Cận tết cảnh báo các chiêu trò lừa đảo trên mạng
Thời điểm cận Tết nguyên đán như hiện nay, các hình thức lừa đảo trên mạng xã hội ngày càng tinh vi, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều nạn nhân. Những chiêu trò này không chỉ nhắm vào người tiêu dùng mà còn lợi dụng nhu cầu đi lại, lưu trú và mua sắm dịp cuối năm...
Mới đây, chị B.T.M trú tại phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng, đã bị lừa đảo với thủ đoạn rất tinh vi. Theo đó, chị nhận được thông báo rằng số điện thoại của mình sẽ bị khóa. Ngay sau đó, chị nhận được cuộc gọi từ một người đàn ông tự xưng là “Nguyễn Minh Hải, Trưởng phòng Công an TP. Đà Nẵng”, cáo buộc số điện thoại của chị liên quan đến hoạt động phi pháp. Đối tượng yêu cầu chị M cầm cố sổ đỏ và chuyển tiền để chứng minh mình không vi phạm pháp luật. Tin lời, chị M đã cầm cố sổ đỏ được 1,7 tỷ đồng, chuyển vào tài khoản của đối tượng. Không dừng lại, đối tượng tiếp tục yêu cầu chị chuyển thêm 300 triệu đồng. Tổng cộng, chị đã chuyển hơn 2 tỷ đồng trước khi phát hiện bị lừa và trình báo cơ quan công an.
Nắm bắt tâm lý thích mua hàng giá rẻ, đặc biệt trong dịp Tết, nhiều đối tượng lập tài khoản ảo bán hàng trực tuyến nhằm chiếm đoạt tài sản. Cũng ở Đà Nẵng, chị N.L.H.N, trú tại phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, là một trong những nạn nhân của chiêu trò này. Sau khi đồng ý mua một chiếc MacBook từ tài khoản Facebook “Nguyễn Thắm” với giá 10,5 triệu đồng, chị đã chuyển 2 triệu đồng đặt cọc và sau đó chuyển thêm 8,5 triệu đồng. Tuy nhiên, sau nhiều ngày chờ đợi, chị không nhận được hàng và phát hiện mình bị lừa.
Bên cạnh đó, lợi dụng nhu cầu đặt phòng lưu trú dịp Tết, các đối tượng giả danh nhân viên khách sạn để lừa tiền đặt cọc. Chị N.T.T (quê Quảng Ngãi), tạm trú tại Đà Nẵng, đã liên hệ đặt phòng qua Facebook với tài khoản giả mạo khách sạn M.B Hotel. Sau khi chuyển khoản 4,2 triệu đồng đặt cọc, chị tiếp tục bị yêu cầu chuyển thêm tiền vì “lỗi hệ thống”. Tổng cộng, chị đã chuyển hơn 13 triệu đồng trước khi phát hiện mình bị lừa.
Đáng lo ngại, các đối tượng xấu còn lợi dụng nạn nhân của các vụ lừa đảo để tiếp tục thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Chúng lập các Fanpage giả danh Cục An ninh mạng hoặc các công ty luật, quảng cáo dịch vụ “thu hồi tiền bị lừa đảo”. Để tạo lòng tin, các đối tượng sử dụng tài khoản ảo đăng bình luận cảm ơn, đồng thời chạy quảng cáo để bài viết xuất hiện thường xuyên trên mạng xã hội.
Khi liên hệ, nạn nhân được yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, vụ việc, thậm chí tải các ứng dụng để “tiện liên lạc”. Sau đó, các đối tượng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền “làm thủ tục” và chiếm đoạt số tiền này.
Công an TP. Đà Nẵng cảnh báo người dân cần tỉnh táo và cảnh giác trước các thủ đoạn trên. Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập qua công an địa phương, không gọi điện yêu cầu chuyển tiền hoặc cài đặt phần mềm. Khi nhận được thông báo liên quan đến pháp luật, người dân cần giữ bình tĩnh, xác minh thông tin và trình báo tại cơ quan công an nơi gần nhất. Tránh liên hệ các Fanpage, tổ chức chưa được xác thực để tránh trở thành nạn nhân của các hình thức lừa đảo khác.
Người dân nên thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo từ cơ quan chức năng, tăng cường hiểu biết về các thủ đoạn lừa đảo và chia sẻ với người thân, bạn bè để cùng nâng cao cảnh giác. Việc chủ động phòng tránh không chỉ giúp bảo vệ tài sản cá nhân mà còn góp phần ngăn chặn các hành vi lừa đảo, đảm bảo an ninh trật tự trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.