Cần sự vào cuộc tích cực từ nhiều phía (bài cuối)

Việt Nam đặt mục tiêu chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Nhưng 3 năm trở lại đây, HIV lại chuyển xu hướng lây lan mạnh sang nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và tăng mạnh ở nhóm tuổi trẻ 16-29, khiến cho công tác phòng, chống HIV/AIDS gặp rất nhiều khó khăn và mục tiêu thanh toán đại dịch khó trở thành hiện thực.

MSM là quần thể ẩn, khó tiếp cận, giấu thông tin, hoạt động chủ yếu trên các app hẹn hò và chợ tình… cán bộ y tế khó tiếp cận để vận động, tuyên truyền. Giải pháp nào để giảm lây nhiễm HIV trong nhóm này và bảo vệ giới trẻ, đặc biệt ở lứa tuổi học sinh, sinh viên trước sự tấn công của virus nguy hiểm này là vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay.

Khó tiếp cận nếu không có “những cánh tay nối dài”

Tính đến cuối năm 2022, đã có 112.572 người nhiễm HIV tử vong. Theo PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), đến cuối năm 2022, trên toàn quốc số người có HIV là nam giới chiếm đến 84,4%. Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay (chiếm 74,6%) và có thể trở thành nhóm chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số người nhiễm mới HIV được ước tính hàng năm trong thời gian tới.

Các đồng đẳng viên nhóm CBO là “cánh tay nối dài” cho lực lượng y tế trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Các đồng đẳng viên nhóm CBO là “cánh tay nối dài” cho lực lượng y tế trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Làm việc với các cán bộ phòng, chống HIV/AIDS ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ họ đều cho biết có 3 khó khăn lớn đang gặp phải trong công tác tiếp cận, tuyên truyền phòng chống HIV: Độ tuổi xét nghiệm, tuyên truyền vào trường học và tiếp cận cộng đồng MSM. Đây là những cản trở lớn nhất để kéo lùi và làm chậm tiến trình kết thúc đại dịch.

Theo ThS.BS Cao Kim Thoa, Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, việc giám sát, quản lý nhóm đối tượng MSM vô cùng khó khăn vì đây là quần thể ẩn, người lạ rất khó thâm nhập. Vì vậy, đồng đẳng viên của các nhóm CBO là cánh tay nối dài của cán bộ y tế. Tỉnh Bình Dương, Vũng Tàu, Long An, Kiên Giang, Cà Mau, TP Hồ Chí Minh… hiện đang duy trì các nhóm đồng đẳng CBO hỗ trợ CDC trong việc tìm ca nhiễm mới tại cộng đồng với nhóm đích là MSM. Các đồng đẳng viên xâm nhập vào chợ tình, lên các app hẹn hò… để phát bao cao su, chất bôi trơn, truyền thông sử dụng thuốc PrEP; vận động đối tượng nghi ngờ xét nghiệm HIV và chuyển đổi đến cơ sở điều trị ARV. Nhờ các nhóm CBO này, mà các địa phương mỗi năm tìm ra hàng trăm ca nhiễm HIV mới.

Sau thời gian dài hoạt động, 4 nhóm CBO Bình Dương đều đạt chỉ tiêu trên 100%. Ngoài ra, tỉnh còn có 2 nhóm CBO là các doanh nghiệp tư nhân, cung cấp được các dịch vụ đa dạng. Nhóm CBO của Nguyễn Minh Phong (Long An) từ tháng 10/2022 đến hết tháng 6/2023 đã tiếp cận xét nghiệm cho 1.673 đối tượng nguy cơ cao, chuyển gửi thành công 81 trường hợp nhiễm HIV điều trị thành công, 278 khách hàng được chuyển gửi điều trị PrEP.

Bà Võ Thị Lợi, Phó Giám đốc CDC Kiên Giang cho hay, nếu không có những đồng đẳng viên, việc tiếp cận quần thể ẩn là thách thức lớn, trong khi nguy cơ lây nhiễm ở nhóm MSM đang tăng rất báo động. Các cán bộ y tế có thể hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật, nhưng để tìm đối tượng nguy cơ, tiếp cận và thuyết phục họ không phải là điều dễ dàng. Nếu không có đồng đẳng viên, cộng tác viên của các nhóm CBO, việc tìm ra các ổ dịch, khống chế ổ dịch là điều bất khả thi. Còn theo BS Vương Thế Linh, Trưởng Phòng HIV/AIDS, CDC Bình Dương, dù có dự án để trả công tìm ca cho các CBO với giá chừng 120.000 đồng cho một ca PrEP và 1,8 triệu cho một ca ARV, nhưng nếu những CBO này không nhiệt tình tham gia thì các CDC có trả bao nhiêu tiền họ cũng không làm.

