Cẩn thận sập bẫy 'cán bộ phòng cháy' giả danh

Với thủ đoạn giả danh cán bộ cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC), các đối tượng gọi điện tới nhiều người dân yêu cầu mua sách, tài liệu liên quan đến công tác PCCC để lừa đảo. Mặc dù cơ quan chức năng liên tục đưa ra cảnh báo nhưng thời gian gần đây vẫn có nhiều nạn nhân 'sập bẫy' trước chiêu lừa đảo này.

Chiêu thức cũ nạn nhân mới

Để người dân tin tưởng, các đối tượng lừa đảo gọi điện thông báo cho người dân nói sắp có đợt kiểm tra, tập huấn nghiệp vụ PCCC, yêu cầu chủ cơ sở phải làm thủ tục giấy tờ, mua sách, tài liệu về PCCC và CNCH. Tài liệu sẽ được gửi tới người mua theo đường bưu điện nhưng phải chuyển khoản trước.

Thiếu cảnh giác nên anh Q đã bị đối tượng xấu lừa mua tài liệu PCCC ảo.

Thiếu cảnh giác nên anh Q đã bị đối tượng xấu lừa mua tài liệu PCCC ảo.

Anh Nguyễn Văn Q, chủ một nhà nghỉ trên địa bàn Phú La (Hà Đông, Hà Nội) bức xúc cho biết: “Mới đây, tôi nhận được điện thoại của một người đàn ông xưng là cán bộ phòng cháy chữa cháy của quận Hà Đông. Người này nói, thời gian gần đây trên địa bàn xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn nên yêu cầu tất cả những người kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ cần phải mua tài liệu về phòng cháy chữa cháy và tham gia lớp tập huấn PCCC. Người này yêu cầu tôi chuyển khoản trước 500 nghìn để mua tài liệu, khi nào tham gia lớp tập huấn sẽ đóng thêm tiền. Không nghi ngờ gì nên sau khi chấm dứt cuộc điện thoại tôi đã chuyển khoản theo số tài khoản mà người này cho. Tuy nhiên, đợi mãi tôi không thấy ai chuyển tài liệu cho mình. Lúc đó, tôi mới đi hỏi mấy chủ nhà nghỉ xung quanh khu vực nhà mình thì không ai bị yêu cầu như tôi. Đến lúc này thì tôi biết mình đã bị lừa”.

Tương tự, bà Đỗ Thị Phượng - chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ trên địa bàn huyện Thạch Thất cũng cho biết: “Nắm được thông tin gia đình tôi có xưởng gỗ lớn và rất quan tâm tới các biện pháp phòng ngừa nguy cơ cháy nổ, các đối tượng không rõ danh tính đã 2 lần gọi điện cho tôi mời chào mua tài liệu để tham gia các khóa tập huấn phòng cháy chữa cháy. Nhận được điện thoại mời chào như vậy, tôi có nói là được tập huấn thì tốt quá. Có chương trình như vậy các anh cứ lên làm việc qua ủy ban xã hoặc trụ sở Công an huyện là chúng tôi ủng hộ. Sau đó thì không còn ai gọi điện làm phiền nữa”.

Đầu năm 2024, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Tây Hồ đã nhận được khiếu nại của ông N.T.C (trú tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ). Theo ông C, một người điện thoại cho ông xưng là cán bộ PCCC Công an quận Tây Hồ cho biết sẽ đến nhà hướng dẫn các thủ tục liên quan đến công tác PCCC. Sau đó, người này thông báo đang xây dựng kế hoạch kiểm tra và mở lớp tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC&CNCH và đề nghị ông C mua sách, tài liệu để bổ sung vào hồ sơ quản lý PCCC&CNCH với giá 490.000 đồng. Tuy nhiên, chuyển khoản đã một thời gian nhưng ông C vẫn không nhận được tài liệu.

Theo tìm hiểu, các đối tượng thường nhắm tới các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, nhất là cơ sở kinh doanh có điều điện về an ninh trật tự hoặc cơ sở mới đi vào hoạt động, đặc biệt là tại khu vực nông thôn, tại các huyện, nhằm đánh vào tâm lý của các chủ cơ sở. Tinh vi hơn, để tạo niềm tin, các đối tượng sử dụng luôn tên của các cán bộ thuộc lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH các cấp, thông báo sắp có đợt kiểm tra, tập huấn nghiệp vụ PCCC, ra điều kiện yêu cầu chủ cơ sở phải làm thủ tục giấy tờ, mua sách, tài liệu về PCCC và CNCH. Đã có không ít trường hợp sập bẫy lừa đảo của các đối tượng này.

Cán bộ Cục cảnh sát hình sự kiểm tra quần áo bảo hộ PCCC mà đối tượng Tùng và Tiến gửi cho các bị hại.

Cán bộ Cục cảnh sát hình sự kiểm tra quần áo bảo hộ PCCC mà đối tượng Tùng và Tiến gửi cho các bị hại.

