Cần tháo gỡ khó khăn trồng rừng

Công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng đã được đẩy mạnh song việc trồng rừng trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Lãnh đạo UBND xã Na Sang cùng người dân khảo sát diện tích trồng rừng trên địa bàn.

Lãnh đạo UBND xã Na Sang cùng người dân khảo sát diện tích trồng rừng trên địa bàn.

Triển khai trồng rừng phòng hộ từ cuối tháng 6, nhưng đến thời điểm này, xã Na Sang (huyện Mường Chà) mới trồng được gần 17ha rừng phòng hộ. Theo kế hoạch, năm 2024, huyện Mường Chà được giao trồng 80ha rừng phòng hộ. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân nhưng công tác trồng rừng phòng hộ vẫn không thể đạt chỉ tiêu kế hoạch giao.

Ông Cà Văn Keo, Phó Chủ tịch UBND xã Na Sang cho biết: Hai năm (2023 - 2024), xã đều không hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng phòng hộ. Năm 2024, theo kế hoạch giao cho xã trồng 80ha rừng, song khu vực quy hoạch lại nằm trong vùng nương sản xuất của bà con. Nhiều gia đình không có ruộng chỉ trông vào nương, nên bà con không đồng ý lấy đất nương trồng rừng. Do đó, khu vực nào người dân đồng thuận, địa phương mới tiến hành trồng rừng. Theo rà soát, hiện nay, toàn xã chỉ bản Hin 1 có diện tích trồng rừng, 9 bản còn lại không có quỹ đất...

Không chỉ xã Na Sang mà nhiều địa phương trong tỉnh cũng gặp khó do diện tích quy hoạch trồng rừng không đảm bảo. Thực tế hiện nay, trên địa bàn các xã, thị trấn chủ yếu là đất đã có rừng, một số ít diện tích đất trống nhỏ lẻ đan xen với diện tích nương do vậy rất khó khăn để định ranh giới quy hoạch 3 loại rừng và quy hoạch nương để đăng ký trồng rừng.

Người dân bản Ten Hon, xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo tham gia trồng rừng phòng hộ.

Người dân bản Ten Hon, xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo tham gia trồng rừng phòng hộ.

Năm 2024, huyện Mường Nhé được giao chỉ tiêu trồng 30ha rừng phòng hộ. Thực hiện kế hoạch trồng rừng, UBND huyện giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thực hiện việc trồng rừng. Qua rà soát, cơ quan chuyên môn đã lựa chọn trồng rừng phòng hộ tại xã Sen Thượng, nhưng đến nay, mới trồng được 20ha, không đạt chỉ tiêu giao. Nguyên nhân chủ yếu là không tìm được quỹ đất trồng rừng, quỹ đất sản xuất nông nghiệp cũng hạn hẹp... Ngoài ra, diện tích trồng rừng thường nằm tại khu vực vùng cao, vùng sâu đi lại khó khăn trong khi suất đầu tư thấp khiến người dân không mặn mà tham gia trồng rừng.

Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thời gian qua, công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia thực hiện trồng rừng chưa được các địa phương, đơn vị thực hiện tốt. Trong đó, cán bộ làm công tác lâm nghiệp ở cấp cơ sở chưa chủ động nghiên cứu các quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ lâm nghiệp, chính sách hưởng lợi sau đầu tư để tuyên truyền, giải thích đúng cho người dân hiểu. Đồng thời, công tác tuyên truyền chưa được chú trọng thực hiện thường xuyên, liên tục mà cơ bản chỉ thực hiện kế hoạch hàng năm.

Cơ quan chuyên môn huyện Tuần Giáo phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra tình hình phát triển rừng phòng hộ trồng mới năm 2024.

Cơ quan chuyên môn huyện Tuần Giáo phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra tình hình phát triển rừng phòng hộ trồng mới năm 2024.

Dù một số địa bàn gặp vướng mắc trong việc trồng rừng nhưng năm 2024, huyện Tuần Giáo lại đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng trồng rừng phòng hộ.Ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo chia sẻ: “Theo kế hoạch trồng rừng phòng hộ, năm nay, huyện Tuần Giáo được giao chỉ tiêu trồng 70ha rừng. Phấn đấu đạt chỉ tiêu trồng rừng được giao, cán bộ, nhân viên đơn vị đã tích cực về cơ sở tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân. Đồng thời, tranh thủ vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp để giao chỉ tiêu cụ thể cho các địa phương cùng thực hiện. Sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương giúp công tác trồng rừng phòng hộ trên địa bàn huyện đảm bảo kế hoạch. Theo đó, đơn vị đã trồng 70ha cây hồi ở bản Ten Hon, xã Tênh Phông. Đến thời điểm này, nhờ có sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân nên tỷ lệ cây sống đạt cao.

Năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển lâm nghiệp. Trong đó, việc trồng rừng tập trung đạt 946ha; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 10.058ha; chăm sóc rừng trồng thực hiện 734ha và trồng cây phân tán đã thực hiện 297 nghìn cây. Việc phát triển lâm sản ngoài gỗ chỉ đạt 56% kế hoạch giao (55,71/100ha)… Dù còn những khó khăn, vướng mắc song kết quả đó là sự nỗ lực, cố gắng của cơ quan chức năng và chính quyền một số địa phương. Để công tác trồng rừng đảm bảo theo kế hoạch, thời gian tới, các địa phương, đơn vị cần chung sức cùng ngành Nông nghiệp tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Quang Hưng

Phạm Quang

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/quan-ly-bao-ve-rung/can-thao-go-kho-khan-trong-rung
Zalo