Theo đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS, trong thời gian tới, sẽ tăng cường truyền thông dưới sự hỗ trợ của các nhóm CBO để tiếp tục đưa thuốc PrEP và các dịch vụ khác vào điều trị cho những đối tượng nguy cơ cao MSM. Hiện cả nước đã có 242 cơ sở điều trị PrEP ở 29 tỉnh, thành với mô hình công, tư kết hợp cung cấp dịch vụ, đã điều trị tích lũy được hơn 83.000 bệnh nhân. Các bằng chứng khoa học cho thấy, việc sử dụng PrEP làm giảm đến 97% nguy cơ nhiễm HIV qua quan hệ tình dục không an toàn,

Tuyên truyền mạnh vào trường học

Theo Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), trẻ dưới 15 tuổi phải có người giám hộ mới được thực hiện test khẳng định dương tính, đưa vào điều trị. Tuy nhiên, tại các tỉnh, thành phía Nam, hầu hết các trường hợp dưới 15 tuổi không thể đưa vào điều trị vì các em giấu gia đình, càng không dám nói với nhà trường vì lo sợ bị kỳ thị, nên không ai đứng ra giám hộ. Đồng nghĩa với việc các em bỏ lỡ cơ hội điều trị sớm nếu nhiễm HIV và làm tăng nguy cơ lây nhiễm sang các F1,F2… “Hiện nay việc vận động gia đình đưa các em đi xét nghiệm và điều trị là rất khó khăn. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị hạ độ tuổi xét nghiệm để các em nhỏ có cơ hội điều trị sớm, ổn định sức khỏe, kéo dài sự sống”, Danh Hữu Nhân, Trưởng nhóm CBO Sát Cánh (Kiên Giang) đề xuất.

BS Vương Thế Linh lo lắng: “Nếu các em không được can thiệp sớm bệnh tình diễn biến xấu rất nhanh. Vì vậy, luật cần sửa đổi theo hướng giảm độ tuổi được xét nghiệm khẳng định HIV để CDC tỉnh có thể đứng ra bảo lãnh giúp các em nhỏ xét nghiệm và điều trị. Việc này cần sớm được thực hiện với sự tham gia, vào cuộc của nhiều ban ngành, trong đó Bộ Y tế phải tham mưu chính sách để sửa đổi luật”.

Khó khăn lớn nhất của Bình Dương hiện nay là chưa tiếp cận truyền thông được vào trường học. Bình Dương có 8 trường đại học, cao đẳng nghề với 70.000 sinh viên, song đến nay mới chỉ có Trường Đại học Thủ Dầu Một chuẩn bị thành lập Phòng tư vấn, điều trị dự phòng PrEp. “Chúng em rất khó xin phép nhà trường vào tuyên truyền nếu không có sự ủng hộ từ phía CDC. Các trường học còn ngần ngại về vấn đề này. Bộ Giáo dục và Đào tạo nên thay đổi cách đưa truyền thông, kiến thức đa dạng về giới, về tình dục an toàn sớm hơn vào các chương trình dạy học ở trường phổ thông, vì học sinh vẫn còn thiếu kiến thức thiết thực về dự phòng HIV”, Nguyễn Cao Thanh, Trưởng nhóm CBO Hạt Giống (Trung tâm Y tế TP Thuận An, Bình Dương) cho biết.

Trong khi HIV đã âm thầm tấn công vào giới học sinh, sinh viên và đã gây ra những hậu quả khôn lường, thì vẫn còn khoảng trống trong tiếp cận và tuyên truyền để lứa tuổi này hiểu và phòng tránh. BS Vương Thế Linh nêu: “Vấn đề điều trị giờ không quan trọng nữa mà lây nhiễm ở lứa tuổi này mới quan trọng. Chúng tôi muốn đưa các em vào chương trình để xét nghiệm, tiếp cận với thuốc ARV sớm, thuốc PrEP để dự phòng nhưng rất khó thuyết phục, phải tác động từ từ. Sở Giáo dục đã có công văn nhưng Hiệu trưởng các trường chưa đồng ý”. Theo vị bác sĩ này, tới đây ông sẽ cố gắng làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Dương để tập trung truyền thông kiến thức phòng tránh HIV vào các trường học.

Những người làm công tác phòng, chống HIV/AIDS ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng có chung nỗi lo lớn khi chưa tiếp cận truyền thông được vào các nhà trường. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, về chuyên môn kỹ thuật, Bộ Y tế những năm qua đã huy động nguồn lực quốc tế và cử các đoàn chuyên gia hỗ trợ tập huấn cho các tỉnh, nhưng về cơ bản, việc khống chế dịch HIV phụ thuộc chính vào nguồn nhân lực và tài chính của địa phương. Nếu không có các biện pháp can thiệp sớm, thế hệ F1 bị lây nhiễm HIV sẽ ngày càng trẻ hóa.

HIV đã tấn công vào học sinh, sinh viên và không còn thời gian để chờ đợi nữa, cần thiết phải có sự phối hợp và vào cuộc của ngành giáo dục, y tế, của UBND các tỉnh, thành phố để có những định hướng và kiến thức, kỹ năng cho các em về tình dục an toàn, sử dụng thuốc dự phòng với những đối tượng nguy cơ cao, nhằm ngăn ngừa lây nhiễm, đồng thời cũng bảo vệ sức khỏe, tính mạng và tương lai cho các em.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/can-su-vao-cuoc-tich-cuc-tu-nhieu-phia-bai-cuoi--i703148/
Zalo