Không chỉ trên địa bàn Hà Nội mà nhiều địa bàn trên cả nước cũng diễn ra tình trạng lừa đảo này. Trước đó, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tái diễn thủ đoạn, chiêu trò giả danh lực lượng PCCC và CNCH lừa bán sách, tài liệu PCCC cho các cơ quan, doanh nghiệp, trường học.

Chủ một cửa hàng bán ghế massage, các thiết bị tập thể dục trên địa bàn TP Thanh Hóa chia sẻ: “Cửa hàng tôi mới đi vào hoạt động được một thời gian. Gần đây, có một đối tượng đã gọi điện đến cho tôi tự xưng là cán bộ thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh. Đối tượng này thông báo sắp có đợt kiểm tra, tập huấn nghiệp vụ PCCC, yêu cầu chủ cơ sở phải làm thủ tục giấy tờ, mua sách, tài liệu về PCCC và CNCH.

Đối tượng này khẳng định sẽ gửi sách, tài liệu qua đường bưu điện, yêu cầu người mua chuyển khoản trả tiền trước khi nhận bưu phẩm và không được xem trước. Vì là cửa hàng mới nên tôi đã không ngần ngại bỏ ra gần 1 triệu đồng cho bộ tài liệu tập huấn kia. Ngay sau khi nhận bưu phẩm, bóc tài liệu ra mới vỡ lẽ mình đã bị lừa. Tôi liên lạc lại với số điện thoại của người gửi và đối tượng gọi điện đến thì không liên lạc được nữa”.

Tương tự, vào ngày 16/11/2023, một chủ cơ sở kinh doanh ở chợ Phổng (xã Vân Nham, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) nhận được điện thoại từ người tự xưng là cán bộ Công an huyện Hữu Lũng thông báo Công an tỉnh phối hợp với công an huyện tổ chức lớp tập huấn PCCC cho các hộ kinh doanh. Người tự xưng cũng nêu rõ, do thời gian tập huấn ngắn nên lực lượng công an sẽ chuyển phát nhanh một bưu phẩm gồm các tài liệu để nghiên cứu và thư mời tập huấn cho chủ cơ sở. Người này cũng yêu cầu chủ cơ sở đóng 490.000 đồng khi nhận bưu phẩm.

Do trước đó đã được lực lượng công an tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn này nên chủ cơ sở đã liên hệ với cơ quan công an để kiểm tra lại thì được biết không hề có thông báo tập huấn như trên và cũng không có việc cơ quan công an yêu cầu mua tài liệu tập huấn qua dịch vụ chuyển phát nhanh như đối tượng nói.

Người dân cần hết sức cảnh giác

Sau khi nhận được trình báo của người dân, cơ quan công an đã phát hiện và xử lý rất nhiều đối tượng lừa đảo. Đơn cử vào ngày 26/5/2024, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đã bắt được đối tượng Mai Thanh Tùng (sinh năm 1992) và Vũ Văn Tiến (sinh năm 1994, hàng xóm của Tùng), cùng trú tại huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đối tượng Mai Thanh Tùng (bên trái) cùng Vũ Văn Tiến tại trụ sở Cục Cảnh sát hình sự.

Đối tượng Mai Thanh Tùng (bên trái) cùng Vũ Văn Tiến tại trụ sở Cục Cảnh sát hình sự.

Qua công tác nắm tình hình, Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an tỉnh Bắc Giang phát hiện nhóm đối tượng giả danh Cảnh sát PCCC lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại trên cả nước. Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự đã giao Phòng Hướng dẫn điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài phối hợp Công an tỉnh Bắc Giang điều tra làm rõ.

Sau khi xác định được vị trí của các đối tượng, tổ công tác đã ập vào nhà của đối tượng Tùng và Tiến. Tại đây, cơ quan Công an đã thu giữ 4 máy tính mà các đối tượng sử dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại cơ quan công an, Mai Thanh Tùng đã khai nhận, là đối tượng không nghề nghiệp ổn định, thường xuyên lên mạng xã hội tìm hiểu các phương thức thủ đoạn lừa đảo. Do biết một số cá nhân, công ty kinh doanh ngành nghề có điều kiện về ANTT phải có chứng chỉ phòng cháy, chữa cháy (PCCC), tháng 9/2021, Tùng bàn bạc với Tiến giả danh cán bộ Cảnh sát PCCC phụ trách địa bàn gọi điện cho các cá nhân, công ty yêu cầu tập huấn để được cấp chứng chỉ nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thông qua mạng Internet, Tùng đã thu thập thông tin của các cá nhân, công ty kinh doanh ngành nghề có điều kiện về ANTT cần có chứng chỉ PCCC; đồng thời mua 1.000 bộ quần áo bảo hộ PCCC của anh T.V.T, quê ở Hà Nam với giá 125.000 đồng/1 bộ. Sau đó, Tùng cùng với Tiến sử dụng nhiều sim điện thoại không chính chủ để gọi điện giả danh là cán bộ Cảnh sát PCCC quản lý địa bàn yêu cầu các cá nhân, công ty kinh doanh ngành nghề có điều kiện tham gia tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ PCCC để được cấp chứng chỉ với thời gian tập huấn từ 3 đến 5 ngày và kinh phí từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng/người.

