phó Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, thời gian qua, EVN đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện các chỉ tiêu tiết kiệm điện theo Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm: hàng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ; giảm bớt công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phụ tải điện (DR).
EVN cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức chính trị, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương và các cơ quan truyền thông, báo chí để tổ chức các chương trình tuyên truyền về tiết kiệm điện, như “Giờ Trái đất”, “Gia đình tiết kiệm điện”, “Tiết kiệm điện trong trường học”, sử dụng các kênh truyền thông để tuyên truyền về tiết kiệm điện; đồng thời thực hiện truyền thông qua các hình thức treo băng rôn, phát tờ rơi, diễu hành, tổ chức các cuộc thi, và tư vấn trực tiếp về tiết kiệm điện.
Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Văn Trừ, Phó giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng chia sẻ, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn được quán triệt, dần lan tỏa đến từng người dân, tổ dân phố, đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tiêu biểu như 2.113 tổ trưởng các tổ dân phố trên địa bàn thành phố được tuyên truyền, phổ biến các biện pháp tiết kiệm điện trong sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh; Tổ chức cuộc thi giáo dục môi trường và tiết kiệm năng lượng cho học sinh của 12 trường tiểu học; Tổ chức Giải thưởng “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”; Tiết kiệm điện trong nhân dân được đẩy mạnh bằng chương trình “Hộ gia đình tiết kiệm điện”…
Cần thêm cơ chế khuyến khích
Từ năm 2015, Việt Nam đã chuyển từ nước xuất khẩu năng lượng sang nhập siêu về năng lượng và ngày càng phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch nhập khẩu. Trong khi, việc đầu tư phát triển các dự án nguồn và lưới điện đòi hỏi nguồn lực rất lớn của xã hội. Các nguồn năng lượng tái tạo có giá thành còn cao cũng như bị giới hạn về tỷ trọng công suất trong hệ thống điện do các rào cản kỹ thuật trong việc vận hành ổn định hệ thống.
Bởi vậy, việc sử dụng điện, năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng điện, bảo tồn nguồn tài nguyên năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu… Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những “điểm nghẽn”, hạn chế trong chương trình sử dụng và tiết kiệm năng lượng. Ông Trần Viết Nguyên cho rằng, cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp về tiết kiệm điện chưa đủ hấp dẫn, thiếu các ưu đãi như giảm thuế, thu xếp tài chính để đầu tư vào các thiết bị tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, đặc biệt trong các ngành xi măng, thép, hóa chất, gạch gốm, dệt may, thực phẩm. Thậm chí, có nhiều doanh nghiệp chần chừ chưa sẵn sàng đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm điện.
Bởi vậy, Bộ Công thương cần phối hợp với Bộ Tài chính có cơ chế khuyến khích để thúc đẩy thị trường cung cấp dịch vụ tiết kiệm năng lượng theo mô hình ESCO (công ty cung cấp dịch vụ năng lượng); Hỗ trợ tài chính triển khai các chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, điều chỉnh phụ tải và tiết kiệm điện. Ngoài ra, EVN còn kiến nghị cập nhật, sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tăng cường thanh tra kiểm tra về tuân thủ sử dụng năng lượng tiết kiệm; ban hành cơ chế khuyến khích khách hàng tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải; điều chỉnh giờ cao điểm và giá điện TOU.
Đặc biệt, theo nhiều chuyên gia để đạt được các mục tiêu đề ra của Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong thời gian tới, thì một trong những nội dung và nhiệm vụ quan trọng là việc sửa đổi, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Luật đã được Chính phủ ban hành năm 2010, có hiệu lực từ năm 2011. Sau hơn 10 năm thực thi, cần phải xem xét sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng tăng cường các quy định, chế tài mang tính bắt buộc, làm rõ các cơ chế ưu đãi, khuyến khích về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…