Cần tăng cường đảm bảo an ninh tại cơ sở sản xuất, kinh doanh vàng
Lời Tòa soạn: Thực hiện Quyết định số 398/QĐ-UBND ngày 27-8-2024 của UBND tỉnh Gia Lai, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh vừa hoàn thành đợt kiểm tra các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ và vàng miếng trên địa bàn tỉnh.
Xung quanh nội dung này, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn ông Đặng Văn Sống-Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh, trưởng đoàn kiểm tra liên ngành.
* P.V: Công tác kiểm tra đã tập trung vào những nội dung liên quan gì đến hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh, thưa ông?
- Ông ĐẶNG VĂN SỐNG: Từ ngày 16-9 đến 3-12, đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra 10 tổ chức tín dụng được cấp phép kinh doanh, mua bán vàng miếng. Kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ tại 29 doanh nghiệp trên địa bàn TP. Pleiku và 9 huyện, thị xã. Đoàn tập trung kiểm tra về tình hình chấp hành các quy định về hoạt động kinh doanh vàng, thực hiện trách nhiệm của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được phép kinh doanh, mua bán vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ; việc chấp hành chế độ báo cáo, tiêu chuẩn, chất lượng, đo lường…
* P.V: Theo ông, tình hình hoạt động kinh doanh, mua bán vàng miếng, vàng trang sức có điểm gì đáng lưu ý?
- Ông ĐẶNG VĂN SỐNG: Các đơn vị có phát sinh kinh doanh mua, bán vàng miếng, sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ thực hiện báo cáo đầy đủ, định kỳ hàng quý cho Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh. Đồng thời, tuân thủ quy định pháp luật về xây dựng quy trình mua bán, kinh doanh vàng miếng, cơ sở vật chất, trang-thiết bị, kho quỹ đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh.
Tổng doanh số vàng miếng mua vào qua kênh các ngân hàng thương mại là 620 lượng, giá trị 47,839 tỷ đồng, doanh số bán ra là 614 lượng, giá trị hơn 50 tỷ đồng. Tổng doanh số vàng miếng mua vào qua kênh của doanh nghiệp là 258,6 lượng, giá trị 18,948 tỷ đồng, doanh số bán ra là 862 lượng, giá trị 62,657 tỷ đồng. Các giao dịch mua, bán vàng miếng trên địa bàn phát sinh chủ yếu trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024.
Đoàn kiểm tra đã lấy ngẫu nhiên 10 mẫu vàng trang sức, mỹ nghệ để thử nghiệm đánh giá chất lượng sản phẩm. Kết quả thử nghiệm có 1/10 mẫu vàng chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng ghi trên nhãn hàng hóa. Qua kiểm tra cân kỹ thuật của các doanh nghiệp, niêm phong, kẹp chì trên cân còn nguyên vẹn và còn thời hạn kiểm định. Kết quả kiểm tra đo các sản phẩm nằm trong giới hạn sai số cho phép.
* P.V: Vậy đoàn liên ngành có đề xuất, kiến nghị gì qua đợt kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh lần này?
- Ông ĐẶNG VĂN SỐNG: Hầu hết các đơn vị được kiểm tra chấp hành tốt các quy định, chính sách pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ; kinh doanh mua, bán vàng miếng. Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở một số trường hợp chưa cập nhật thông tin trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, lưu trữ hồ sơ giấy tờ đầy đủ.
Đoàn đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 2 trường hợp sai phạm về ghi nhãn hàng hóa, chất lượng sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ với tổng số tiền là 13,2 triệu đồng.
Thông qua đợt kiểm tra, chúng tôi đề nghị doanh nghiệp thuê thêm lực lượng bảo vệ, đăng ký tập huấn phòng cháy chữa cháy, kết nối hệ thống báo động với lực lượng Công an để đảm bảo an ninh tại cơ sở. Đồng thời, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3-4-2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và các văn bản hướng dẫn; bổ sung nội dung xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm trong lĩnh vực sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
* P.V: Xin cảm ơn ông!