Đơn cử, trường hợp bị hại là chị Nguyễn Thị T (sinh năm 1989), trú tại TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình và anh Phan Văn T, trú tại tỉnh Bắc Giang, đều là chủ hộ kinh doanh cá thể. Sau khi có số điện thoại của 2 người này, Tùng gọi điện thoại tự xưng là cán bộ Cảnh sát PCCC quản lý địa bàn, nói sắp tới có đoàn kiểm tra về công tác PCCC hỏi hộ kinh doanh có các thiết bị PCCC, đăng ký, chứng chỉ PCCC chưa? Nếu không có sẽ bị xử phạt, trường hợp nặng có thể thu hồi giấy phép kinh doanh...

Khi thấy chị T và anh T nói chưa có, lập tức Tùng giới thiệu có quen biết lãnh đạo của Phòng Cảnh sát PCCC nơi mà bị hại cư trú; đồng thời cho số điện thoại để bị hại gọi đến để “lãnh đạo” hướng dẫn mà không cần đến cơ quan Công an. Các bị hại đã dễ dàng tin tưởng, gọi theo số điện thoại Tùng cho. Có trường hợp, Tùng đóng “hai vai”, giả vờ là “lãnh đạo”, có trường hợp thì Tùng giao cho Tiến nghe, hướng dẫn các bị hại, tham gia lớp tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ PCCC để được cấp chứng chỉ.

Tiếp đó, khi bị hại đồng ý tham gia tập huấn để được cấp chứng chỉ, Tùng đã đóng gói bưu phẩm 1 bộ quần áo bảo hộ PCCC, 1 quyển hướng dẫn PCCC và đến Bưu điện huyện Nga Sơn, Thanh Hóa (đối tượng đã đăng ký mã gửi ship cod trước đó) gửi cho cá nhân, công ty. Sau khi các cá nhân, công ty nhận được bưu phẩm thì phải nộp ngay số tiền “lệ phí” tập huấn cho nhân viên chuyển phát nhanh và bưu điện sẽ trả tiền lại cho Tùng. Nhận được tiền, các đối tượng thay đổi số điện thoại hoặc chặn liên lạc của người bị hại. Với thủ đoạn như trên, Tùng và Tiến đã lừa đảo hàng nghìn người với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng tỷ đồng.

Theo thống kê của Bộ Công an, đã có 52/63 địa phương xảy ra các vụ việc nhiều đối tượng giả danh cán bộ Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ (CNCH) để lừa đảo. Mặc dù hình thức lừa đảo này xuất hiện nhiều năm nay và đã được cảnh báo. Tuy nhiên, một số cơ sở chưa kịp thời nắm bắt thông tin nên đã bị các đối tượng lừa đảo.

Kẻ xấu thường gọi điện đến các đơn vị, cơ sở, doanh nghiệp, người dân…, nhất là các cơ sở kinh doanh mới đi vào hoạt động, giới thiệu mình là cán bộ Cảnh sát PCCC để yêu cầu làm các giấy tờ liên quan đến công tác PCCC, bán sách, tài liệu, phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH giá cao hơn thị trường; mời các cơ sở, doanh nghiệp tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ về PCCC và CNCH và yêu cầu chuyển tiền.

Sau khi sách và tài liệu được gửi tới người mua qua đường bưu chính, người mua phải trả tiền trước khi nhận bưu phẩm. Nhưng người mua không thể liên lạc với số điện thoại của người gửi sau khi đã thanh toán. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật, gây hoang mang, phiền phức cho người dân và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp làm ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH.

Trước tình trạng trên, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đề nghị người dân nêu cao cảnh giác, không giao dịch mua bán với các đối tượng này. Cần chia sẻ thông tin rộng rãi về các thủ đoạn lừa đảo cho người thân và cộng đồng, tránh mắc bẫy đối tượng xấu. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất.

Đại diện Phòng Cảnh sát PCCC - Công an TP Hà Nội cho biết, hành vi của các đối tượng không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tạo dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của lực lượng Công an nhân dân nói chung và Cảnh sát PCCC nói riêng.

Trước diễn biến phức tạp của tình trạng này, không chỉ Công an TP Hà Nội mà Công an các tỉnh như Lạng Sơn, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Tây Ninh… cũng liên tục đưa ra những cảnh báo tới người dân để tránh bị các đối tượng này lừa đảo.

Phong Anh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/vu-an-noi-tieng/can-than-sap-bay-can-bo-phong-chay-gia-danh-i736577/
Zalo